Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và thành lập Quân đoàn 34, với quy mô tổ chức lực lượng lớn hơn.
Theo quyết định Bộ Quốc phòng công bố ngày 15/12 tại TP Pleiku, Quân đoàn 34 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) và Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long).
Quân đoàn mới được xác định là đơn vị chủ lực cơ động chiến lược, tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực, Tư lệnh Quân đoàn 3, giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 34; thiếu tướng Lê Minh Quang, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, làm Chính ủy
Tại buổi lễ, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, đã trao tặng Quân kỳ Quyết thắng cho Quân đoàn 34 và nhấn mạnh đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”. Quy mô tổ chức, nhiệm vụ quân đoàn mới sẽ lớn hơn, trang bị nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại.
Quân đoàn 3 thành lập ngày 26/3/1975, là một trong quân đoàn chủ lực của Bộ Quốc phòng. Sau năm 1975, đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn như truy quét Fulro, Khmer Đỏ và giải phóng Campuchia. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đóng tại TP Pleiku.
Quân đoàn 4 thành lập ngày 20/7/1974, cũng là đơn vị quân đội chủ lực, tham gia nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch Hồ Chí Minh, bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh Khmer Đỏ. Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 đóng tại TP Dĩ An, Bình Dương.
Quân đoàn là đơn vị có quy mô lớn trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trên cấp Sư đoàn, bao gồm các quân binh chủng hợp thành (bộ binh, pháo binh, công binh, tăng thiết giáp, đặc công, hoá học, thông tin liên lạc) và các ngành đặc biệt như xe máy, quân khí…
Ngoài Quân đoàn 3 và 4, Bộ Quốc phòng còn có Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang). Cuối năm trước, hai quân đoàn này hợp nhất thành Quân đoàn 12.
Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn theo Nghị quyết 18, Bộ Quốc phòng là một trong 8 bộ và cơ quan ngang bộ được duy trì, song phải sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Trần Hóa