Cần chủ động và sáng tạo trong việc lan tỏa những câu chuyện về nhân quyền

adminTháng mười hai 23, 2024
7 lượt xem

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 – 10/12/2024), sáng 19/12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ tổ chức hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới”. Theo đó, các diễn giả đều nhất trí rằng đây là vấn đề quan trọng, cần triển khai thường xuyên, không ngừng nghỉ, đồng bộ ở các cấp và sáng tạo trong cách lan tỏa, để thế giới hiểu về Việt Nam, nhất là khi đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.

Bốn cách làm mới 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt – Phó trưởng ban chỉ đạo về Nhân quyền khẳng định, cùng với những thành tựu to lớn của đất nước, thời gian qua, công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là từ khi “Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam” giai đoạn 2023-2028 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng, do những tác động khách quan đến từ tình hình quốc tế và khu vực, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cần phát huy và làm tốt hơn nữa, đưa ra những cách làm chủ động hơn, sáng tạo hơn.

Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nêu lên bốn cách làm mới. Một là, cần xác định việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại, trong đó có lĩnh vực quyền con người, là nhiệm vụ chính trị, cần tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và đổi mới tư duy, cách làm ở tất cả các cấp.

Hai là, cần áp dụng hình thức tuyên truyền sáng tạo hơn, áp dụng công nghệ, nhằm hỗ trợ công chúng, chính giới nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu thêm về ta.

Ba là, cần có sự nhạy bén về đối ngoại trong các hoạt động truyền thông về quyền con người, tính đến hàm lượng thông tin, thời điểm, bối cảnh và quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Bốn là, cần có chiến lược về chủ động thông tin và xây dựng lòng tin, tuyên truyền thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực song song với đấu tranh phản bác và tăng cường hợp tác với các tổ chức nước ngoài, bạn bè quốc tế.

Những câu chuyện nhỏ tạo hiệu ứng lan tỏa lớn

Tiếp nối những nỗ lực truyền thông về con người trong thời gian qua, hai phiên thảo luận của hội thảo đi sâu vào việc tìm ra mối liên kết giữa thông tin đối ngoại và quyền con người, đồng thời kiến nghị những giải pháp cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Cần chủ động và sáng tạo trong việc lan tỏa những câu chuyện về nhân quyền -3
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh vai trò của thông tin đối ngoại trong việc bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người. 

Theo đó, các diễn giả đều nhất trí rằng đây là vấn đề không của riêng ai, bởi khi những câu chuyện nhỏ những ý nghĩa được truyền tải đúng kênh, đúng đối tượng, có thể tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra kiến nghị về việc nghiên cứu kỹ các lập luận, các cách đặt vấn đề của những bên có quan điểm khác Việt Nam, vốn xuất phát từ nền văn hóa khác nhau, môi trường chính trị khác nhau; tăng cường hợp tác với báo chí nước ngoài, qua đó thúc đẩy hình ảnh quốc gia, nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và xây dựng một môi trường đối thoại công bằng trên các diễn đàn quốc tế.

Cần chủ động và sáng tạo trong việc lan tỏa những câu chuyện về nhân quyền -1
GS.TS Nguyễn Thái Yên Hương, đại diện Việt Nam tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) chia sẻ cách tiếp cận của một số nước trong khu vực về vấn đề tuyên truyền quyền con người.
Cần chủ động và sáng tạo trong việc lan tỏa những câu chuyện về nhân quyền -2
TS Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), tham gia thảo luận về việc áp dụng mạng xã hội vào công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền trong tình hình mới.

Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 1079, ban hành ngày 14/9/2022) xác định, công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.

Đề án khẳng định truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả ba nội dung chính gồm: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam.

Đồng thời, đề án cũng chú trọng việc ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước Việt Nam.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *