Các đối tượng trong vụ hỗn chiến bị bắt giữ.
Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng “đầu trộm đuôi cướp”, “đá cá lăn dưa” và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…
Trương Tấn Lộc (SN 2005, quê An Giang) có mâu thuẫn với Trần Chí Minh (không rõ lai lịch) nên rủ các bạn gồm: Phạm Hoài An, Huỳnh Minh Triết, Đậu Đình Duy, Nguyễn Trường Giang, Bùi Thanh Tài đi “xử” Minh. An rủ thêm Lê Quang Huy, Đỗ Hoàng Phúc; Huy rủ thêm Thái Trọng Nhân, Nguyễn Hoàng Thái Vĩ, Trần Thanh Tùng; Duy rủ thêm Đậu Tiến Dũng. Tất cả 12 đối tượng hẹn nhau tại quán cà phê “Bi” thuộc ấp Nội Hóa 2, phường Bình An, Dĩ An, Bình Dương để cùng đi tìm đánh Minh. Cả nhóm chuẩn bị 3 cây mã tấu rồi đi trên 8 xe gắn máy tìm Minh.
Rảo ngoài đường tìm Minh nhưng không gặp, cả nhóm quay về đến Trung tâm Y tế Dĩ An và dừng ở lề đường thì gặp Bùi Anh Kiệt chở Trần Công Nhật chạy xe nẹt pô inh ỏi. Nhóm của Lộc nhầm tưởng là đối tượng Minh nên cùng tăng ga rượt theo. Kiệt và Nhật hoảng sợ nên điều khiển xe môtô chạy tốc độ rất cao để tránh bị đánh. Do không làm chủ được tốc độ nên Kiệt đã tông vào xe gắn máy của chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền (SN 1974, quê An Giang) chở theo chị Nguyễn Thị Liên (SN 1983, quê Hậu Giang) và cháu Võ Nguyệt Ánh (SN 2001). Hậu quả, Bùi Anh Kiệt chết tại hiện trường; chị Nguyễn Thị Liên chết trên đường đi cấp cứu; còn Nhật, chị Hiền và cháu Ánh bị thương tích nặng. Sau khi vụ việc xảy ra, nhóm của Lộc rời khỏi hiện trường và sau đó ra đầu thú…
Lương Minh Kha (SN 2002, quê Hậu Giang) có mâu thuẫn với Nguyễn Hải Duy (SN 2002, quê Bạc Liêu) do cả hai cùng yêu chị M, làm chung trong công ty. Để loại đối thủ, Kha rủ Lê Văn Trọng (SN 2005, quê Cà Mau), Nguyễn Hoà Phú (SN 2005, quê Bạc Liêu) cùng Hiền, Thuận (chưa rõ lai lịch) đi tìm Duy để đánh dằn mặt. Kha lấy 5 cây dao ở nhà trọ đưa mỗi người một cây rồi kéo đến cổng công ty chờ Duy để “xử”. Duy cũng chẳng vừa, nghe thông tin đối thủ tìm mình, Duy tập hợp hơn 10 “chiến hữu” mang theo dao tự chế đánh úp nhóm của Kha. Cuộc hỗn chiến diễn ra, 1 người trong nhóm của Kha bị thương tích nặng.
Xuất phát từ mâu thuẫn cãi nhau qua lại trên mạng xã hội, nhóm thanh, thiếu niên (khoảng 30 đối tượng) cư trú tại địa bàn TP Thủ Dầu Một do đối tượng Nguyễn Huỳnh Tuấn Anh (tên thường gọi Ba Đù, SN 2008) cầm đầu và nhóm thanh, thiếu niên (cũng khoảng 30 đối tượng) cư trú tại địa bàn TP Tân Uyên do đối tượng Lâm Tiến Sĩ (SN 2007) cầm đầu, hẹn nhau “huyết chiến”. Rạng sáng ngày 22/10/2024, tại khu vực đường Mỹ Phước-Tân Vạn thuộc khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn (TP Thuận An), 2 nhóm sử dụng các loại hung khí gồm cây 3 chĩa, mã tấu, dao Thái Lan, bom xăng (chai bia thủy tinh đựng xăng)… xông vào đánh nhau. Hậu quả Bùi Minh Tiến (nhóm Lâm Tiến Sỹ) bị Trần Thiện Thanh Tiến (nhóm Nguyễn Huỳnh Tuấn Anh) dùng chĩa đâm nhiều nhát vào vùng ngực dẫn đến tử vong…
Đây là 3 trong số hàng chục vụ giết người, cố ý gây thương tích xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày ở Bình Dương trong năm 2024. Đó là chưa kể nhiều vụ lực lượng Công an đã kịp thời ngăn chặn.
Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết, do đặc trưng là địa bàn giáp ranh với các tỉnh, thành phố lớn, đồng thời với chính sách thu hút đầu tư, Bình Dương là nơi tập trung lượng lớn người dân các tỉnh, thành phố trên cả nước về làm ăn, sinh sống. Từ đó kéo theo nhiều nguy cơ gây bất ổn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều gia đình đến Bình Dương lập nghiệp, làm lao động tự do mưu sinh vất vả nên thiếu sự quan tâm, chia sẻ, quản lý con cái. Đặc biệt đối với những gia đình thường xảy ra bạo lực, cha mẹ đánh nhau làm ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ, dần dần sẽ hình thành thói quen, tính cách tiêu cực. Nhiều bậc cha mẹ không ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục con cái, chỉ nghĩ đơn thuần thương con là cho ăn ngon mặc đẹp, cung cấp đầy đủ tiền bạc để con tiêu xài… Chính điều này đã hình thành cho trẻ thói quen thích hưởng thụ, lười lao động, từ đó dễ đưa trẻ đến hành vi phạm tội khi không được đáp ứng đủ về nhu cầu vật chất hoặc không có kỹ năng xử lý vấn đề khi xảy ra mâu thuẫn.
Lực lượng Cảnh sát hình sự đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm kéo giảm tình hình phạm pháp hình sự nói chung và tội phạm xâm phạm nhân thân nói riêng trong đó có tội phạm giết người, cố ý gây thương tích. Xây dựng các mô hình tổ tự quản phòng, chống tội phạm, xây dựng gia đình văn hóa, các tổ hòa giải của các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội, mặt trận đoàn thể,… kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, không để từ mâu thuẫn nhỏ trở thành những mâu thuẫn lớn phát sinh tội phạm; nhân rộng các lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở đối với 91 Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, 187 Câu lạc bộ chủ nhà trọ tự quản về ANTT; 188 Chi hội thanh niên nhà trọ; 328 Tổ hòa giải ở cơ sở; 1.021 Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự tại các công ty, doanh nghiệp…
Công an tỉnh Bình Dương yêu cầu Công an cơ sở cần thống kê, quản lý các nhóm thanh thiếu niên côn đồ, càn quấy, kịp thời xử lý tình huống cấp bách, phức tạp không để các nhóm thanh thiếu niên lôi kéo tụ tập sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn. Trong các vụ “hỗn chiến”, hơn 76% đối tượng có thường trú từ tỉnh khác theo cha mẹ, người thân, bạn bè đến tỉnh Bình Dương sinh sống, lao động, học tập… nên các đối tượng này thường xuyên di chuyển địa bàn cư trú, gây khó khăn cho công tác rà soát phục vụ công tác răn đe, giáo dục, cảm hóa nên cần có giải pháp phù hợp để làm tốt công tác phòng ngừa.