Tại Kỳ họp thứ 20, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội.
Kinhtedothi-Từ 1/1/2025, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP Hà Nội quản lý, được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc
Căn cứ tại khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024 quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Như vậy, từ 1/1/2025, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên do TP Hà Nội quản lý hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Thủ đô 2024 quy định về sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô: HĐND TP được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TP.
Như vậy, HĐND TP thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TP.
Tuyển dụng, thu hút người tài năng thực hiện ra sao?
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật Thủ đô 2024 quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức: Cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn là cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hằng năm cho cấp huyện, được bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Căn cứ Điều 16 Luật Thủ đô 2024 quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện như sau:
Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP; Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 16 Luật Thủ đô 2024 được hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP quy định.
HĐND TP quyết định các chính sách sau đây về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn; Sử dụng ngân sách TP để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn TP; Sử dụng ngân sách TP để hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP quản lý, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn TP; Hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn TP; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của TP.
Chi thu nhập tăng thêm có thể thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030
Mới đây, chiều 10/12, tại Kỳ họp thứ 20, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP Hà Nội quản lý.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, nguồn kinh phí chi thu nhập tăng thêm được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách các cấp sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành.
Nguồn kinh phí chi thu nhập tăng thêm của cơ quan, đơn vị bằng quỹ lương cơ bản (gồm lương theo ngạch bậc, chức vụ) nhân với mức trích do HĐND TP quyết định. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư năm 2023 chuyển sang năm 2024 (sau khi đã sử dụng bổ sung nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương tăng thêm và thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP) là 66.073 tỉ đồng. Nhu cầu kinh phí tăng thêm thực hiện cải cách tiền lương mỗi năm khoảng 12.000 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm theo mức trích 0,8 lần quỹ lương cơ bản có thể thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến hết năm 2030. Năm 2025, mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm bằng 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Từ thời điểm bắt đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn tiếp theo, căn cứ nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành, giao UBND TP báo cáo, đề xuất HĐND TP xem xét, quyết định mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý cho cả giai đoạn và từng năm nhưng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Trường hợp có biến động về nguồn cải cách tiền lương làm thay đổi mức trích đang thực hiện thì UBND TP báo cáo, đề xuất mức trích thay đổi để HĐND TP xem xét, quyết định tại kỳ họp HĐND TP gần nhất.
Chi thu nhập tăng thêm của cơ quan, đơn vị thực hiện theo phương án như sau, sử dụng 0,5 lần quỹ lương cơ bản để chi thu nhập tăng thêm hằng tháng cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức hiện có của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng được hưởng theo hệ số lương ngạch bậc, chức vụ hiện hưởng.
0,3 lần quỹ lương cơ bản còn lại để chi thu nhập tăng thêm cuối năm cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị được đánh giá, xếp loại hằng năm từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cụ thể hóa phương án chi đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá, xếp loại hằng năm đảm bảo việc chi thu nhập tăng thêm theo nguyên tắc của Nghị quyết và quy định của Luật Thủ đô.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, nghị quyết về nội dung trên được TP xây dựng bảo đảm khách quan, công bằng, gắn với hiệu quả công việc, không cào bằng, cơ bản bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng tại Thủ đô, giúp động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc, góp phần vào sự phát triển của TP.
Phát biểu thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Đường Hoài Nam (tổ quận Long Biên) bày tỏ tán thành về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai thực hiện Luật Thủ đô. Đồng thời cho rằng, đây là nội dung tác động lớn đến cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Bởi tăng sự quan tâm, chế độ sẽ tăng thêm ý thức trách nhiệm, tạo ra tinh thần phấn chấn trong cán bộ, công chức…
Trong các chính sách đột phá, vượt trội để phát triển TP Hà Nội, thì các quy định về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng với chế độ công vụ, công chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là những điểm nhấn chính sách quan trọng bậc nhất. Những chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả thì sẽ là đòn bẩy, là động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Nếu bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiện đại thì mới có thể thu hút và sử dụng được hết các nguồn lực – không những nguồn lực của Nhà nước, mà còn nguồn lực ngoài xã hội để phục vụ cho phát triển đất nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kể cả cán bộ bán chuyên trách có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển Thủ đô.
Chính sách, thể chế đã rất đột phá, rất vượt trội, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh phát triển hiện nay, nhưng muốn đi vào cuộc sống, muốn được thực thi có hiệu quả, thì không thể thiếu người giỏi, người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết.
TS Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ