Đề xuất nhiều chính sách đột phá nhằm thu hút, trọng dụng người có tài năng

adminTháng mười hai 31, 2024
9 lượt xem

Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách đột phá nhằm thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Bộ Nội vụ vừa có tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Đối tượng áp dụng bao gồm cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã), viên chức; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Đề xuất nhiều chính sách đột phá nhằm thu hút, trọng dụng người có tài năng - 1
TPHCM tuyển 3 viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc hồi đầu năm 2024 (Ảnh: Nhung Nhung).

Được tuyển vào công chức, viên chức; đơn giản hóa giấy tờ và bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo

Về chính sách thu hút người có tài năng, Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức.

Trong đó, đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng được ưu tiên tuyển dụng theo hình thức xét tuyển vào công chức, viên chức. Bộ ngành, cơ quan Trung ương và địa phương phải dành tối thiểu 20% tổng số biên chế cần tuyển dụng để thu hút đối tượng này.

Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, nếu có nguyện vọng công tác lâu dài tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị thì được xem xét tiếp nhận vào công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ đề xuất quy định sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức được hưởng phụ cấp tăng thêm tối thiểu bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng.

Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức được bổ nhiệm, xếp lương vào ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm và được hưởng phụ cấp tăng thêm tối thiểu bằng 300% mức lương hiện hưởng.

Trường hợp chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành (người Việt Nam hoặc người nước ngoài) thực hiện ký hợp đồng lao động thì cho phép người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương quyết định mức thù lao trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của họ.

Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương được quy định mức trợ cấp thu hút lần đầu cao hơn hoặc bổ sung chính sách hỗ trợ khác đối với người có tài năng.

Sau tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sẽ được cơ quan, đơn vị quản lý tạo điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ; được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước và quốc tế. Đồng thời được xem xét, lựa chọn quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực công tác ở Trung ương và địa phương.

Những cán bộ khoa học có năng lực nghiên cứu được tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực, được giao chủ trì các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên và được xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương.

Đối với chuyên gia, nhà quản lý, dự thảo nghị định đề xuất cho phép cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí vào các vị trí việc làm có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.

Trường hợp chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh hoặc tiêu chuẩn vị trí việc làm, người đứng đầu cơ quan tạo điều kiện để họ hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện.

Đối với chuyên gia, nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành có thể được tạo điều kiện đơn giản hóa giấy tờ và cấp thị thực, giấy cư trú, giấy phép lao động tại Việt Nam.

Người thân của họ (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo hợp đồng.

Đề xuất nhiều chính sách đột phá nhằm thu hút, trọng dụng người có tài năng - 2
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức được hưởng hàng loạt chính sách mang tính đột phá (Ảnh: FPT).

Người có tài năng được trọng dụng như thế nào?

Bên cạnh việc thu hút, tuyển dụng mới nhân sự từ bên ngoài hệ thống, Bộ Nội vụ khẳng định việc trọng dụng những cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực nổi trội là cần thiết để cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Cơ quan soạn thảo đề xuất hình thức tiến cử, công nhận cán bộ, công chức, viên chức có tài năng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó sẽ giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức (cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh) thành lập hội đồng tuyển chọn người có tài năng để kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ, công chức, viên chức có tài năng.

Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành văn bản hành chính hướng dẫn cụ thể việc này.

Cán bộ, công chức, viên chức có tài năng được hưởng phụ cấp tăng thêm hàng tháng tối thiểu bằng 150% mức lương hiện hưởng (không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp – đối với viên chức) kể từ ngày có quyết định công nhận của cấp có thẩm quyền.

Ngoài các chính sách bố trí, sử dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ được kế thừa tại Nghị định 138/2020, dự thảo còn bổ sung quy định về ưu tiên lựa chọn khi xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bổ nhiệm chức danh chuyên gia cao cấp.

Nhằm ghi nhận, khuyến khích sự cống hiến, giữ chân nhân tài và tạo động lực lan tỏa trong cộng đồng, Bộ Nội vụ cũng đề xuất thực hiện một số chính sách như: Không áp dụng tỷ lệ trong xét tặng danh hiệu thi đua hoặc xét khen thưởng đối với người có tài năng; người có tài năng được cơ quan, đơn vị đề nghị vinh danh trong các buổi lễ, chương trình tôn vinh của bộ, ngành, địa phương; được hưởng tiền thưởng do có thành tích được ghi nhận từ Quỹ thi đua, khen thưởng, quỹ tiền thưởng hàng năm.

Đặc biệt, dự thảo đưa ra quy định, cấp có thẩm quyền bố trí kỳ nghỉ dưỡng 7 ngày trong nước cùng gia đình (không quá 5 người) đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành và kỳ nghỉ dưỡng 7 ngày trong nước cùng gia đình (không quá 4 người) đối với cán bộ, công chức, viên chức có tài năng.

Đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ngoài thù lao theo hợp đồng lao động ký kết, được đàm phán và hưởng tiền thưởng, lợi ích từ kết quả công việc theo thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Kinh phí thực hiện chính sách ở đâu?

Vậy kinh phí để thực hiện các chính sách đột phá nêu trên lấy từ đâu?.

Tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ nêu rõ, hàng năm, ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí bằng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản (không bao gồm phụ cấp) đối với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và bằng 5% tổng quỹ tiền lương cơ bản (không bao gồm phụ cấp) đối với các địa phương về thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương được huy động nguồn lực theo quy định của pháp luật để thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Nội vụ đề xuất cho phép ban hành nghị định này theo trình tự, thủ tục rút gọn để có thể có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Không ngừng phát huy nhân tố con người

Căn cứ quy định của Đảng và pháp luật về thu hút, trọng dụng người có tài năng, trong thời gian qua nhiều bộ ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách cụ thể để tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ… đối với những người có trình độ cao, năng lực nổi trội về công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc này, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, bước đầu đạt được những kết quả nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ và nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội.

Thống kê từ năm 2018 đến tháng 10/2024 cho thấy, 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Nghị định số 140/2017.

Đề xuất nhiều chính sách đột phá nhằm thu hút, trọng dụng người có tài năng - 3
Hai sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại xuất sắc được TPHCM tuyển thẳng làm giáo viên THPT hồi đầu năm 2024 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Tuy nhiên, việc thu hút và trọng dụng người có tài năng vẫn còn những hạn chế nhất định. Số lượng nhân lực chất lượng cao được thu hút còn chưa nhiều, sự gắn bó lâu dài trong cơ quan nhà nước còn hạn chế và có sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ từ khu vực công sang khu vực tư.

Ví dụ điển hình tại TPHCM, sau 5 năm thực hiện thí điểm cơ chế thu hút nhân tài mới thu hút được 19 chuyên gia, nhà khoa học về làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, khi kết thúc thời gian thí điểm có đến 14 chuyên gia, nhà khoa học rời đi.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hạn chế đó, theo Bộ Nội vụ, do cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự hấp dẫn, mang tính đột phá, vượt trội để thu hút, giữ chân người tài.

“Chưa có cơ chế trọng dụng mạnh mẽ để phát huy năng lực, sở trường của những người có tài năng đang công tác trong hệ thống chính trị”, Bộ Nội vụ nhận định.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động sâu sắc từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

“Một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là không ngừng phát huy nhân tố con người mà trước hết là của những người có tài năng để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo những đột phá trong tiến trình xây dựng đất nước, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”, Bộ Nội vụ nêu quan điểm.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *