Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump khẳng định đảo Greenland và kênh đào Panama có vai trò rất quan trọng với Mỹ và không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự hoặc kinh tế để kiểm soát chúng.
Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ngày 7/1 (giờ Mỹ) tuyên bố ông sẽ dùng các biện pháp quyết liệt để mua đảo Greenland từ Đan Mạch và giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama từ Panama vì cho rằng chúng có vai trò rất quan trọng với an ninh kinh tế của Mỹ.
Khi được hỏi liệu ông “có thể đảm bảo với thế giới rằng ông không sử dụng biện pháp quân sự hoặc kinh tế” để giành kiểm soát Greenland và kênh Panama hay không, ông Trump đáp: “Tôi không thể đảm bảo với các bạn về bất cứ thứ gì về hai lựa chọn đó! Chúng ta cần chúng vì an ninh kinh tế”.
Tổng thống Mỹ đắc cử cũng cho biết, ông có thể cân nhắc áp thuế với Đan Mạch nếu nước này từ chối lời đề nghị mua đảo Greenland, nhưng không nêu mức thuế và thời điểm áp đặt.
Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2,16 triệu km2 nhưng 80% bề mặt bị băng tuyết bao phủ và có trữ lượng tài nguyên dồi dào. Hòn đảo nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, với dân số khoảng 57.000 người. Mỹ hiện có một căn cứ quân sự đặt radar cảnh báo tên lửa trên đảo Greenland.
Cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tái khẳng định, Greenland là của Đan Mạch và không phải để bán. “Tôi không cho rằng hai đồng minh và đối tác thân thiết (như Mỹ và Đan Mạch) nên đấu tranh với nhau bằng phương tiện tài chính”, bà Frederiksen nói.
Trong khi đó, kênh đào Panama dài 82 km, là tuyến đường nhân tạo kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, rút ngắn đáng kể hành trình giữa hai khu vực và cho phép tàu thuyền không phải vòng qua tuyến đường dài, nguy hiểm quanh cực Nam của vùng Nam Mỹ.
Mỹ là quốc gia đóng vai trò chính xây dựng kênh đào Panama và quản lý lãnh thổ xung quanh kênh đào này suốt nhiều thập kỷ kể từ đầu thế kỷ 19. Chính phủ Mỹ bàn giao toàn bộ quyền quản lý kênh đào cho Panama năm 1999, sau thời gian hai bên đồng quản lý.
Panama chưa bình luận về tuyên bố mới nhất của ông Trump, nhưng khi ông lần đầu nêu ý tưởng này cách đây hai tuần, Panama đã phản đối kịch liệt. “Kênh đào là của Panama. Chúng tôi không có ý định thương lượng gì về điều này”, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino tuyên bố.