Ủy ban Thường vụ Quốc hội được đề xuất quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp tại một hay nhiều địa phương trong cả nước theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Hồ sơ dự án Luật Tình trạng khẩn cấp vừa được Bộ Quốc phòng gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo dự thảo, tình trạng khẩn cấp là trạng thái xã hội đặc biệt được thiết lập khi tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, quốc phòng, an ninh quốc gia tại một hay nhiều địa phương hoặc trên phạm vi cả nước bị đe dọa gây thiệt hại hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến mức phải áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, khắc phục hậu quả xảy ra để nhanh chóng ổn định tình hình.
Dự thảo luật đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp tại một hay nhiều địa phương trong cả nước theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ vào nghị quyết đó, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp tại một hay nhiều địa phương hoặc trong phạm vi cả nước.
Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng.
Nghị quyết ban bố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh công bố của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp phải được công bố ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để người dân biết, thực hiện.
Nội dung của nghị quyết hoặc lệnh ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp gồm: Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp; địa bàn được đặt trong tình trạng khẩn cấp; thời điểm áp dụng; thời hạn áp dụng các biện pháp và thẩm quyền tổ chức thi hành.
Ngoài ra, theo dự thảo luật, từ đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi: Thảm họa đã được ngăn ngừa, hạn chế hoặc khắc phục; dịch bệnh đã bị chặn hoặc dập tắt; tình hình quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đã ổn định.
Việc này phải được công bố ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai để người dân được biết.
Luật này sẽ thay thế Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ tháng 12/2026.
Cơ quan soạn thảo phản ánh, từ khi có Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 và một số đạo luật chuyên ngành, Việt Nam chưa từng ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 với cơ sở của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhưng Việt Nam cũng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Dù vậy, theo Bộ Quốc phòng, một số biện pháp của tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng để ứng phó với tình hình dịch bệnh.
“Thực tiễn áp dụng pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống dịch bệnh nói chung và pháp luật về tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nói riêng. Công tác chống dịch Covid-19 đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp”, Bộ Quốc phòng nhìn nhận.
Trong đó, theo bộ này, phải điều chỉnh, trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng nhận định, cần cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch gần giống như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp (vì nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến kinh tế, an ninh trật tự), các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các biện pháp khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh.