Nhấn mạnh nhiệm vụ cắt giảm thủ tục hành chính, Thủ tướng lưu ý người có nhu cầu phải chờ 5 năm, 10 năm mới có nhà ở xã hội thì không có tác dụng nhiều.
Chiều 6.3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, rà soát lại thể chế, quy trình, thủ tục vướng mắc ở điểm nào, ai giải quyết, làm trong bao lâu, khi nào có kết quả, “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”; tại các luật, nghị định, thông tư thì cơ quan nào phải sửa và đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội.
Nhấn mạnh phải có chính sách ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc này phải trình trong tháng 3, chậm nhất trong tháng 4.
Về huy động nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập quỹ nhà ở quốc gia (Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, hoàn thành trong tháng 3.2025); phê duyệt danh sách người được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội trên cơ sở dữ liệu dân cư tích hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí.
Ngân hàng Nhà nước không tính tín dụng cho vay nhà ở xã hội vào ‘room’ tín dụng của các ngân hàng.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, rà soát, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong năm 2025. “Người có nhu cầu phải chờ 5 năm, 10 năm mới có nhà ở xã hội thì không có tác dụng nhiều”, Thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Bộ Xây dựng giao Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở xã hội, với giải thưởng từ ngân sách nhà nước, triển khai trước 30.4.2025.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội thực hiện đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu quy định các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài được mua, thuê nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, tinh thần là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với các dự án đã khởi công xây dựng thì phải quyết tâm hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2025.
Các địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gương mẫu, đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành mục tiêu được giao tại đề án.
Riêng TPHCM và Hà Nội, mỗi địa phương phải hoàn thành 100 nghìn căn hộ tới năm 2030 (chỉ tiêu hiện tại là TPHCM gần 67 nghìn căn, Hà Nội gần 45 nghìn căn).
Thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật.
Tại các địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn phải quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Bố trí kinh phí, tổ chức giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội để triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác theo thẩm quyền cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc, xử lý nghiêm các vụ việc lừa đảo, vi phạm pháp luật trong phát triển nhà ở xã hội.
Đọc bài gốc tại đây.