Ở vùng Khe Dẻ chi chít lán trại của “vàng tặc”.
PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.
Họ – những người đàn ông ngoại tỉnh, da cháy sạm, mắt nheo lại vì nắng và bụi, ở đây như một phần tất yếu của rừng. Không ai hỏi tên thật. Họ gọi nhau bằng những biệt danh như “Thái Bắc”, “Cò Lào”, “Cu Nậy”, “Tám lùn”… Có người đã ở đây từ suốt mùa mưa năm trước, có người mới lên chưa được nửa tháng. Cả khu rừng như một xã hội ngầm, lặng lẽ tồn tại giữa đại ngàn.
Thức ăn được tiếp tế theo từng đợt, gồm những thứ như thịt hộp, mì tôm, nước suối đóng chai và xăng đựng trong can nhựa cột chằng bằng dây rừng. Người ta bảo nhau đừng dùng lửa to, đừng để khói bốc lên khỏi tán cây, bởi trên kia, có thể có flycam của lực lượng chức năng. Nhưng đã lâu rồi không ai thấy thứ gì bay qua tán rừng này, ngoài mây và chim trốn rét.
Một người đàn ông gốc Thanh Hóa kể với chúng tôi trong lúc nhai trệu trạo miếng cơm nguội: “Ở đây may mắn là có anh Ánh, anh Chiến… mấy anh người địa phương giúp đỡ, chứ không thì đói, lạc chết. Mình có việc, họ có đồng ra đồng vô. Ai cũng khổ cả”. Họ không gọi đó là “tiếp tay”, mà là “thuận đường”. Bởi để vào được Khe Dẻ ở đại ngàn rừng Vĩnh Ô này, không phải cứ có gùi đồ và áo mưa là đủ. Phải biết đường. Phải quen người. Phải hiểu quy luật bất thành văn trong thế giới lặng lẽ mà náo nhiệt này.
Chúng tôi quan sát xung quanh, thấy cây rừng bị đốn hạ, đất bị khoan sâu hàng chục mét, suối thì bị ngăn lại từng đoạn. Tất cả phục vụ cho một mục đích chung: vàng. Có người trúng, có người trắng tay. Nhưng dù trúng hay không, họ đều có điểm chung, đó là những bàn tay này đều dày lên vì cuốc xẻng, bợt trắng vì hóa chất và nước khe lạnh đến cắt da. Những bàn tay ngày xưa có thể từng bế con, gõ bàn phím, hay dắt trâu ra đồng, giờ chỉ quen với sàng đá và súng khoan. Vàng – với họ, là phép màu cuối cùng trong giấc mơ mưu sinh?
Hơn một tháng trước, một đoàn kiểm tra bất ngờ từ xã Vĩnh Ô tiến hành truy quét. Hai lán trại bị đốt, người bị đẩy đuổi khỏi rừng. Nhưng không có tiếng gào thét, không có xô xát. Mọi thứ diễn ra trong sự im lặng – lặng như cách họ vào rừng, và có lẽ, lặng như cách họ sẽ quay lại. Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, nói với chúng tôi, rằng xã đã rất quyết liệt, rằng “cứ phát hiện là đẩy đuổi ngay”. Nhưng ông cũng thừa nhận: “Có thể họ tinh vi quá nên chưa phát hiện hết”(?!).
“Vàng tặc” không chỉ đơn giản là vấn đề khai thác tài nguyên trái phép, mà còn liên quan đến những mối quan hệ chằng chịt giữa người dân địa phương, các nhóm thợ đào vàng và những “ông chủ” đứng sau. Chính quyền địa phương có thể truy quét, nhưng khi các đối tượng khai thác vàng luôn có sự tiếp tay từ một số người dân bản địa, việc triệt phá chỉ là những nỗ lực giảm thiểu phần nào.
Với những ai đang vật lộn với cuộc sống giữa rừng, mơ về một tấm vàng để đổi đời, chẳng có lý do gì để họ từ bỏ con đường này. Dù biết rằng, cái giá phải trả có thể là sự tàn phá rừng, là sự mất mát không thể đo đếm được đối với hệ sinh thái, nhưng vàng vẫn là thứ có sức hút khó cưỡng, và đôi khi, nó có thể làm mờ mắt cả những con người từng một thời sống bình yên giữa lòng núi rừng.
Khe Dẻ là một phần của tiểu khu 582, khu vực rừng có vai trò phòng hộ đặc biệt. Nhưng vàng lại nằm trong lòng đất ấy. Mỗi cơn sốt vàng, mỗi thông tin “trúng lớn” ở Xà Lời hay Đồi Cụp quanh khe suối này, lại kéo theo hàng trăm người vượt núi, vượt đói, vượt cả sự sợ hãi để mong chạm tay vào thứ kim loại chỉ đẹp trong tưởng tượng…
Chiều muộn, giữa rừng sâu lặng gió, một người đàn ông quê Thái Nguyên đang cùng các phu vàng khác ở đây hì hục đào bới, chợt trầm ngâm trong mệt mỏi: “Tôi từng đào vàng ở A Lưới, rồi Nam Giang. Rồi vô Khánh Hòa. Nhưng đâu cũng thế, đào xong là rừng lở, khe đục, rồi mình cũng phải đi. Rừng thì chẳng đi đâu được”.
Câu nói ấy khiến chúng tôi im lặng rất lâu. Rừng không đi đâu được, và rừng cũng không biết khóc, không biết viết đơn tố cáo, kiến nghị. Có khi hơn cả trăm năm rồi, rừng vẫn chỉ đứng đó. Nhưng rừng giờ dần có thêm những thân cây trơ trụi, những dòng suối bị đổi màu, những tiếng thú hoang cũng thưa dần. Và máu của rừng vẫn chảy, lặng lẽ, âm thầm dưới lớp bụi mang tên… “vàng”.