Nỗ lực xây dựng địa bàn không ma túy

adminTháng 4 18, 2025
8 lượt xem

Công an xã Minh Lộc phối hợp với các thôn, xóm kiểm soát chặt người nghiện, nghi nghiện trên địa bàn.

Đây là đề án được Công an tỉnh Thanh Hoá triển khai thực hiện rộng rãi từ năm 2024 đến nay. Kết quả bước đầu cho thấy, đề án đã huy động được cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng vào cuộc, công tác tuyên truyền, phòng, chống ma tuý đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước kiểm soát, đẩy lùi ma tuý…

Trong những năm qua, công tác phòng, chống ma tuý trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần kiểm soát, từng bước đẩy lùi ma tuý ra khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy hiện vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện, nghi nghiện, người có biểu hiện liên quan đến ma tuý trong cộng đồng vẫn còn khá nhiều. Đây là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác.

Trước tình hình trên, năm 2024, Công an tỉnh Thanh Hoá ban hành Đề án số 3822 về xây dựng “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy”. Mục tiêu của Đề án là nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiên quyết đấu tranh với tội phạm ma túy, triệt xóa các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2025, 100% người nghiện ma túy tại các địa phương được phát hiện, có hồ sơ quản lý và tham gia các hình thức cai nghiện phù hợp; 100% người có căn cứ nghi sử dụng trái phép chất ma túy phải được lập danh sách và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; bắt giữ 100% người phạm tội, người bị truy nã vì phạm tội về ma túy; tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống ma túy… Từ đó, từng bước hạn chế tác động của ma túy đối với xã hội, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Theo báo cáo, trên địa bàn huyện Hậu Lộc hiện có 64 người liên quan đến ma túy. Toàn huyện có 3/23 xã không ma túy, gồm các xã: Phong Lộc, Quang Lộc, Mỹ Lộc. Thực hiện đề án về xây dựng “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy”, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành Nghị quyết, Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời ban hành tiêu chí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của đề án. Trên cơ sở đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy; quản lý người nghiện, quản lý sau cai nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng người sau cai nghiện, đối tượng chấp hành xong hình phạt tù về ma túy. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện không ma túy trong năm 2025.

Thị trấn Hậu Lộc, từng là địa bàn “nóng” về ma túy, tuy nhiên với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò tham mưu, nòng cốt, đến nay trên địa bàn thị trấn không còn điểm, tụ điểm, điểm nóng về ma tuý. Toàn thị trấn chỉ còn 1 đối tượng nghiện đã được lập hồ sơ quản lý, 3 đối tượng sau cai nghiện trở về địa phương và không còn người nghi nghiện. Đây là kết quả thể hiện nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an và các cấp, các ngành trong việc triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp cụ thể nhằm chung tay đẩy lùi ma tuý ra khỏi cộng đồng.

Đặc biệt, từ năm 2024, khi triển khai thực hiện Đề án số 3822 về xây dựng “Xã, phường, thị trấn không ma túy”, Công an thị trấn Hậu Lộc đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND thị trấn ban hành các Nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Lực lượng Công an cũng làm tốt vai trò nòng cốt trong việc nắm sát địa bàn, đối tượng; thường xuyên rà soát những trường hợp có nguy cơ sử dụng ma tuý để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp.

Qua trao đổi, Đại uý Nguyễn Văn Thắng – Trưởng Công an thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Để thực hiện đề án 3822 có hiệu quả, chúng tôi tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ điều tra cơ bản sâu, kỹ về các đối tượng nghiện, nghi nghiện và những đối tượng có tiền án tiền sự về ma tuý. Tiếp đó, chúng tôi cho xuống các hộ dân ký cam kết không mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; các tụ điểm như karaoke, nhà nghỉ cũng được tuyên truyền và ký cam kết nói không với ma tuý. Đặc biệt, đối với các đối tượng có nguy cơ cao về ma tuý, đối tượng trong diện quản lý, chúng tôi có thể test ma tuý định kỳ hoặc test đột xuất. Quá trình test nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm thì lập hồ sơ đưa đi cai nghiện ngay”.

Tương tự, tại xã Minh Lộc, Đại uý Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Công an xã, cho hay: Những năm qua, công tác đấu tranh, phòng, chống ma tuý trên địa bàn được triển khai thường xuyên, quyết liệt, riêng trong năm 2024, Công an xã Minh Lộc đã đưa được 5 đối tượng nghiện đi cai nghiện, khởi tố 2 vụ mua bán trái phép chất ma tuý, 1 vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và 1 vụ mua bán sử dụng trái phép bóng cười. Từ khi triển khai Đề án 3822 về xã, phường không ma tuý, tình hình tội phạm về ma tuý trên địa bàn đã được kéo giảm, các đối tượng nghiện, nghi nghiện đã được đưa vào diện quản lý, điểm danh điểm diện hàng ngày. Nhờ đó, tệ nạn ma tuý đã được kiểm soát chặt chẽ, trên địa bàn không còn điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý khiến nhân dân bức xúc, lo ngại.

Không chỉ riêng thị trấn Hậu Lộc và xã Minh Lộc, hiện nay công tác đấu tranh, phòng chống ma tuý nhất là việc thực hiện Đề án 3822 của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã và đang được triển khai quyết liệt, sâu rộng tại tất cả các xã khác trên toàn huyện. Với những kết quả đã đạt được, huyện Hậu Lộc đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng 100% xã, thị trấn không ma túy theo tiêu chí của Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa trong năm 2025.

Tuy nhiên, để kết quả này thực sự bền vững, bên cạnh vai trò nòng cốt của lực lượng Công an và sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, rất cần tiếp tục có sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong việc phát hiện, tố giác tội phạm về ma túy, tham gia công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, quản lý và hỗ trợ tái hòa nhập đối với người sau cai nghiện; và đặc biệt là trong việc tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình, người thân về hiểm họa ma túy; ngăn chặn các thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *