Lật tẩy màn kịch “khóc mướn, kêu oan” cho đối tượng Đường Văn Thái

adminTháng mười hai 9, 2024
14 lượt xem

Tuần qua, sau khi TAND thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự đối với Đường Văn Thái (HĐXX tuyên phạt Thái 12 năm tù giam, quản chế 3 năm), các thế lực thù địch lại giở chiêu trò tung tin xuyên tạc, chống phá, đánh tráo bản chất vụ việc.

Bổn cũ soạn lại

HĐXX đánh giá, việc truy tố, xét xử bị cáo theo đúng quy định của pháp luật và bản án dành cho Đường Văn Thái là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, một số tổ chức gắn mác nhân quyền, các tổ chức phản động, cơ hội chính trị lại giở trò kêu oan, khóc mướn cho Đường Văn Thái, cùng với đó là đả kích, bôi nhọ thể chế, đả phá Đảng, Nhà nước ta. Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN American) trong ngày 30/10 vừa qua đòi “tẩy trắng” tội danh, kêu gọi trả tự do cho Đường Văn Thái. PEN America vu cáo bản án dành cho Đường Văn Thái “rõ ràng vi phạm quyền tự do ngôn luận”, cho rằng: “Việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến ôn hòa là đi ngược lại các tiêu chuẩn quốc tế”. Đồng thời, tổ chức này còn lớn tiếng ra yêu cầu “chính quyền Việt Nam lật ngược bản án khắc nghiệt này” và đòi trả tự do cho Đường Văn Thái.

Cùng với đó, trên trang mạng xã hội của tổ chức Việt Tân, trang mạng Chân Trời Mới Media cũng đăng bài, bình luận để cố xúy, suy tôn Đường Văn Thái như “anh hùng” khi “dám đấu tranh vì công lý, lẽ phải”. Một số hãng truyền thông ở hải ngoại vốn định kiến với Việt Nam như VOA, RFA đăng bài, clip phỏng vấn, dẫn lại những tuyên bố của PEN American để tạo làn sóng phản đối phiên tòa và bản án dành cho bị cáo Đường Văn Thái.

Có thể thấy, cứ thành thông lệ khi cơ quan chức năng bắt, xử lý một số đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ, nhân quyền để hoạt động chống phá chế độ, làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Đảng, Nhà nước ta thì các thế lực thù địch, phản động lại đánh tráo bản chất, cho rằng đây là những “bằng chứng vi phạm dân chủ, nhân quyền”! Sau khi cơ quan chức năng truy tố, xét xử và tuyên các bản án đối với bị cáo thì các tổ chức mượn danh nghĩa nhân quyền, các tổ chức, đối tượng phản dộng và số truyền thông hải ngoại lại mở chiến dịch kêu oan, khóc mướn, cổ xúy, tán dương đối tượng phạm tội. Họ tôn vinh kẻ phá hoại đất nước như những “người can đảm”, “người đấu tranh” cho tự do, dân chủ, nhân quyền mà bỏ qua một thực tế là những người đó vi phạm pháp luật Việt Nam, phạm tội gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân.

Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch, những tổ chức mượn danh dân chủ, nhân quyền như PEN American phớt lờ những quy định pháp luật, bỏ qua nền thể chế của nước ta để áp đặt tùy tiện cái mà họ gọi là giá trị dân chủ, nhân quyền lên Việt Nam, đòi Việt Nam cần phải thực hiện những yêu cầu phi lý mà họ đưa ra. Điều này trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, trái với các quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế. Đối với trường hợp của PEN American, đây không phải lần đầu tổ chức này có những can thiệp sai trái mà trước đó đã có các trò lố khi đã quyết định trao giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho Phạm Đoan Trang với lý do hết sức vô lý rằng, Phạm Đoan Trang “viết vì lương tâm”! Trong khi đó, đối tượng này đang chấp hành án phạt tù vì có hành vi chống phá Nhà nước.

Như vậy, chiêu bài dân chủ, nhân quyền được giới khoác áo dân chủ sử dụng bấy lâu vẫn theo cách thức chung là tô hồng kẻ phạm tội, khi đối tượng bị truy tố, xét xử thì vu cáo Việt Nam “áp bức người bất đồng chính kiến”. Khi những đối tượng phải chấp hành bản án theo quy định của pháp luật thì họ tiến hành chiến dịch kêu oan, khóc mướn, “tẩy trắng” tội danh, đòi thả tự do; đồng thời bôi đen thể chế, công kích Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thực chất đó chỉ là màn kịch ngụy tạo, trá hình, vì lợi ích của chính những tổ chức này.

Để hiểu rõ hơn bản chất định kiến, thù địch với Việt Nam của những tổ chức khoác áo dân chủ, nhân quyền, cần thấy rõ hành động sai trái, lạc lối của Đường Văn Thái.

Con đường phạm pháp

Đường Văn Thái (tên thật Thái Văn Đường) sinh năm 1982, tại thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Giới thiệu về bản thân mình, Đường Văn Thái tự đánh bóng tên tuổi mình như đã từng làm việc tại Vụ Tổ chức – Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, từng là đảng viên. Song, sự thật là từ năm 2001, Thái tham gia công tác đoàn tại thôn Hà Lâm 3; năm 2004, tham gia công tác Đoàn tại xã Thụy Lâm và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2009, Thái làm hợp đồng tại Trung tâm quỹ đất huyện Đông Anh – Hà Nội. Năm 2013, Thái thi công chức nhưng không đỗ do năng lực có hạn và xin nghỉ việc.

Từ năm 2016 đến 2017, Thái theo học Thạc sĩ Quản lý đất đai tại Seoul, Hàn Quốc. Trong thời gian này, Thái móc nối với giới tự xưng dân chủ có những hành vi tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Được sự mời chào của tổ chức “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, năm 2017, Đường Văn Thái chính thức gia nhập tổ chức này – nơi hoạt động của những nhân vật chống đối như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, linh mục Anton Lê Ngọc Thanh… đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước. Cũng thời gian này, Đường Văn Thái đã khởi tạo và tham gia điều hành nhóm “Lều của đầy tớ” trên mạng xã hội Facebook, thường xuyên đăng tải và phát tán những nội dung thông tin sai trái về lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vào thời điểm xảy ra sự cố ở Formosa, Đường Văn Thái là một trong những gương mặt nổi cộm, lợi dụng sự cố này để kích động giáo dân gây rối, bạo loạn, kích động người dân mang cá chết ra rải đầy đường, chặn phương tiện đi lại trên quốc lộ.

Cuối năm 2017, Đường Văn Thái trú ngụ tại TP Hồ Chí Minh. Thấy chiêu trò “đánh BOT” của Trương Châu Hữu Danh đang nổi lên lúc bấy giờ, Đường Văn Thái tiếp tục có những bài viết cổ xúy, xuyên tạc. Thái móc nối, trở thành thành viên cốt cán của nhóm “Bạn hữu đường xa”, sau đó lợi dụng nhóm này để thực hiện các hành vi chống phá, bôi nhọ chính quyền. Năm 2019, Đường Văn Thái đã bị cơ quan chức năng mời lên làm việc. Ngay sau đó, vì quá lo sợ, Thái đã lén lút bỏ trốn sang Thái Lan với mong muốn thoát tội và tìm “một mảnh vé định cư nước ngoài”. Thế nhưng trên mạng xã hội, Đường Văn Thái vẫn khẳng định mình vẫn đường đường chính chính ở tại TP Hồ Chí Minh và không sợ bất cứ ai. Tại Thái Lan, Đường Văn Thái gia tăng tần suất đăng, chia sẻ các bài viết có nội dung sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc hiện thực khách quan, cố tình “đổi trắng, thay đen” chống phá chế độ, chính quyền nhân dân.

Ngày 30/05/2019, Đường Văn Thái đã được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn tại Thái Lan (UNHCR) chấp thuận cấp quy chế tị nạn trong vòng 18 tháng. Thái càng ra sức xuyên tạc, công kích, bôi đen nhà nước Việt Nam. Thái sử dụng mạng xã hội để làm dịch vụ “truyền thông bẩn”. Đường Văn Thái sử dụng Facebook và Youtube đăng tải những thông tin, sự kiện nóng trong nước, đặc biệt là các thông tin liên quan đến các doanh nghiệp, doanh nhân; thông tin về đời tư các đồng chí lãnh đạo. Đồng thời, Đường Văn Thái kiếm tiền từ các dịch vụ quảng cáo của Google, biến Youtube thành kênh tuyên truyền và kiếm tiền từ chiêu trò xấu độc.

Sau một thời gian sống ở Thái Lan, Đường Văn Thái bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ khi đang tìm cách vượt biên vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1, Hương Sơn, Hà Tĩnh vào ngày 16/4/2023. Có thể thấy những hành vi mà Đường Văn Thái đã thực hiện là lợi dụng quyền tự do ngôn luận, không chỉ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người khác mà còn đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, bản án dành cho Đường Văn Thái là hoàn toàn đúng người, đúng tội và tại phiên tòa, chính Thái đã bày tỏ ăn năn, hối cải, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Ở Việt Nam không có cái gọi là “bịt miệng người bất đồng chính kiến”

Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết 271A (III), ngày 10/12/1948 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Song Điều 29 của Tuyên ngôn này chỉ rõ: “Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ. Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra…”.

Với mỗi quốc gia, dân tộc, trong quá trình phát triển, việc kế thừa, vận dụng, tuân thủ các giá trị của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền có sự khác nhau nhất định, do chi phối bởi đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Song có một điểm chung bắt buộc là các quyền tự do ấy phải trong khuôn khổ pháp luật, không thể có tự do, dân chủ quá trớn. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định”. Hay như trong các luật được ban hành như Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013), Luật Báo chí (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018)…, quyền tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm.

Có thể hiểu rằng, tự do ngôn luận là tự do phát biểu ý kiến của mình, bàn bạc một công việc chung; là quyền của công dân được tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung của xã hội. Nhưng tự do ngôn luận không phải thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết. Viết và nói phải mang tính chất xây dựng, không thể vì lợi ích cá nhân mà xâm hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, không thể giống cái cách như Đường Văn Thái đã làm.

Lợi dụng quyền tự do dân chủ, nhân quyền đi ngược lại giá trị chung của cộng đồng xã hội đều phải nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Mọi chiêu trò kêu oan, khóc mướn, “tẩy trắng” tội danh cho tội phạm như cái cách mà các tổ chức mượn danh dân chủ, nhân quyền và các thế lực thù địch, phản động đã làm là can thiệp sai trái vào công việc nội bộ của Việt Nam, là trái với những nguyên tắc chung của thông lệ, luật pháp quốc tế, cần phải đấu tranh, bác bỏ.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *