Hàng ngàn tấn giá đỗ “ngậm” hoá chất tuồn ra thị trường, nguy hiểm cho người sử dụng như thế nào?

adminTháng 4 23, 2025
1 lượt xem

Giá đỗ sản xuất bằng hoá chất, ngâm trồng trong thùng nhựa gây nguy hại cho người sử dụng.

Vụ việc 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine ở Đắk Lắk chưa lắng xuống thì Công an tỉnh Nghệ An lại khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hoá chất, đã khiến dư luận phẫn nộ.

Các đối tượng bất chấp sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng, tẩm hoá chất nguy hiểm làm giá đỗ tăng trưởng nhanh, bán ra thị trường hàng tấn giá đỗ mỗi ngày, thu lời bất chính.

Dạo quanh các chợ ở Hà Nội sau 2 vụ giá đỗ tẩm hoá chất 6- Benzylaminopurine vừa được phát hiện, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tiểu thương bán giá đỗ cho biết, tiêu thụ có chậm hơn trước. Chị Phạm Hằng (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi sợ không dám mua giá đỗ nữa mặc dù người bán hàng quen khẳng định họ tự làm, nhưng tôi vẫn lo”. Theo một người bán hàng ở chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), giá đỗ chị bán uy tín nhiều năm nay, thân gầy, rễ dài, nên người tiêu dùng yên tâm. Tại nhiều chợ, chúng tôi ghi nhận vẫn có giá đỗ thân mập, rễ ngắn, người bán thì khẳng định giá nhà làm, bảo người mua cứ yên tâm.

Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Công an đã liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở sử dụng hoạt chất 6- Benzylaminopurine vào sản xuất giá đỗ. Trước đó, Công an TP Huế phát hiện một cơ sở chuyên sản xuất giá đỗ chui trên đường Duy Tân, phường An Cựu có hành vi dùng chất kích thích tăng trưởng để sản xuất.

Chủ cơ sở khai nhận đây là hoá chất 6-Benzylaminopurine mua tại TP Hồ Chí Minh, dùng để hoà với nước tưới lên giá đỗ, kích thích cho thân giá đỗ phát triển bọng nước, ngắn rễ rồi bán ra thị trường.

Sau đó, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, phát hiện 6 đối tượng ở TP Buôn Ma Thuột, thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ đã ngâm chất cấm 6-Benzylaminopurine, cùng 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất này. Các đối tượng khai, từ năm 2024, đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm hoá chất; trung bình mỗi ngày từ khoảng 8-10 tấn.

Tương tự, 4 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất vừa bị Công an tỉnh Nghệ An triệt phá, các đối tượng cũng khai, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt đã sản xuất và tung ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo” ngâm, tưới giá đỗ. Theo các đối tượng, giá đỗ nếu ngâm hoá chất, thời gian tăng trưởng có thể đẩy nhanh đến 30%. Vì lợi nhuận, họ đã bất chấp.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hoạt chất 6-Benzylaminopurine được sử dụng trong sản xuất giá đỗ tại các vụ việc được phát hiện trong thời gian qua là hoá chất dùng để kích thích tăng trưởng cây trồng, được dùng cho một số loại cây giúp tăng mọc nhánh, làm sinh sôi nảy nở nhiều hơn, ra hạt nhiều hơn và khi thu hoạch phải cách xa ngày sử dụng hoạt chất này.

Chẳng hạn, ở các nước phát triển, khi sử dụng hoá chất này trong cây trồng thì phải vài tháng sau mới được thu hoạch. Hiện nay, các nghiên cứu đánh giá hoá chất 6- Benzylaminopurine chủ yếu trên động vật, có những tác hại và nguy cơ như ảnh hưởng đến nội tiết, đến sự phát triển của bào thai, hệ mạch máu, tim. Còn người chưa có nghiên cứu.

BS Nguyên cũng nhấn mạnh, khi con người sử dụng giá đỗ ngâm hoá chất 6-Benzylaminopurine thì cực kỳ nguy hiểm. Bởi hoá chất này được tưới, ngâm vào giá đỗ hôm trước, hôm sau đã bán ra thị trường, người tiêu dùng sử dụng ngay lập tức, chắc chắn nguy cơ và hậu quả lớn hơn rất nhiều so với phun lên cây trồng mấy tháng sau mới được thu hoạch. Với tác dụng kích thích tăng trưởng nhanh như vậy, khi vào cơ thể con người, nó can thiệp trực tiếp vào sự phát triển hoạt động của cơ thể, làm tế bào thay đổi không bình thường. Bên cạnh đó, hoá chất ngay lập tức đi vào bụng của người tiêu dùng gây ngộ độc.

Tại Nghệ An, Đắk Lắk, khi kiểm tra xưởng sản xuất giá đỗ, cơ quan Công an thu hàng nghìn lu màu xanh chứa giá đỗ các loại, với tổng khối lượng hàng chục tấn. BS Nguyên cho biết, việc sử dụng những thùng nhựa xanh chủ yếu là thùng đựng hoá chất được sử dụng lại, gây nguy cơ hoá chất ngấm vào giá đỗ.

“Thùng đó có rất nhiều chất màu trên nhựa ngấm ra ngoài, rò rỉ hoá chất nhựa vào trong thực phẩm”, BS Nguyên giải thích. Theo chuyên gia, sản xuất hộp nhựa, thùng nhựa, cốc nhựa… đựng thực phẩm cũng phải có tiêu chuẩn riêng và cảnh báo không phải đồ nhựa nào cũng dùng được cho thực phẩm, đặc biệt hiện nay người tiêu dùng sử dụng túi nilon màu đựng thức ăn (cả nóng và nguội) cũng đều có nguy cơ rò hoá chất vào thức ăn.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc chọn lựa mua giá đỗ không ngâm hoá chất, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua giá đỗ thân gầy, mảnh, có màu nâu nhạt, phát triển không đều, rễ có màu nâu, lông tơ nhiều, lá mầm nhỏ, màu xanh nhạt, thường dính vào vỏ đậu và có mùi đậu. Ngược lại, nếu giá đỗ thân to tròn, mập mạp, đều đặn, không bị cong là loại sử dụng chất kích thích để tăng trưởng.

Loại này rễ ngắn, thân màu trắng tinh, trắng bệch, nhìn không tự nhiên, mọng nước. Khi ăn, giá đỗ ngâm hoá chất thường xốp, khô, không thơm, thậm chí có mùi hắc, ít mùi đậu tự nhiên, không ngọt, rất nhiều nước khi chế biến. Giá đỗ ngâm hoá chất có thể để rất nhiều ngày không bị hỏng, khi bẻ thân giá đỗ có nhiều nước và xốp bất thường. Còn giá đỗ an toàn nhanh hỏng, khi xào nấu có mùi thơm. Chuyên gia cũng khuyên người tiêu dùng nên mua giá đỗ ở những nơi uy tín, đáng tin cậy để bảo vệ sức khoẻ.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *