“Hòa bình đẹp lắm, kiếp sau lại cùng nhau làm người Việt Nam nhé!”, những lời hẹn ước được các bạn trẻ thốt lên đầy tự hào, thể hiện lòng trân trọng, biết ơn với đất nước, với sự hy sinh của cha ông thấm đẫm máu và hoa. Từ cựu chiến binh đi qua thời khói lửa đến những người trẻ hôm nay đã cất bước, lòng rưng rưng tự hào, nao nức hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Đêm 29, rạng sáng ngày 30/4, hàng vạn người đã đổ về các con đường tại trung tâm thành phố, gần Dinh Thống Nhất và sẵn sàng “thức trọn đêm nay” để chờ đợi khoảnh khắc những cánh quân diễu binh, diễu hành đi qua.
Dinh Độc Lập là nơi âm vang nhiều nhất trong lòng người dân thành phố nói riêng và người dân cả nước nói chung. Từ khắp các tỉnh miền Bắc, đoàn cựu chiến binh mở đường N279 (Sư đoàn 391, Binh đoàn 12) trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh từ 3 ngày trước để xem diễu binh và thăm những địa danh lịch sử của Sài Gòn 50 năm trước. Đêm nay họ sẽ không ngủ tại thành phố mang tên Bác, để hòa vào dòng người đang nô nức đón chờ ngày hội lớn của đất nước.
Ngồi bệt trên vỉa hè góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, một trong các trục đường chính mà đoàn diễu binh đi ngang qua, cựu chiến binh Phạm Minh Chiêu (78 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vừa lấy tay quệt mồ hôi, vừa nở nụ cười thật tươi. Ông Chiêu đi chiến đấu từ năm 1968, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông công tác ở Phòng Cơ yếu Miền (Trung ương Cục miền Nam). Ngày 30/4, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đặc biệt tại Dinh Độc Lập.
Trong ký ức của ông Chiêu, Dinh Độc Lập ngày giải phóng 50 năm trước khi bộ đội vào tiếp quản, mọi thứ trong Dinh gần như nguyên vẹn. Sau nửa thế kỷ hòa bình, Dinh Độc Lập vẫn giữ nguyên giá trị về cảnh quan, kiến trúc cũng như ý nghĩa to lớn về lịch sử, như một chứng nhân cho cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc ta mãi mãi trường tồn.

Trở lại Sài Gòn sau 50 năm hòa bình, người lính của Trung đoàn 88, thuộc Binh đoàn cánh Tây Nam Lã Viết Thao đã không khỏi xúc động bồi hồi. Ông cùng đồng đội đã đi thăm lại những cung đường phía Tây Nam đi qua vùng Chợ Gạo (Tiền Giang), sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, qua địa danh Tân Trụ, Cần Giuộc (Long An), nơi Trung đoàn 88 đã hành quân suốt nhiều ngày đêm của những ngày tháng 4/1975, chiến đấu và giải phóng từng tấc đất.
Ngày 30/4, cùng với 5 cánh quân, Trung đoàn 88 đã tiến vào trung tâm Sài Gòn tiếp quản 3 kho xăng Nhà Bè, cảng Tân Thuận, cư xá Ngân hàng và Kho 18 (thuộc huyện Nhà Bè và quận 7 ngày nay)…
“Hôm nay được tề tựu nơi đây, anh em chúng tôi như sống lại một thời tuổi trẻ hào hùng. Thành phố Hồ Chí Minh tràn ngập sắc đỏ cờ hoa, không khác gì thời khắc giải phóng của 50 năm trước, khi triệu người tràn ra đường vẫy tay mừng đoàn quân chiến thắng, mừng ngày non sông nối liền một dải”, Trung tá Lã Viết Thao tâm sự.
Với những người lính đi qua cuộc chiến tranh, Ngày giải phóng cách đây 50 năm mãi là ký ức hùng tráng và niềm tự hào không gì so sánh được.
Những ngày này, hình ảnh đẹp nhất chính là tình cảm gắn bó giữa những người lính và nhân dân thành phố. Dưới cái nắng gắt, họ chờ đợi các chàng trai đen nhẻm của binh chủng pháo binh bắn những loạt đại bác ở bến Bạch Đằng. Sau đó họ hòa vào với người dân chụp những tấm hình lưu niệm cùng các em nhỏ, các bạn thanh niên và chụp hình với những cựu binh hiền lành dạo bước trên quê hương. Tình quân dân gắn bó, đậm đà pha chút ngỡ ngàng trong ngày yên bình bên chiếc áo chiến binh.
“Trong những khoảnh khắc khi các khối diễu binh, diễu hành bước qua, mình rất xúc động. Đó là kỷ niệm mình sẽ không thể nào quên được trong đời. Mình có ông và bố đều từng đi bộ đội nên rất trân quý hòa bình đẹp đẽ hôm nay. Cảm xúc như vỡ òa khi được đứng trên cung đường dẫn vào Dinh Độc Lập trong ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30/4/1975 của thế hệ cha ông”, chị Thanh Hà (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc tự hào, anh Quang Phương đã đi tàu từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh để xem diễu binh. Đây là đêm thứ 2, anh Phương thức trắng để ra đường mừng niềm vui ngày đại lễ: “Khi đặt chân đến thành phố mang tên Bác, mình thấy thành phố rất đẹp, đâu đâu cũng rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Con người rất gần gũi và thân thiện. Mình cảm nhận được tinh thần yêu nước rất cao từ họ. Trong mình cũng có một niềm tự hào trào dâng không sao diễn tả được thành lời. Dù đã đi xem 5 lần trong các đêm hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt nhưng đêm nay mình vẫn muốn có mặt ở sự kiện lan tỏa tình yêu nước, sự tự hào dân tộc này thêm lần cuối vào sáng 30/4”.
“Tôi đã đi xem chương trình Sơ duyệt diễu binh cấp nhà nước vào tối 25/4 và Tổng duyệt ngày 27/4 để rồi biết yêu quê hương đất nước nhiều hơn. Chứng kiến những khối diễu binh, diễu hành đi qua, hòa cùng mọi người hát Quốc ca, Nối vòng tay lớn… giống như là hành trình trở về với cội nguồn, hun đúc lòng biết ơn và khát vọng xây dựng đất nước”, lời chia sẻ của bạn Ngọc Hân (sinh viên tại TP Hồ Chí Minh).

Phạm Thị Hồng Trang có mặt tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ 20h tối để tìm chỗ đẹp, đây là lần thứ 2 Trang cùng chồng đi xem diễu binh. Kế hoạch này cũng được chuẩn bị từ tuần trước với đầy đủ mọi thứ được mang theo như nước uống, bánh, quạt, ghế, áo mưa, sạc dự phòng… và đặc biệt không thể thiếu những lá cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.
Nhận xét về bầu không khí hôm nay, Trang cho biết: “Hôm nay nhiều người mặc áo đỏ sao vàng hơn, không khí rất là vui, nhộn nhịp. Riêng em cũng có một hồi hộp… Đây sẽ là kỷ niệm tuyệt vời của vợ chồng em khi được sống và chứng kiến khoảnh khắc tự hào của đất nước 50 năm chỉ có một lần”.

Với nhiều người trẻ, việc được chứng kiến sự kiện diễu binh, diễu hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất là một trong những cách để thể hiện lòng yêu nước cũng như lan tỏa thông điệp “Hòa bình đẹp lắm!”.