Nhịp sống bình yên ở vùng Phổ Lỗ Sỹ

adminTháng 5 1, 2025
3 lượt xem

Di tích lịch sử Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ, tại thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Phổ Lỗ Sỹ là tên một bia di tích lịch sử, chính xác hơn, đó là tên của chi bộ Đảng được thành lập từ cách nay hơn 80 năm, tọa lạc ở vùng ven TP Đà Nẵng (hiện thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, vùng đất nơi có bia di tích Phổ Lỗ Sỹ không ngừng thay da đổi thịt, đời sống nhân dân khấm khá, đặc biệt là tình hình ANTT luôn được đảm bảo.

Địa chỉ đỏ…

Tháng Tư, từ trung tâm TP Đà Nẵng, chúng tôi vượt chặng đường khoảng 26km là đến thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) – nơi tọa lạc của Di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ. Nhìn trên bản đồ, vùng đất Hòa Khương nằm chếch về phía tây của Hòa Vang; giáp với 2 huyện Đại Lộc, Đông Giang và thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam.

Theo lịch sử địa phương, Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ được thành lập tháng 5/1939, có tiền thân từ “Nhóm thanh niên Ngã tư”. Dựa theo Điều lệ Đảng, các thành viên đầu tiên của tổ chức này từng tự may cờ đỏ, búa liềm để làm nghi thức trong sinh hoạt.

Tuy mới thành lập với số đảng viên ít, lại chưa có Huyện ủy và sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy không được thường xuyên, nhưng từ những ngày đầu, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại việc làm đường ở Khe Răm (Hòa Bắc); lãnh đạo anh em đi phu ở Bà Nà đòi tăng lương, giảm giờ làm; đấu tranh chống việc tăng thuế của một số lý trưởng tại tổng An Phước; phát đơn kiện bọn kỳ hào xã Nhượng tham nhũng đến mất chức…

Cho đến trước khi Cách mạng tháng Tám thành công, chi bộ trải qua nhiều thăng trầm, bị địch truy lùng, khủng bố; hầu hết các đồng chí lãnh đạo cốt cán đều bị địch bắt, tuyên án tù khổ sai, quản thúc 20-25 năm ở các nhà lao Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc. Thế nhưng sau khi ra tù, các đảng viên tiếp tục móc nối, hoạt động trở lại…

Tìm hiểu thêm tên gọi của chi bộ, chúng tôi được cán bộ thuộc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Phổ Lỗ Sỹ là phiên âm tiếng Hán của chữ Prusse – tên một nước ở châu Âu thời Trung-cận đại. Nước này có một bộ luật rất nghiêm và họ trở thành một nước hùng mạnh nhất thời bấy giờ cũng là vì vậy.

“Đặt tên chi bộ là Phổ Lỗ Sỹ nhằm thể hiện mong muốn học tập tinh thần cách mạng ở các nước có phong trào đấu tranh lớn mạnh”, cán bộ này giải thích. Lúc mới thành lập, chi bộ có 3 đảng viên. Cụ thể, Bí thư Nguyễn Hữu Tú, mang bí danh Phổ; đồng chí Nguyễn Lương Thúy bí danh Lỗ và đồng chí Nguyễn Như Gia, bí danh Sỹ. Do phải hoạt động bí mật, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị gặp nhiều khó khăn, gian khổ nên về sau đó, chi bộ chọn những đảng viên thật kiên trung, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng.

“Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ là một thực tế sinh động cho thấy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, tinh thần kiên định của các đảng viên luôn là nhân tố cốt lõi, quan trọng nhất không phải chỉ trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước mà còn trong công cuộc dựng xây, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”, vị cán bộ bảo tàng bộc bạch.

Nhà ở đối diện di tích, ông Phạm Văn Công (80 tuổi, nguyên Trưởng thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương) cho biết, hầu hết các thế hệ người dân ở đây đều biết lịch sử của Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ; đặc biệt ghi nhớ công lao của các đảng viên trong chi bộ về những việc làm như: Truyền bá quốc ngữ, tổ chức hát bội để lấy tiền xây dựng trường học. Đông đảo du khách đến đây sau khi nghe qua lịch sử đều rất cảm phục ý chí của các đồng chí dù bị giặc tra tấn, tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

“Từ khi xây dựng (2006) đến nay, Bia di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ trở thành địa chỉ đỏ, được nhiều tổ chức, đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ thường xuyên đến thăm quan, giáo dục truyền thống cách mạng. Di tích này là niềm tự hào, minh chứng rõ nét cho truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân địa phương”, ông Công bộc bạch.

Dựa vào dân để phòng ngừa tội phạm

Phát huy truyền thống của vùng đất anh hùng cách mạng, liên rục nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hòa Khương rất quan tâm xây dựng, củng cố phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Lực lượng Công an xã luôn ý thức và làm tốt vai trò nòng cốt, vận động quần chúng tích cực tham gia giữ gìn ANTT… từ đó phong trào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, đúng như tên gọi của nó.

pho^%3f lo^~ sy~ 002.jpg -1
Công an xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đến tận nhà làm căn cước cho người cao tuổi.

Trung tá Vũ Nguyên Thành, Trưởng Công an xã Hòa Khương cho biết, Công an xã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng thành công nhiều mô hình tự quản, người dân vừa là người tổ chức, vừa là lực lượng trực tiếp tiên phong, xung kích trong phát hiện, góp phần đấu tranh, gìn giữ ANTT tại cơ sở. Đó là các mô hình: “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu 4 không”, “Tiếng còi bảo vệ ANTT”,…

“Nhờ phát huy tốt vai trò quần chúng trong các mô hình tự quản về ANTT, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của Hòa Khương đã có những bước chuyển biến rõ nét; đặc biệt là tình hình ANTT với vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam được đảm bảo”, lãnh đạo Công an xã phấn khởi chia sẻ và thông tin thêm, khi ý thức, tinh thần cảnh giác phòng ngừa tội phạm được nâng lên, tội phạm không còn đất sống, những mâu thuẩn, cái xấu trong đời sống xã hội cũng bị đẩy lùi hoặc xử lý ngay từ mới phát sinh. Thế trận an ninh nhân dân càng được củng cố vững chắc.

Chẳng hạn như thời điểm trước Tết 2025, hầu như tuần nào trong sổ trực ban của Công an xã cũng ghi nhận phản ánh, trình báo của người dân bị các cuộc điện thoại lừa đảo, hù dọa, chiếm đoạt tài sản… trên không gian mạng. Quyết không để các đối tượng lừa đảo có cơ hội hoạt động, Công an Hòa Khương lập tức phối hợp với Tổ trưởng, Trưởng thôn, cùng các đội, nhóm Zalo ANTT thôn, liên tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền sâu về phương thức, thủ đoạn của tội phạm,… Nhờ nỗ lực đó, tình hình chuyển biến rõ rệt.

Những ngày qua, cùng với lực lượng Công an cơ sở cả nước, Công an Hòa Khương chủ động thực hiện “tăng ca vì dân”, tập trung cập nhập mã định danh mức 2, đổi giấy phép lái xe cho người dân. “Có ngày, chúng tôi phục vụ gần 100 người dân từ các địa phương lân cận tìm đến. Do quân số còn thiếu nên chúng tôi phải tăng ca làm cả thứ Bảy, Chủ Nhật để phục vụ tốt nhất nhu cầu của bà con”, Trưởng Công an xã bộc bạch thêm.

80 năm qua, Đảng bộ huyện Hòa Vang luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, lãnh đạo quân và dân vượt qua muôn vàn gian nan thử thách. Toàn huyện có 7.690 liệt sĩ, 1.360 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2.720 thương binh và 3.389 người có công cách mạng. Đảng bộ và nhân dân huyện được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới…

Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Hòa Vang đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng tạo ra nhiều cách đánh táo bạo, bất ngờ, lập nhiều chiến công hiển hách… thì trong công cuộc dựng xây quê hương – đất nước hôm nay, Hòa Vang tiếp tục khẳng định giá trị của vùng đất giàu truyền thống Cách mạng, ngày đêm tạo nên nhiều kỳ tích mới, đầy tự hào…

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *