Quản lý yếu kém, kiểm soát hời hợt là kẽ hở khiến tội phạm lợi dụng (bài cuối)

adminTháng 5 5, 2025
4 lượt xem

Cơ quan Công an thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng giả do các đối tượng làm giả bán trong suốt thời gian dài, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Liên tiếp những đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị Bộ Công an triệt phá nhưng dường như đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau những hộp sữa, viên thuốc, thực phẩm chức năng dán mác ngoại được làm giả đã phơi bày cả một hệ thống lỏng lẻo trong kiểm soát, quản lý, một thị trường dễ dãi với sản phẩm giả “đầu độc” sức khỏe người dân.

Kẽ hở nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi bỏng rát ấy của dư luận cần phải được trả lời rõ ràng, những người có liên quan phải chịu trách nhiệm nếu không muốn tội ác tiếp tục âm thầm tái diễn.

Lỗ hổng nào khiến tội phạm lợi dụng?        

Điều khiến dư luận rùng mình phẫn nộ không chỉ là sự tinh vi, hậu quả khủng khiếp các đối tượng sản xuất hàng giả gây ra, mà còn là những lỗ hổng trong quản lý, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường hay chính quyền các cấp. Trách nhiệm của những bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan rõ ràng là không thể phủ nhận, sự lỏng lẻo trong các khâu kiểm tra, giám sát, quản lý đã tạo điều kiện cho hàng giả y tế tràn ngập thị trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Với những đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả ngày càng tinh vi, sự dễ dàng len lỏi của các sản phẩm nguy hiểm này vào hệ thống phân phối chính thống và các sàn thương mại điện tử khiến người tiêu dùng gần như không thể nhận diện được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Điều này không chỉ đơn giản là vấn đề của các cơ quan quản lý, mà còn là hệ quả của một chuỗi quy trình giám sát lỏng lẻo và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Các đối tượng tội phạm đã lợi dụng tem, chứng nhận kiểm nghiệm giả, giả nhãn mác, sản xuất trong suốt một thời gian dài để qua mặt người tiêu dùng. Những sản phẩm giả mạo được đóng gói đẹp mắt, có bao bì nhãn mác giống hệt hàng thật ẩn chứa nguy cơ ngộ độc, suy gan, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí là tử vong. Những dấu hiệu này rất khó nhận ra bằng mắt thường, đặc biệt đối với những người không có đủ kiến thức chuyên môn về các sản phẩm y tế.

Đáng nói, trong khi đó, Điều 45 Luật ATTP lại “chặn” sự giám sát, phát hiện của người dân khi đây là kênh rất quan trọng để phát hiện thực phẩm giả, bằng quy định “việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về ATTP”. Chính quy định này đã “trói tay” người tiêu dùng trong việc kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm, vì chỉ khi người dân có tranh chấp, khiếu nại về ATTP thì mới được yêu cầu cơ quan chức năng kiểm nghiệm.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, những sản phẩm giả này dễ dàng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng, mà không bị kiểm tra nghiêm ngặt. Các gian hàng trực tuyến với những quảng cáo rầm rộ có sự tham gia của những người nổi tiếng, diễn viên MC… hay các chương trình giảm giá sốc, cam kết “chất lượng chuẩn quốc tế” đã thu hút hàng nghìn lượt mua hàng.

Qua điều tra, ngay cả khi những đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả này bị Bộ Công an phanh phui thì trên nhiều trang web của các công ty, nhà thuốc vẫn bày bán các sản phẩm giả này. Không ít người tiêu dùng tin rằng những sản phẩm này là thật, do họ không thể phát hiện sự khác biệt về bao bì hay nhãn mác, nhất là khi các tem chống giả và giấy chứng nhận kiểm định đều trông rất thuyết phục được quảng cáo bằng những người nổi tiếng, uy tín.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hoàn hảo ấy là những sản phẩm làm giả từ hóa chất, phẩm màu kém chất lượng. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng rơi vào vòng xoáy nguy hiểm mà còn phơi bày một hệ thống kiểm soát vô cùng yếu kém, hay thậm chí có hay không việc buông lỏng kiểm tra và ngăn chặn những hành vi này? Tội phạm đã thành thạo sử dụng các công cụ công nghệ, thay đổi nhãn mác nhanh chóng và thậm chí móc ngoặc để giả mạo các chứng nhận kiểm nghiệm của các cơ quan y tế có uy tín, qua đó đánh lừa người tiêu dùng và cơ quan chức năng.

Những lỗ hổng này đã khiến cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm y tế, trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các cơ quan chức năng chưa có những biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ đối với các sản phẩm lưu hành trên thị trường, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử. Tình trạng phân phối hàng giả từ các kênh này không chỉ khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại mà còn tạo cơ hội cho các tổ chức tội phạm phát triển, làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm quốc gia.

Qua điều tra, không phải ngẫu nhiên mà hàng giả y tế tràn lan, gặm nhấm sức khỏe cộng đồng. Những cuộc điều tra từ các chuyên án do Bộ Công an tiến hành đã hé lộ một câu chuyện đen tối hơn rất nhiều. Đó là một hệ thống quản lý yếu kém, một quy trình kiểm soát hời hợt, tạo ra những kẽ hở chết người mà qua đó, hàng giả lọt vào tay người tiêu dùng vô tội.

Đằng sau mỗi sản phẩm giả là một cuộc chơi rất tinh vi, được dàn dựng bởi những tay buôn lậu, tội phạm “sành sỏi”. Hồ sơ giấy tờ giả được “làm đẹp” một cách hoàn hảo, không khác gì những giấy tờ hợp pháp thật sự. Các giấy kiểm định chất lượng, tem mác… đều là những bản sao hoàn hảo, chỉ có điều chúng không phải là sản phẩm chính hãng.

Đi sâu tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy một hệ thống phân cấp quản lý tưởng chừng như chặt chẽ nhưng lại khá lỏng giữa nhiều cơ quan, như Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các Sở Y tế địa phương. Mỗi cơ quan có chức năng riêng, nhưng thiếu một sự phối hợp chặt chẽ, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến các đối tượng lừa đảo dễ dàng lợi dụng những “lỗ hổng” mà các cơ quan quản lý không thể khoanh vùng được để hoạt động. Các thủ tục kiểm tra, cấp phép không phải lúc nào cũng được thực hiện đồng bộ và đặc biệt là rất ít có sự kiểm tra chéo giữa các cấp, giữa các cơ quan trước đó đối với những đường dây tội phạm này.

Rõ trách nhiệm, siết chặt kiểm soát và quản lý

Thế nhưng, có hay không sự tiếp tay?, hay cơ quan nào, ai là người phải chịu trách nhiệm khi những kẽ hở này bị các đối tượng khai thác? Dư luận đặt câu hỏi đến Bộ Y tế, với nhiệm vụ cấp phép, kiểm tra thuốc, sữa, dược phẩm và thực phẩm chức năng, đã làm hết sức mình chưa, đã thật sự hiệu quả chưa? Bộ Công Thương đã thực sự nghiêm túc và hiệu quả trong việc giám sát các sàn giao dịch thương mại điện tử? quản lý hệ thống các công ty hoạt động thương mại với các sản phẩm liên quan bán ra thị trường? Hay những bộ, ngành, cơ quan chức năng này chỉ đang “lướt qua” trách nhiệm khi mà tình trạng buôn bán hàng giả vẫn còn quá phổ biến? Câu trả lời có lẽ không hề dễ dàng nhưng dư luận đang đòi hỏi các cơ quan, bộ, ngành liên quan như trên phải nghiêm túc nhìn nhận rõ trách nhiệm, trả lời thẳng thắn.

Lãnh đạo Phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá: Các cơ quan chức năng không thể đổ lỗi cho sự tinh vi trong hoạt động của các đối tượng làm giả. “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, trước tiên từng cơ quan chức năng, từng lãnh đạo ở các đơn vị, cơ quan có liên quan phải nhìn lại trách nhiệm của mình. Các đối tượng có thể làm giả sản phẩm một cách tinh vi, nhưng chẳng ai có thể tránh khỏi bị phát hiện khi hệ thống quản lý chặt chẽ và có tính kết nối cao mà nguyên liệu hoạt động cho bộ máy ấy vận hành bằng chính trách nhiệm và cả lòng tự trọng, danh dự của từng cán bộ, lãnh đạo quản lý. Rõ ràng, những vụ việc này không phải ngẫu nhiên, mà là hậu quả của một hệ thống giám sát thiếu chặt chẽ, một quy trình quản lý không hiệu quả.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu không có những chế tài mạnh hơn, nếu không có những cơ chế giám sát xuyên suốt từ đầu đến cuối của chuỗi nghiên cứu, sản xuất, cung ứng, kiểm soát… tình trạng hàng giả vẫn sẽ tiếp tục hoành hành. Việc phát hiện và ngăn chặn hàng giả cần một quy trình rõ ràng, minh bạch và khép kín từ nhà sản xuất cho đến tay người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cơ quan liên quan và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Một cơ chế giám sát chặt chẽ, thường xuyên và mạnh mẽ hơn là điều kiện tiên quyết để loại bỏ hàng giả khỏi thị trường.

Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những nỗ lực nhất định trong việc ngăn chặn hàng giả y tế. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi, bởi tảng băng chìm về sai phạm vẫn rất lớn, được minh chứng qua các vụ án vừa bị Bộ Công an phát hiện, xử lý. Và nếu những lỗ hổng này không được bịt kín thì người tiêu dùng sẽ tiếp tục là nạn nhân của những trò lừa đảo tinh vi, và thị trường y tế sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Mới đây, trong phiên họp về Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Người dân bỏ tiền ra mua sản phẩm phải mua được sản phẩm với chất lượng tương xứng.

Thượng tá Hồ Văn Hùng, Trưởng Phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá: Để ngăn chặn nạn hàng giả y tế, cần phải có một hệ thống quản lý mạnh mẽ, một cơ chế kiểm tra chặt chẽ kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số cũng như các biện pháp truyền thống và một chế tài nghiêm khắc đủ để răn đe xử lý. Hệ thống này cần phải kết nối liên ngành chặt chẽ với sự tham gia chủ động của từng bộ, ngành, cơ quan từ cấp Trung ương đến địa phương. Khi đó, chúng ta mới có thể bảo vệ được sức khỏe của người dân và đảm bảo rằng những sản phẩm y tế chất lượng thật sự đến được tay người tiêu dùng.

Câu chuyện về hàng giả trong lĩnh vực y tế không phải là một vấn đề của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của cả xã hội, đặc biệt là của các bộ, cơ quan chức năng, chuyên ngành được giao quản lý, giám sát về lĩnh vực này. Cùng với việc trông chờ vào ý thức công vụ của các cá nhân, lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và người dân là điều kiện tiên quyết để loại bỏ vấn nạn này. Chỉ khi đó, hàng giả mới không còn cơ hội gây họa và người dân mới có thể an tâm với sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên thị trường.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *