II – Nhớ lời Bác dạy “khoan hồng đại độ”

adminTháng 5 6, 2025
4 lượt xem

Người Việt ở Little Saigon, Nam California, Mỹ trong dịp Tết Nguyên đán.

Bác khuyên bảo: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc.”

Thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta

Hòa hợp dân tộc ở Việt Nam là một khái niệm để chỉ sự hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ người Việt phát sinh từ năm 1945 đến ngày nay, trong đó vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc được nhắc đến nhiều sau Hiệp định Paris và sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc nhiều người Việt Nam di cư sang Mỹ sau 30/4/1975 nằm trong bối cảnh lịch sử chịu nhiều tác động chi phối lúc bấy giờ nên không thể lấy việc di cư như vậy để phán xét, quy chụp qua lăng kính tiêu cực.  Trong lịch sử của nhiều quốc gia trên thế giới, việc một bộ phận người dân di tản sang nước khác sau khi kết thúc chiến tranh cũng là chuyện bình thường, bởi bối cảnh hậu chiến đặt ra những vấn đề có tính quy luật khiến sự di tản khó tránh khỏi.

Từ năm 1946, Bác Hồ đã chỉ ra những vấn đề khi chúng ta vừa giành chính quyền từ cuộc khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám, đó là khi chống Pháp, cũng có những người Việt đứng ở bên phía Pháp chống lại cách mạng. Bác khuyên bảo: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”.  Trong thư chúc Tết kiều bào đầu năm 1946 – năm đầu tiên khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tấm lòng yêu mến cố hương, luôn hướng về Tổ quốc của kiều bào và khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế”.

Khi nhìn lại thực tế lịch sử, một số thông tin hải ngoại đã bóp méo sự thực, quy chụp rằng do chúng ta đối xử “thậm tệ” với bên thua cuộc và không hề quan tâm việc hòa giải, hòa hợp dân tộc. Số này cũng ngụy biện khi áp đặt tâm lý “ăn thua” của người Việt, rằng tuy “cùng một mẹ” nhưng người Việt Nam mang nặng tư tưởng hận thù, không thể dung hòa và vu cáo Đảng, Nhà nước ta “bỏ rơi” kiều bào ở Mỹ cũng như ở nước ngoài nói chung. Đây là những quan điểm “mượn gió bẻ măng”, lộ rõ ý đồ chống phá đất nước, mượn cớ hiện tượng người Việt Nam di cư sang Mỹ nói riêng, ra nước ngoài định cư nói chung để phê phán, đả phá chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, tìm cách tung tin hỏa mù, vu cáo để ly gián, gây chia rẽ trong các tầng lớp nhân dân cũng như giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa người dân trong nước với kiều bào…

Thực chất, hòa hiếu, hòa hợp dân tộc chính là truyền thống nhân nghĩa, nhân văn có từ lâu đời của dân tộc ta. Sử cũ chép rằng, sau khi đánh thắng 3 đợt xâm lược của giặc Nguyên – Mông, nhà Trần họp các quan lại xem việc định công, xét tội. Số là khi quân Nguyên đang cường thịnh, triều thần lắm kẻ hai lòng, theo giặc. Sau khi giặc thua chạy về phương Bắc, triều đình bắt được biểu hàng của các quan. Đình thần muốn lục ra để trị tội nhưng Thượng hoàng Nhân Tông nghĩ rằng, làm vậy là hạ sách bèn sai đốt tráp đi cho yên lòng mọi người, duy chỉ kẻ nào theo giặc, thực sự nguy hại thì mới xử lý. Quân dân cũng theo cách đó mà xử sự. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời kỳ nào cũng chứng kiến những kẻ hai lòng theo giặc, phản triều đình nhưng cách xử sự cũng căn cứ tính chất, mức độ, dựa trên nền tảng nhân nghĩa “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi khi hoà bình lập lại, đó là xây dựng một đất nước thái bình, bên trên vua thánh tôi hiền, bên dưới không còn tiếng giận oán sầu: “thánh tâm dục dữ dân hưu túc, văn trị chung tu trí thái bình” (lòng vua chỉ muốn dân yên ổn, xếp võ theo văn, nước trị bình).

Trên tinh thần đó, vấn đề hòa hợp dân tộc đã được Đảng ta đặt ra từ rất sớm. Hiệp định Paris nhấn mạnh vấn đề hòa giải và hòa hợp. Hiệp định 23 điều thì có 5 điều đề cập tới hòa giải, hòa hợp dân tộc. Điều 11, Hiệp định ghi: “Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia”. Chúng ta đã thực hiện Hiệp định, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc, làm việc tích cực với các bên liên quan và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nêu ở phần trước, do điều kiện sau giải phóng chúng ta phải kiến thiết từ đống đổ nát, tâm lý có lúc còn nóng vội cùng rất nhiều thách thức, thù trong, giặc ngoài sau chiến tranh nên vấn đề này chưa có điều kiện thực hiện tốt, ít nhiều còn tư tưởng định kiến với những người làm việc cho chế độ cũ và thân nhân của họ.

Luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 26/3/2004 xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ trong Nghị quyết này là: “Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”. Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính toàn diện, cơ bản và lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác kiều bào và là kim chỉ nam cho hành động của cả hệ thống chính trị. Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết, công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tạo những bước chuyển rất quan trọng. Trong 20 năm qua, sự trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân NVNONN ngày càng nổi bật hơn. Dòng kiều hối đổ về Việt Nam đã có sự dịch chuyển từ tiêu dùng, hỗ trợ gia đình sang đầu tư, kinh doanh trong nước. Tổng lượng kiều hối từ 1993 – 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Về dự án đầu tư trực tiếp (FDI), đến hết 2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD.

Phát biểu tại chương trình Xuân Quê hương 2025, Chủ tịch nước Lương Cường chia sẻ, dân tộc ta đã đi qua những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất. Khát khao và yêu chuộng hòa bình mãi nằm trong tim, trong máu của người Việt Nam. Vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, toàn dân tộc theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhất tề vùng lên chiến đấu, đánh tan nhiều kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần, lập nên những chiến công vang dội. Từ một đất nước thuộc địa nửa phong kiến, không có tên trên bản đồ thế giới, qua 80 năm ra đời và 50 năm thống nhất, vượt qua bao nỗi đau, tàn phá của chiến tranh và sự nghèo đói luôn hiện hữu khi xưa, Việt Nam nay đã vươn lên trở thành một quốc gia độc lập, tự do, là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại. Trong thành tựu to lớn của dân tộc ta, luôn có sự chung tay, góp sức rất quan trọng của đồng bào ta ở nước ngoài. Chúng ta ghi nhớ hôm qua để trân trọng hôm nay, nuôi khát vọng ngày mai, khép lại những gì đã qua, cùng nhau giữ gìn, vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân, hướng về tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng 30/4 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, đề cập vấn đề hòa hợp dân tộc trong xu thế mới. Bài viết tạo dấu ấn mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng, được dư luận trong và ngoài nước đón nhận, hưởng ứng. Tổng Bí thư cho rằng, sau 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta đã có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin, sự tự hào và đủ bao dung để vượt qua đau thương cùng nhau nhìn về phía trước – để cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng. Trên hành trình phát triển ấy, chính sách hòa hợp dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược lâu dài, là trụ cột trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta hiểu rõ những nguyên nhân lịch sử dẫn đến chiến tranh – từ sự can thiệp, chia rẽ bên ngoài cho đến những âm mưu phá hoại tinh thần đoàn kết, gieo rắc thù hận vì mưu đồ chính trị. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng: mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một tình yêu dành cho quê hương, đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, những năm qua, trong các chuyến công tác tới hầu khắp các châu lục, có nhiều dịp gặp gỡ hàng ngàn đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài – từ những trí thức trẻ lập nghiệp tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á, Châu Đại Dương đến những doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng, người lao động bình dị ở các “miền đất mới”, kể cả nhiều người thuộc “phía bên kia” trước đây. Mỗi cuộc gặp đều để lại ấn tượng sâu sắc, dù có thể khác biệt về quan điểm chính trị, trải nghiệm lịch sử hay điều kiện sống, họ đều mang trong lòng niềm tự hào dân tộc, đều là “con dân đất Việt” và nỗi nhớ da diết với hai tiếng Quê hương. “Tôi từng chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Hoa Kỳ – những người từng đứng ở hai bên chiến tuyến, từng cầm súng đối đầu, nay có thể bắt tay, trò chuyện, chia sẻ với nhau bằng sự thấu hiểu chân thành và không còn mặc cảm. Ngày hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ – từ cựu thù – đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, cùng hợp tác vì hòa bình, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì an ninh và ổn định khu vực. Vậy thì không có lý do gì để những người Việt Nam – cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh – lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt. Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *