Ứng dụng bản đồ số trong tuyển sinh được kỳ vọng sẽ tiết kiệm thời gian đi lại, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đang triển khai hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – bản đồ số GIS) để áp dụng trong công tác tuyển sinh từ năm học 2026-2027.
Với việc sử dụng bản đồ số GIS, việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội sẽ không theo đơn vị phường như hiện nay mà căn cứ vào vị trí cư trú cụ thể của học sinh để tính toán khoảng cách từ nhà học sinh tới trường theo nguyên tắc ưu tiên gần nhà nhất, tạo thuận lợi cho học sinh trong việc đi lại; minh bạch trong tuyển sinh, góp phần hạn chế tình trạng “chạy” trường.
Ưu tiên học sinh được đi học trường gần nhà nhất
Nhiều năm qua, việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp ở Hà Nội được thực hiện theo hình thức phân tuyến theo nơi ở hay còn gọi là theo hộ khẩu. Học sinh cư trú ở phường, xã nào sẽ được học ở trường thuộc khu vực đó. Tuy nhiên, một trong những bất cập của hình thức này là không ít gia đình ở khu vực giáp ranh, dù nhà ở rất gần trường nhưng con không được học gần nhà do thuộc diện trái tuyến. Do vậy, thông tin Hà Nội dự kiến sẽ ứng dụng bản đồ số GIS trong tuyển sinh đầu cấp từ năm học 2026-2027 theo nguyên tắc ưu tiên học sinh được học gần nhà đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhiều phụ huynh học sinh.
Chị Nguyễn Lê Hằng, phụ huynh học sinh trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, cách tuyển sinh theo tuyến hiện nay đã lạc hậu, cần phải thay đổi bởi vẫn có tình trạng tréo ngoe, nhà gần trường nhưng khác phường thì vẫn phải đi học trường xa nhà. Với việc tuyển sinh theo bản đồ số GIS, hộ khẩu sẽ không còn giá trị, học sinh sẽ được ưu tiên học gần nhà nhất, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh trong việc đi lại, đưa đón, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay. Anh Phạm Trung Tuyến, phụ huynh học sinh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, nguyên tắc học sinh được ưu tiên học gần nhà không chỉ giảm nhu cầu đưa đón học sinh, bớt tắc đường, bớt lãng phí thời gian của cả người lớn và trẻ con mà quan trọng hơn là tăng sự gắn kết cộng đồng của lũ trẻ khi nhà gần nhau, học cùng nhau, các con có thể chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm, tạo lập sự gắn bó gần gũi với nhau hơn.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng bản đồ số GIS trong tuyển sinh đầu cấp không còn là câu chuyện mới khi vào năm học 2023-2024, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm áp dụng hệ thống thông tin địa lý – bản đồ GIS trong quá trình phân tuyến tại một số quận trung tâm và hiện nay đang tiếp tục được triển khai trên khắp địa bàn thành phố. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, trước đây nguyên tắc phân tuyến là học sinh cư trú ở phường nào sẽ học tại trường đóng trên địa bàn phường đó. Nhưng với việc tuyển sinh áp dụng bản đồ GIS thì có thể phân tuyến theo hình thức địa bàn phường hoặc liên phường với mục tiêu làm sao cho học sinh có thể được đi học trường gần nhà nhất có thể. Tuy vậy, khi áp dụng bản đồ GIS cần có sự linh động, linh hoạt trong những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, một gia đình có 2 con, con thứ nhất đang học trường A, nay con thứ 2 khi áp dụng bản đồ GIS có thể phân tuyến sang học trường B. Như vậy, sẽ bất tiện trong việc đưa đón nên trong những tình huống này, phụ huynh có thể báo với phường nơi mình cư trú để hỗ trợ tạo điều kiện trong việc khai báo và tuyển sinh.
Giải pháp hướng tới sự minh bạch trong tuyển sinh
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc tuyển sinh không phân tuyến, dựa vào bản đồ GIS là xác định cự ly từ chỗ cư trú thực tế của học sinh đến trường. Căn cứ trên số liệu học sinh, chỗ ở thực tế để phân bổ vào những trường phù hợp theo tiêu chí học sinh được vào học trường gần nhất. Bản đồ số GIS là giải pháp công nghệ đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và sự điều phối từ GIS có thể xem là bước tiến trong chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục. Với các thành phố lớn đang quá tải cục bộ trường học như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, ứng dụng bản đồ số GIS trong tuyển sinh đầu cấp cũng có thể xem là một giải pháp phù hợp và cần thiết. Đặc biệt, nếu như xây dựng được bản đồ số GIS với thời gian thực, cung cấp đầy đủ thông tin về các nhà trường, sẽ rất tiện lợi cho công tác quản lý, điều phối các trường học gần nơi có mật độ học sinh đông. Bên cạnh đó, bản đồ GIS không thể chỉ dựa trên khoảng cách chỗ ở của học sinh đến trường mà còn cần phải dựa trên thực tế về tuyến đường đi, phương tiện công cộng. Nếu làm được những việc này, thông qua GIS sẽ giúp cho công tác quản lý, tuyển sinh minh bạch; công tác điều phối giáo viên cũng thuận lợi, góp phần giải quyết được bài toán thừa, thiếu giáo viên.
Tuy vậy, PGS.TS Trần Thành Nam cũng lưu ý, để nâng cao hiệu quả của việc đưa bản đồ GIS vào trong thực tiễn tuyển sinh đầu cấp, việc tuyên truyền tới các bậc phụ huynh là rất quan trọng, phải làm sao để phụ huynh nhận thấy trường nào cũng là trường tốt, không còn tâm lý chọn trường, “chạy” trường, không tìm mọi cách đổ dồn về trường mà họ quan niệm là “tốt”. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ hỗ trợ công tác tuyển sinh trực tuyến; xây dựng phương án phân tuyến hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa nguyện vọng của người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương.