IV: Những quan điểm thúc đẩy hòa hợp dân tộc trong bối cảnh mới

adminTháng 5 8, 2025
4 lượt xem

Cần tôn trọng sự thật khách quan, nhìn nhận đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong vấn đề hòa hợp dân tộc.

Chúng tôi, những người sinh ra sau 30/4/1975. Có người đặt vấn đề, nếu trưởng thành trong hoà bình thì sao hiểu được về chiến tranh, về chia cắt, về tình cảnh người bên này, bên kia để nói và viết hoà giải, hoà hợp dân tộc – một vấn đề thiết yếu nhưng tồn tại nhiều phức tạp, không dễ thống nhất nhận thức.

Tuy nhiên, điều quan trọng trong vấn đề này là sự tìm hiểu thấu đáo, với cách nhìn khách quan, đầy đủ, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết, phù hợp với bối cảnh, xu thế mới. Do đó, chúng tôi nhận thấy, để việc hoà hợp dân tộc đạt kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, cần xây dựng dựa trên các cơ sở, quan điểm sau đây:

Thứ nhất, trân trọng giá trị của hoà bình, độc lập, thống nhất non sông. Nếu như nửa thế kỷ trước, còn nhiều quan điểm về bên này, bên kia, về thắng cuộc, thua cuộc thì ngày hôm nay, chúng ta tận hưởng hạnh phúc, tự do của một đất nước độc lập, chủ quyền, hoà bình, thống nhất, đó là giá trị thiêng liêng, cao quý nhất. Giá trị đó đất nước phải trải qua bao thăng trầm, bao hi sinh tổn thất, là quá trình đấu tranh lâu dài, khốc liệt mới có được thì hơn bao giờ hết, đã là người Việt Nam ở trong hay ngoài nước, đã mang dòng máu Lạc Hồng thì cần phải trân trọng, giữ gìn. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng 30/4, tôi tình cờ đọc được chia sẻ của nickname “Đinh Thoa”, một người từng có thời gian sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc. Chị cho biết, cách đây 12 năm khi lần đầu sang Hàn Quốc, các sếp trong công ty chồng có mở tiệc chào đón. Câu đầu tiên khi “sếp Lee” hỏi là “Bạn có biết Bác Hồ không”? Chị trả lời ngay, đã là người Việt Nam thì ai cũng biết Bác Hồ, nhân dân Việt Nam luôn kính yêu, nhớ ơn Bác. Không đợi người phụ nữ nói tiếp, “sếp Lee” trải lòng: “Hàn Quốc luôn khao khát có một lãnh tụ như Bác Hồ nhưng chúng tôi không bao giờ có được. Hai miền đất nước chúng tôi vẫn mãi chia cắt, đâu có được thống nhất, đoàn tụ như các bạn. Trên truyền hình Hàn Quốc thỉnh thoảng vẫn chiếu cảnh người thân trong gia đình giữa Nam Hàn và Bắc Hàn vội vã, đau đớn được gặp nhau ít phút ngắn ngủi rồi chia tay mỗi khi hai bên nối lại đàm phán”. Chị chia sẻ câu chuyện trên bởi hôm nay đọc được bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, chị cảm thấy niềm tự hào dân tộc trào dâng và càng trân quý giá trị của hoà bình, thống nhất non sông.

Chị cũng là người may mắn từng gặp được những người lính đầu tiên nối lại tuyến đường từ Bắc vào Nam sau ngày thống nhất, may mắn là con của một chính trị viên Tiểu đoàn 307 đã từng Nam tiến nên phần nào hiểu được những mất mát, hi sinh của các thế hệ ông cha. “Hoà bình hôm nay không chỉ là lời nhắc nhở chúng ta và các thế hệ mai sau về công lao của lớp lớp ông cha đi trước mà còn là trách nhiệm để chúng ta biết giữ gìn và phát huy, đúng như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm “Chúng ta không thể viết lại lịch sử nhưng chúng ta có thể hoạch định tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng và phát triển””… Thiết nghĩ, đó cũng chính là suy nghĩ của chúng ta, những người hôm nay được sống trong độc lập, hoà bình, thống nhất non sông, hãy biết gìn giữ giá trị thiêng liêng, cao quý.

Thứ hai, lấy đạo lý dân tộc, truyền thống quê hương làm gốc rễ. “Quê hương mỗi người chỉ một”, đó là mẫu số chung, là nguồn cội để mỗi chúng ta dù ở đâu, nơi nào trên địa cầu này cũng gắn kết, cũng mong mỏi trở về. Ca dao có câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, cùng là đồng bào, cùng đất mẹ, hãy đừng vì những lý do nào khác mà phân biệt, chia rẽ, mà “đá nhau”. Tổ quốc là mẹ hiền, người con có thể lúc này lúc khác có hành vi, nhận thức chưa đúng nhưng Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay, đón các con trở lại, vì một dòng máu Lạc Hồng. Quê hương, đất nước bất luận trong hoàn cảnh nào cũng thiêng liêng, cao quý. Người ta bảo “cáo chết quay đầu về núi”, làm sao có thể rời bỏ mẹ cha, ruồng bỏ quê hương. Làm sao có thể phỉ báng quê hương, đất mẹ, nơi chôn rau cắt rốn của mình, nơi dưỡng dục mình lớn lên. Dù ở đâu, bất cứ ai cũng có quyền về quê hương đất mẹ để thăm lại cố hương, nhớ lại tuổi thơ yên bình, gặp lại người thân, thắp nén nhang cho người thân đã khuất, không có gì cản trở những ý nguyện tốt đẹp của bất cứ ai đối với đất nước mình.

IV: Những quan điểm thúc đẩy hòa hợp dân tộc trong bối cảnh mới -0
Việc xây dựng nghĩa trang Bình An là minh chứng thể hiện rõ quan điểm hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

Gần đây, mỗi dịp 30/4, nhiều người lại nhắc tới bức ảnh “hai người lính” do nhà báo Chu Chí Thành – một phóng viên chiến trường chụp năm 1973. Nhà báo Chu Chí Thành cho biết, bức ảnh “hai người lính” được ông ghi lại tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Vào thời điểm đó, ông được cử đi chụp ảnh về cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam. “Hai người lính” trong bức ảnh chính là chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo và người lính Việt Nam Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa. Đến năm 2018, sau rất nhiều kết nối, hai người lính đã tìm gặp lại nhau ngay tại điểm hẹn năm xưa: chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, Quảng Trị. Lần này, họ lại khoác vai để ông Chu Chí Thành chụp ảnh trong cảm xúc khó tả. Ông chia sẻ: “Tấm ảnh ngày xưa chụp ngay nơi chiến trường vừa kịp lặng tiếng súng, tình cảm bột phát, trong sáng, vô tư. Tấm ảnh ngày nay chụp khi hai người đã trải qua cả chiến tranh lẫn hòa bình, tình cảm càng thân thiết, gắn bó. Chuyện phe này, phe kia trong tấm ảnh trước đã nhòa, trong tấm ảnh sau không hề hiện diện. Ý nghĩa của tấm ảnh là hạnh phúc của ba anh em chúng tôi và là của tất cả mọi người”…

Những người lính ra trận dù bên nào cũng luôn mong mỏi ngày hoà bình. Do hoàn cảnh lịch sử mà nhiều khi trong cùng một làng xã, một tập thể, thậm chí một gia đình, anh em lại người bên này, kẻ bên kia. Chiến tranh, họ hai bên chiến tuyến, hướng súng vào nhau. Nhưng hoà bình, họ cùng trở về mái nhà chung. Rõ ràng, lịch sử trải qua bao thăng trầm, lúc chiến tranh, lúc hoà bình song sự hận thù không phải là sự lựa chọn của người Việt.

Thứ ba, cần nhận thức hoà bình, hoà hợp trong xu thế mới của thời đại. Trong xu thế hợp tác toàn cầu, các quốc gia gắn kết với nhau trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, sự hợp tác, gắn kết không phân biệt phạm vi địa lý, thể chế chính trị, những vấn đề xảy ra trong quá khứ. Đặc biệt, Hoa Kỳ từ cựu thù, tới nay đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong Tuyên bố chung giữa hai nước ký ngày 10/9/2023 khẳng định: “Kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất và hiệu quả. Chương mới này trong quan hệ giữa hai nước sẽ đưa quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm cao mới. Cùng nhau, hai nước sẽ hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực quan trọng này cũng như trên toàn thế giới”.

Chúng ta thấy rằng, sau chiến tranh, quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ trải qua những năm tháng khó khăn, khi Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Nhưng  giai đoạn “ảm đạm” đó đã qua, hai nước ngày càng tăng cường hợp tác sâu sắc, toàn diện, như câu Kiều mà cựu Tổng thống Bill Clinton lẩy ngày nào “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài, ngày ngắn đông đà sang xuân”… Những người Việt từng theo bên kia chiến tuyến, đứng về phía Hoa Kỳ, dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ. Nay tất cả đã sang trang mới, vậy lẽ nào những người mang dòng máu Việt lại vẫn ôm hận cũ, thù xưa, vẫn để ấm ức trong lòng hay thể hiện bằng các hành vi sai lệch với thời cuộc.

Thứ tư, cần tôn trọng sự thật khách quan, nhìn nhận đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong vấn đề hòa hợp dân tộc. Một số người vì thù hận, vì không muốn nhìn thấy một Việt Nam phát triển nên luôn nhìn về quê hương với lăng kính màu đen, cái gì cũng trở nên xấu xa, cái gì cũng chê trách, thậm chí miệt thị, nguyền rủa lỗi do thế này, thế khác. Trong khi đó, thực tế phát triển của đất nước và chủ trương tích cực hòa hợp, đoàn kết dân tộc thì họ bỏ qua, không thừa nhận. Phải thấy rằng, vị thế của Việt Nam thể hiện qua đánh giá của các nước chứ đâu phải tự mình huyễn hoặc. Nếu không tin cậy, làm sao ngày nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc, xây dựng các mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới (trong đó có Hoa Kỳ)? Chỉ cần bỏ lăng kính tối màu, hãy nhìn cuộc sống như vốn có, bạn dù ở đâu trên thế giới này cũng nhìn nhận một Việt Nam với lẽ khách quan nhất.

Thứ năm, tôn trọng lịch sử, lấy chân thành thu hẹp khoảng cách, xóa thù hận. Có cuộc chiến tranh nào mà không có đau thương, mất mát, không có chia ly kẻ đi, người ở. Nhưng tất cả khi đã là quá khứ, chúng ta phải biết để nó lại đằng sau, biết lấy đó làm bài học để tránh lặp lại. Việc những người Việt từng phải đối đầu giữa hai bên chiến tuyến, đó là một giai đoạn lịch sử mà dân tộc ta trải qua với bao biến cố để có được độc lập, thống nhất như ngày hôm nay.

Ngày nay, những khác biệt trong quan điểm giữa bộ phận người Việt ở nước ngoài, nhất là tại Mỹ với đất nước cần được giải quyết bằng sự chân tình. Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, chúng ta đến với họ bằng sự thực tâm, chủ động mở rộng tiếp xúc cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ. Tất cả các hoạt động này đã tác động tích cực đến cộng đồng cũng như dư luận trong và ngoài nước, bà con dần hiểu hơn, tin tưởng hơn vào chính sách của Nhà nước ta. Bắc nhịp cầu qua ngăn cách đòi hỏi những nỗ lực to lớn cả từ phía Nhà nước cũng như từ phía cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để thực hiện mục tiêu ấy bởi tinh thần dân tộc, sự bao dung và lòng yêu nước, truyền thống bền vững.

Thứ sáu, đấu tranh với những quan điểm cực đoan, lợi dụng vấn đề hòa giải, hòa hợp để chống phá đất nước. Đó là những quan điểm được bơm vá, bôi vẽ, xuyên tạc làm sai lệch bản chất như cho rằng, đối với người Việt Nam thì không thể có hòa giải, hòa hợp hay đặt ra điều kiện, muốn hòa giải, hòa hợp thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ Chủ nghĩa Mác – Lê nin, phải từ bỏ CNXH… Hòa giải, hòa hợp là nguyện vọng chính đáng, xuất phát từ cội nguồn dân tộc và thực hiện trên cơ sở lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, do đó không thể có chuyện đặt ra yêu cầu, điều kiện để hòa hợp thì phải thế này, thế khác mà những điều kiện đó lại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đòi xóa bỏ Đảng Cộng sản, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi từ bỏ CNXH thực chất là sự xảo trá của những kẻ chống phá, lợi dụng chiêu bài hòa giải, hòa hợp để xuyên tạc, kích động, phá hoại sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta cũng cần thấy rằng, hòa hợp dân tộc, xóa đau thương chiến tranh là đòi hỏi khách quan, mở ra cơ hội khép lại quá khứ, gạt bỏ hận thù, thành kiến, chân thành hòa giải, hòa hợp, đó là một chính sách lâu dài chứ không phải là “thủ đoạn chính trị” như luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Hay như vừa qua, khi chúng ta long trọng kỷ niệm đại lễ 30/4 thì một số ý kiến ở hải ngoại nói rằng, Đảng muốn hòa hợp thì hãy để những ngày tháng tư trôi qua bình thường, phải thôi các hình thức mít tinh, kỷ niệm, thôi việc diễu binh, diễu hành, diễn văn… Đây là quan điểm sai lệch. Chúng ta tổ chức kỷ niệm, diễu binh, diễu hành không phải là “khoét sâu hận thù”, “xới lại nỗi đau” như một số luận điệu mà là dịp để tri ân, biết ơn công lao những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất non sông; là dịp để các thế hệ hôm nay phát huy tinh thần chiến thắng, đúc rút những bài học từ lịch sử để cùng đoàn kết, xây dựng đất nước phát triển vững mạnh, giữ vững quốc phòng, an ninh. Kỷ niệm đại lễ để thấy sức mạnh một Việt Nam thống nhất mà nếu bị chia cắt thì chúng ta không bao giờ có được điều đó, chia cắt sẽ khổ đau, tang thương, như những gì mà nhiều nước trên thế giới đang đối mặt. Nay Tổ quốc không còn phân biệt ai từng ở bên này, ai từng ở bên kia thì lý gì lại tự tách ra, tự mặc cảm để phản đối ngày đại lễ của dân tộc.

Thứ bảy, các cơ quan chức trách cần tiếp tục phát huy thành quả đạt được, làm tốt hơn nữa chính sách hòa hợp dân tộc, cả về xây dựng các quy định pháp lý và triển khai trong thực tiễn. Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, chủ động đến với kiều bào, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng để bà con kiều bào thấy Đảng và Nhà nước là chỗ dựa vững chắc trong quá trình hội nhập, ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc dân tộc. Phải thực sự coi trọng nguồn lực của cộng đồng, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho bà con về nước thăm thân, kinh doanh và đầu tư, tạo điều kiện cho bà con kiều bào đóng góp cho đất nước trong khả năng của mình bằng những hình thức phù hợp.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề: