Người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được hưởng lợi từ bệnh án điện tử.
Trong quyết định về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06/CP tại các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên nguồn lực, khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/9/2025.
Theo Bộ Y tế, đến tháng 4/2025, cả nước mới có 165/1.300 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử. Liệu rằng còn hơn 4 tháng nữa, hơn 1.200 cơ sở y tế trên cả nước có hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng này không? Trong khi đó, cả nước hiện mới có 30 triệu tài khoản Sổ sức khoẻ điện tử ứng dụng trên VNeID, chưa đáp ứng được 50% dân số được quản lý sức khỏe trên toàn quốc.
Sự quyết tâm của người đứng đầu đóng vai trò quyết định
Như hai bài trước chúng tôi đã đề cập đến lợi ích của bệnh án điện tử, tuy nhiên, hiện toàn quốc vẫn còn rất nhiều bệnh viện (BV) chưa triển khai. Theo TS.BS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, thực hiện chuyển đổi số y tế và Đề án 06/CP của Chính phủ, đến nay ngành Y tế đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ. Mức độ chuyển đổi số của Bộ Y tế xếp thứ 11/17 bộ ngành có nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính, tăng 2 bậc xếp hạng so với năm 2022.
Đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh triển khai phần mềm quản lý BV, kết nối liên thông với 63 cơ quan BHYT của 63 tỉnh, TP. Hiện nay, cả nước đã có 2 địa phương đã hoàn thành 100% BV công triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là Phú Thọ, Bắc Ninh; nhiều địa phương đã có kế hoạch chi tiết triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đến 30/9/2025 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, như: Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An…
Đến thời điểm hiện tại, có 165 cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, trong đó, nhiều nhất tại Quảng Ninh 22 cơ sở; Hà Nội 21 cơ sở; Phú Thọ 19 cơ sở; TP Hồ Chí Minh và Nghệ An đều 13 cơ sở. Nhưng có tới 33 địa phương chưa có cơ sở y tế nào triển khai.
Một số BV Trung ương đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử như: Bạch Mai, Thống Nhất, Răng Hàm Mặt Trung ương, Phổi Trung ương, Da Liễu Trung ương, Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội. Ngoài ra, một số BV điển hình trong triển khai hồ sơ bệnh án điện tử như: Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Đa khoa Thành phố Vinh (Nghệ An), Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Cuộc sống (Sơn La), Nhi đồng TP Hồ Chí Minh,…
Những khó khăn nào dẫn đến nhiều BV chưa triển khai được bệnh án điện tử? Theo TS.BS Nguyễn Ngô Quang, hiện nay, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, nhiều tỉnh đã quyết tâm thực hiện, ưu tiên nguồn lực, tập trung chỉ đạo triển khai hồ sơ bệnh án điện tử để hoàn thành như chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) y tế ở các đơn vị, địa phương đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, cho đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ bao phủ hệ thống thông tin BV là 100%. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng CNTT còn ở mức thấp, chưa đồng đều giữa các BV, việc kết nối liên thông dữ liệu còn khó khăn. Để có được hồ sơ bệnh án điện tử không dùng bệnh án giấy cần hệ thống công nghệ thông tin tại BV phải khá hoàn thiện. “Cả nước mới có 23 BV triển khai thành công hệ thống RIS-PACS không sử dụng phim. Vì vậy, để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử phải xây dựng, hoàn thiện các hệ thống này tại BV. BV càng lớn thì bài toán càng khó, càng phức tạp”, TS Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về điều này, PGS.TS Phạm Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam cho biết, việc áp dụng bệnh án điện tử tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản lớn, từ hạ tầng số, nhận thức của lãnh đạo BV, đến cơ chế tài chính và trình độ CNTT của nhân viên y tế. Lãnh đạo BV đóng vai trò quyết định trong việc triển khai bệnh án điện tử. Họ không chỉ cần nhận thức rõ lợi ích của hệ thống này, mà còn phải chủ động đầu tư tài chính, nhân lực và tổ chức các kế hoạch triển khai cụ thể.
Nhiều lãnh đạo BV khi chia sẻ về bệnh án điện tử đều cho rằng, bài toán tài chính là vấn đề “đau đầu”, bởi để đầu tư cho CNTT cần một số tiền rất lớn, do chi phí đầu tư lớn nên nhiều BV còn chậm trễ hoặc đã lập đề án nhưng không có kinh phí, không triển khai đồng bộ mà từng phần. Theo TS.BS Nguyễn Ngô Quang, các khó khăn, vướng mắc chính khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là do phức tạp về quy trình chuyên môn khám, chữa bệnh, quy trình chuyển đổi số tại mỗi đơn vị; hành lang pháp lý để đầu tư, thuê ứng dụng CNTT, chuyển đổi số chưa hoàn thiện; cơ chế tài chính và lợi ích khi triển khai chưa hoàn thiện, như chi phí cho ứng dụng PACS không in phim, chưa có giá kết cấu chi phí ứng dụng CNTT trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và yếu,…
Nhiều chuyên gia lo ngại, với những khó khăn trên, mục tiêu đến 30/9/2025, 100% BV trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử, thì nhiều cơ sở khám chữa bệnh liệu có thực hiện được?
Đưa chi phí đầu tư công nghệ vào chi phí khám chữa bệnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước mới có hơn 30 triệu tài khoản Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, chưa đáp ứng được 50% dân số được quản lý sức khỏe trên toàn quốc. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh (đặc biệt là các cơ sở tư nhân) chưa kết nối đầy đủ gửi dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT để phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử. Nhân lực về CNTT y tế còn thiếu và yếu, chưa thu hút được các chuyên gia, cán bộ có trình độ cao trong ngành Y tế.

Đến nay, Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an và các địa phương, đơn vị liên quan đang mở rộng hỗ trợ các địa phương khác triển khai thiết lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ngãi… Để mỗi người dân có 1 sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID tiến tới kết nối, liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế, tạo thuận lợi cho cán bộ y tế trong chẩn đoán, điều trị bệnh, người dân theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân, còn cần sự vào cuộc của Bộ Y tế, các BV và Sở Y tế các địa phương.
TS.BS Nguyễn Ngô Quang cho biết, hiện cả nước có khoảng 3.000 phòng xét nghiệm, song mới chỉ hơn 10% phòng xét nghiệm được chuẩn hóa. Để liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa các phòng xét nghiệm trong thời gian tới. Việc triển khai bệnh án điện tử giúp kết quả được liên thông và dùng chung dễ dàng. Dữ liệu từ tuyến huyện nếu đạt chuẩn cũng được tuyến trên chấp nhận. Nhờ đó, người bệnh không cần chi thêm hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng cho việc chiếu chụp lại khi lên tuyến trên. Chính vì lợi ích lớn này, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, phấn đấu đến 30/9/2025, 100% các BV trên toàn quốc phải hoàn thành bệnh án điện tử.
Nói về kỳ vọng liên thông dữ liệu, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai nêu vấn đề: Nếu chúng ta số hóa được hết bệnh án điện tử, các cơ sở y tế liên kết được dữ liệu với nhau thì chúng ta chia sẻ được dữ liệu trong chẩn đoán và điều trị, trong chuyển tuyến và chỉ đạo tuyến, mang lại lợi ích rất lớn.
Một bệnh nhân từ tỉnh xa, được chụp cắt lớp, nhưng ở tỉnh đó, bác sĩ lại chưa có kinh nghiệm trong chẩn đoán, trường hợp này, nếu liên kết dữ liệu với BV Bạch Mai, BV Bạch Mai sẽ hội chẩn và đọc dữ liệu đấy, để tìm ra bệnh, hướng dẫn cho BS ở cơ sở nên mổ hay xạ trị, hay điều trị hóa chất, mà bệnh nhân không phải chuyển lên BV Bạch Mai nữa. Bác sĩ ở cơ sở cũng được học hỏi thêm.“Tôi mới hội chẩn 1 ca bệnh ở Phú Thọ, chỉ cần mã bệnh nhân, chúng tôi đọc kết quả phát hiện bệnh nhân bị tổn thương cột sống thoát vị đĩa đệm chít hẹp, rất nặng, bệnh nhân không đi lại được, yếu và teo cơ. Từ chẩn đoán đó, chúng tôi khuyến cáo ca này phải phẫu thuật”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói
Để chuyển đổi số mạnh mẽ, mà trọng điểm là thực hiện bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu một cách hiệu quả, thực chất, theo PGS.TS Trần Quý Tường, trước hết, Bộ Y tế cần đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy chuyển đổi số y tế. Việc phát triển đồng bộ các nền tảng công nghệ, hệ thống dữ liệu chuyên ngành và hạ tầng CNTT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh án điện tử đi vào thực tế. Song song với đó là hoàn thiện khung pháp lý như xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn chuyên môn về chuyển đổi số y tế cần được xây dựng chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các BV có thể triển khai bệnh án điện tử hiệu quả.
Chẳng hạn việc mua sắm các thiết bị CNTT hiện cũng là một rào cản khi một số BV e ngại đấu thầu, mà xin tài trợ… Vì vậy, cần nhanh chóng đưa chi phí CNTT vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, để BV có căn cứ pháp lý, đủ nguồn lực tài chính đầu tư vào chuyển đổi số mà không ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Cùng với đó, theo các chuyên gia đầu ngành, cần có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho BV đầu tư, mua sắm. Bộ Y tế cũng cần có chế tài đủ mạnh đối với các đơn vị, địa phương chậm triển khai bệnh án điện tử. Mặt khác, Bộ cũng nên có cơ chế khen thưởng những BV thực hiện tốt, tạo hình mẫu để lan toả “lợi ích kép” khi ứng dụng bệnh án điện tử. Người đứng đầu BV đóng vai trò quyết định, nếu giám đốc BV vào cuộc với tinh thần quyết liệt, thì sẽ có hiệu quả.
Thêm vào đó, sự phối hợp giữa Bộ Y tế, các hội nghề nghiệp, doanh nghiệp công nghệ và chính quyền địa phương là yếu tố trọng điểm để chuyển đổi số BV được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Việc nâng cao năng lực CNTT cho các y bác sĩ, nhân viên y tế cũng rất quan trọng và thiết thực, bởi chính họ là người thực hành, nên được chú trọng và cần làm ngay.