Áo dài tiếp tục lên ngôi mùa Tết và niềm vui chưa trọn vẹn

adminTháng 2 1, 2025
17 lượt xem
Tạo dáng chụp hình với áo dài bên Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Lan Hương© Lao Động

Áo dài truyền thống tiếp tục mang đến tin vui trong mùa Tết nhưng vẫn chưa trọn vẹn do thị trường nghiêng hẳn về phân khúc giá rẻ.

Metric – một nền tảng chuyên đo lường số liệu thương mại điện tử vừa công bố một thống kê đáng chú ý về doanh số của trang phục truyền thống – áo dài trong mùa Tết năm nay.

Theo đó, doanh số trên các nền tảng mua sắm trực tuyến bao gồm Shopee và TikTok Shop đạt mức 198,6 tỉ đồng trong 1 tháng, từ ngày 20.12.2024 – 19.1.2025.

Bên cạnh đó, số liệu ghi nhận của giai đoạn từ ngày 30.11.2024 -19.1.2025 cho thấy thời gian mua áo dài cao điểm là 2 tuần cuối của giai đoạn khảo sát.

Về phân khúc, thiết kế 200 – 350 ngàn đồng tạo ra doanh thu lớn nhất với 106 tỉ đồng. Tiếp theo, sản phẩm có giá 150 -200 ngàn đồng mang lại doanh thu 21 tỉ đồng.

Đây là một con số khá lớn, nếu so sánh với mùa Tết của năm 2024 – chỉ hơn 41,1 tỉ đồng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Mức này tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước đó – cũng theo thống kê của Metric.

Thống kê với các con số lũy tiến cho thấy, nhu cầu mua sắm áo dài – trang phục truyền thống của người dân trong dịp Tết 3 năm trở lại đây luôn năm sau cao hơn năm trước.

Và những con số này là tin vui, thêm lần khẳng định sức sống mãnh liệt của trang phục truyền thống, tiếp tục thắp lên hy vọng cho công cuộc xây dựng áo dài trở thành sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa vốn có của Việt Nam.

Tuy nhiên, niềm vui ấy vẫn chưa trọn vẹn bởi dễ thấy, thị trường hiện nay nghiêng hẳn về phân khúc giá rẻ, sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, phân khúc áo dài truyền thống chất lượng cao – với chất liệu vải tốt, họa tiết, hoa văn thủ công tỉ mỉ, đường may tinh xảo và giá thành vài triệu đồng mỗi bộ – lại chưa vươn lên chiếm lĩnh thị phần.

Điều này cho thấy áo dài, đến thời điểm này vẫn là nhu cầu cấp thời theo trào lưu Tết chứ chưa phải nhu cầu bền vững của người dân. Và phần lớn người dân vẫn chưa có nhiều ý thức trân trọng về trang phục truyền thống.

Thực trạng này cho thấy ngành văn hóa và những cơ quan có trách nhiệm phải đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về giá trị văn hóa và chất lượng của áo dài truyền thống, cũng như nỗ lực cùng nhau nâng tầm áo dài, để sản phẩm này vừa đáp ứng thị hiếu, vừa bảo tồn bền vững giá trị Việt.

Các làng nghề, nghệ nhân áo dài cũng cần được các địa phương hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực trẻ sẽ giúp sản phẩm truyền thống phát triển bền vững hơn.

Đồng thời, đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, khuyến khích khách quốc tế và khách trong nước tìm đến những không gian văn hóa áo dài và trực tiếp sử dụng dịch vụ may đo, thiết kế riêng.

Thúc đẩy phát triển phân khúc áo dài chất lượng cao không chỉ đơn thuần là phát triển một sản phẩm phục vụ công nghiệp văn hóa đầy tiềm năng, mà còn gián tiếp quảng bá, lan tỏa “hồn vía” tinh túy của văn hóa dân tộc.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *