Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng thừa nhận được Phạm Minh Cường tặng cánh cổng bằng gỗ lim, nhưng là tặng “cho nhà thờ của dòng họ chứ không phải cá nhân bị cáo”.
“Cánh cổng gỗ tặng cho nhà thờ dòng họ chứ không phải cho cá nhân bị cáo”
Trong cáo trạng vụ án Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cáo buộc ông Nhưỡng đã can thiệp vào việc giải quyết vụ án dân sự xảy ra tại Tòa án nhân dân TP Hải Phòng để trục lợi.
Trả lời trước Hội đồng xét xử (HĐXX) trong phiên tòa sơ thẩm chiều 7/1, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Cơ quan tố tụng cáo buộc tôi can thiệp là hơi nặng. Chuyển đơn của công dân chỉ là việc làm hết sức bình thường của một đại biểu Quốc hội”.
Tại phần xét hỏi của phiên tòa, ông Bùi Văn Thao (ở phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, xác nhận qua cầu nối là Phạm Minh Cường (Cường “Quắt”), đã liên hệ với ông Nhưỡng nhờ giúp đỡ vụ việc của mình.
Ông Bùi Văn Thao trả lời HĐXX, ông có tranh chấp khu đất tại thôn Đông Nhà Thờ, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng và đã khởi kiện ra tòa nhưng bị xử thua ở phiên tòa sơ thẩm.
Qua Phạm Minh Cường, ông Thao nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng giúp đỡ mình trong việc tranh chấp đất đai. Bị cáo Nhưỡng bảo ông Thao viết đơn và gửi các tài liệu kèm theo cho bị cáo.
Trong thời gian này, Cường “Quắt” có nói với ông Thao về việc ông Lưu Bình Nhưỡng thích cánh cổng gỗ giống nhà mình nên đã đặt biếu.
Cường “Quắt” và ông Thao cũng bàn nhau, nếu vụ việc nhà ông Thao thành công, sẽ cắt một suất đất bán lấy tiền để cảm ơn ông Lưu Bình Nhưỡng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Minh Cường thừa nhận những gì ông Thao trình bày là đúng.
Khai nhận tại tòa, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cho biết, không biết việc Cường và ông Thao bàn với nhau bán đất để cảm ơn mình.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng thừa nhận được tặng cánh cổng bằng gỗ lim nhưng cho rằng: “Cánh cổng gỗ là tặng cho nhà thờ của dòng họ chứ không phải cá nhân bị cáo”.
Sai lầm lớn trong cuộc đời khi nhận 300.000 USD
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cũng cáo buộc ông Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ để can thiệp vào việc phê duyệt Dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh nhằm trục lợi.
Theo cáo trạng, năm 2020, ông Nguyễn Thế Mạnh (Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mạnh Đức) và ông Nguyễn Trọng Phong (ở tỉnh Bắc Ninh) chung vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III (ở phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, Bắc Ninh).
Sau khi hồ sơ dự án được các cấp có thẩm quyền thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xuất hiện kiến nghị từ một số công ty khác khiến thời gian chờ đợi kéo dài.
Do đó, ông Mạnh và ông Phong đã nhờ anh Nguyễn Văn Đức (ở thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tìm người can thiệp giúp. Sau đó, anh Đức tìm đến ông Nhưỡng, khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngay sau khi ra khỏi phòng làm việc của ông Nhưỡng, ông Mạnh hỏi anh Đức đã nói chuyện gì to nhỏ với vị đại biểu Quốc hội. Anh Đức trả lời, ông Nhưỡng yêu cầu việc này 300.000 USD, ông Mạnh nói: “Sao mặn thế?”.
Tại tòa, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng trình bày, việc nhận tiền “biếu” trong nhận thức là hoàn toàn sai lầm và ngay lúc đó đã không quyết liệt trả lại. “Đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời bị cáo. Kể cả có việc này việc kia nhưng chưa bao giờ gợi ý bất cứ ai về tiền, đây là phong cách cuộc đời bị cáo”, bị cáo Nhưỡng phân trần.