Bộ Xây dựng lưu ý với Hà Nội một số vấn đề về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Nguồn tin của phóng viên Dân trí từ UBND TP Hà Nội cho biết, Bộ Xây dựng vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, bổ sung, làm rõ một số nội dung.
Về quy hoạch, cần làm rõ sự phù hợp của phương án đề xuất với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 và các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan.
Đồng thời, làm rõ sự phù hợp của phương án đề xuất với điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Tô Lịch sẽ được cải tạo, xây dựng tuyến mương nối với sông Nhuệ từ khu vực trạm bơm Cổ Nhuế đến đầu sông Tô Lịch với lưu lượng 5m3/s.
Bộ Xây dựng cho biết, trường hợp báo cáo phương án của Hà Nội được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện, đề nghị làm rõ việc thực hiện dự án đầu tư trạm bơm khu vực Cổ Nhuế theo quy hoạch.
Trường hợp dự án được chấp thuận quyết định đầu tư, đề nghị cập nhật dự án vào các đồ án quy hoạch có liên quan, theo Bộ Xây dựng.
Cơ quan này cũng đề nghị cần xem xét giải pháp bổ cập nguồn nước thô cho một số nhà máy nước ngầm (Cáo Đỉnh, Ngọc Hà…) để hỗ trợ chuyển đổi từ nguồn nước dưới đất sang nguồn nước mặt.
Về quy mô, công suất của trạm bơm, Hà Nội đề xuất đầu tư xây dựng trạm bơm chìm công suất 3-5m3/s để bơm bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ nội dung, quy mô công suất bổ cập cho sông Tô Lịch và bổ cập cho hồ Tây đảm bảo công suất thiết kế của trạm bơm.
Về vị trí đặt trạm bơm, Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn vị trí đặt trạm bơm dưới chân cầu Nhật Tân và việc vận hành trạm bơm bổ cập nước chủ yếu thực hiện vào mùa nước kiệt thì có ảnh hưởng như thế nào đến các công trình lân cận, đặc biệt là cầu Nhật Tân.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho biết, tuyến ống truyền tải nước có đường kính D1200 chạy dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công, khu vực này khá nhiều công trình hạ tầng nên khả năng tuyến ống sẽ phải thiết kế đi sâu để tránh xung đột với công trình hạ tầng hiện trạng khác.
Do đó, cơ quan này đề nghị nên xem xét đến vật liệu ống đáp ứng điều kiện thi công, khả năng chịu tải và ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội bổ sung, làm rõ phương án vận hành, khai thác trạm bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch trong mùa khô, mùa mưa để bảo đảm duy trì cảnh quan, môi trường của sông Tô Lịch.
Ngoài ra, Hà Nội cần xem xét phương án bổ sung một số họng chờ tại một số điểm nhằm cấp nước thô dự phòng cho một số nhà máy xử lý nước sạch trong khu vực phạm vi tuyến ống đi qua.
Trước đó, Chủ tịch Hà Nội đã thống nhất phương án tuyến ống dẫn nước sông Hồng từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Trên tuyến Võ Chí Công có bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây.
Hà Nội cam kết thực hiện xong dự án trước tháng 9.
Tại hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ 5 diễn ra ngày 14/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với dự án khẩn cấp lấy nước sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch mà Hà Nội đề xuất.
Ông yêu cầu các bộ tiến hành nhanh những công việc liên quan để sớm trình đề án lên Thủ tướng.