Chế tài xử phạt nghiêm khắc khi vượt đèn đỏ ở các quốc gia

adminTháng Một 3, 2025
5 lượt xem

Thái Lan đưa ra quy định xử phạt giao thông mới năm 2023 với mức phạt tăng gấp 4 lần trước đó. Ảnh: Depositphoto

Mỗi quốc gia đều có những chế tài xử phạt khác nhau đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn chỉ dẫn. Tại Đông Nam Á, nhằm nâng cao tính răn đe, các mức phạt với hành vi vi phạm lặp lại có thể được tính lũy tiến hoặc thậm chí ngồi tù.

Thái Lan đã đưa ra quy định giao thông mới năm 2023 và áp dụng mức phạt cao nhất lên đến 4.000 baht (~3 triệu đồng) cho hành vi vượt đèn đỏ. So với mức phạt 1.000 baht (~ 746.000 đồng) ở quy định cũ, số tiền phạt đối với hành vi lái xe vượt đèn đỏ ở “xứ chùa vàng” đã tăng gấp 4 lần. Nhằm nâng cao tính răn đe, mức phạt tại Thái Lan còn được tính tăng lũy tiến nếu người vi phạm tái phạm nhiều lần, hoặc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Một quốc gia Đông Nam Á khác có mức phạt lũy tiến đối với các trường hợp vượt đèn đỏ là Philippines. Luật giao thông nước này quy định, lần phạt đầu tiên là 2.000 Php (~875.000 đồng), lần vi phạm thứ 2 là 3.000 Php (~ 1,3 triệu đồng) và lần vi phạm thứ 3 là 10.000 Php (~ 4,3 triệu đồng).

Tại Malaysia, Luật Giao thông Đường bộ năm 1959 quy định mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ dao động từ 300 RM (khoảng 1,7 triệu đồng) đến 2.000 RM (hơn 11 triệu đồng). Nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện có thể đối mặt với án tù lên đến sáu tháng. Trong bối cảnh các vụ vi phạm gia tăng, Malaysia đang xem xét đưa người vi phạm vượt đèn đỏ ra tòa thay vì chỉ xử phạt hành chính như trước đây.

Indonesia cũng là nước áp dụng cả phạt tiền và án tù đối với hành vi vượt đèn đỏ. Theo luật giao thông năm 2009, mức phạt tiền là 500.000 IDR (~785.000 đồng). Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, người điều khiển phương tiện có thể chịu án tù lên đến hai tháng, nhằm tạo sức ép tuân thủ pháp luật giao thông.

Còn tại Singapore, hành vi vượt đèn đỏ cũng bị xử lý nghiêm khắc với mức phạt tiền tối đa là 400 SGD (~ 7,5 triệu đồng) đối với xe máy và 500 SGD (~9,3 triệu đồng) đối với ô tô, nhất là ở các khu vực nhạy cảm như khu vực dành cho người cao tuổi hoặc gần trường học. Ngoài ra, hành vi này còn bị trừ 12 điểm giấy phép lái xe. Nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng, hình phạt có thể gia tăng để đảm bảo tính răn đe và duy trì an toàn giao thông.

Tại Nhật Bản, hành vi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông được liệt vào nhóm màu Vàng. Theo đó, ngoài việc người điều khiển phương tiện bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe, họ còn phải chịu khoản phí phạt dao động từ 6.000 – 12.000 yen (~ 974.000 – 1,9 triệu đồng) tùy vào loại phương tiện điều khiển.

Chế tài xử phạt nghiêm khắc khi vượt đèn đỏ ở các quốc gia -0
Tại New York, chủ phương tiện vi phạm sẽ buộc phải nộp phạt cho dù ai là người cầm lái ở thời điểm vi phạm tín hiệu giao thông. Ảnh: Vectezy

Ở Mỹ, mức phạt cho hành vi vượt đèn đỏ được quy định khác nhau ở từng tiểu bang. Tại New York, chủ phương tiện vi phạm sẽ buộc phải nộp phạt cho dù ai là người cầm lái ở thời điểm vi phạm. Cụ thể, họ sẽ bị phạt 50 USD với hành vi vượt đèn đỏ và thêm 4 USD phí xử lý. Như vậy, một lần phạt tương ứng với 54 USD (~1,4 triệu đồng).

Ở tiểu bang California, mức phạt cho hành vi điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ là 100 USD. Người vi phạm còn phải trả thêm các chi phí liên quan, tổng cộng vào khoảng 500 USD (~12,7 triệu đồng). Còn tại tiểu bang Oregon, vượt đèn đỏ được xem là hành vi vi phạm giao thông cấp B. Người vi phạm sẽ bị phạt với số tiền tối đa 1.000 USD (~ 25 triệu đồng).

Tại Việt Nam, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Theo đó, người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (quy định cũ phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng).

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 800.000 – 1 triệu đồng).

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *