Bùi Thanh Khoa bị khởi tố, bắt tạm giam khi xuống tay đánh đập cô gái sau va chạm giao thông.
Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…
Thói côn đồ treo trước tay lái
Nguyên nhân xảy ra va chạm giao thông rất đa dạng, nhưng thường do một bên hoặc các bên có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như đi ngược chiều, đi sai làn, lạng lách, đánh võng… hoặc chỉ là những va quẹt nhỏ từ sự vô ý. Từ đó, dẫn đến cãi vã, xô xát giữa những người va chạm giao thông, một số đối tượng còn kéo bè kéo cánh để trả thù, gây thương tích, thậm chí làm chết người.
Vụ việc đau lòng mới xảy ra vào đầu năm 2025 tại TP Bến Cát (Bình Dương) vẫn đang để lại dư âm xót xa. Vào tối ngày 30/12/2024, tại giao lộ Mỹ Phước – Tân Vạn (TP Bến Cát) xảy ra vụ va chạm giao thông giữa Lê Văn Hiền (37 tuổi, quê An Giang) và anh N.T.B. (38 tuổi, ngụ phường Thới Hòa, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Theo người dân chứng kiến, khi va chạm giao thông xảy ra, Lê Văn Hiền vật ngã anh B. xuống đường rồi liên tiếp dùng nón bảo hiểm đánh xuống đầu của nạn nhân cho đến khi anh B. bất tỉnh, đối tượng Hiền mới bỏ đi.
Anh B. sau đó được người nhà đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, chẩn đoán dập não trán hai bên, huyết áp tụt, tiên lượng xấu. Người nhà cho biết, anh B. đã bị chết não và qua đời. Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, Công an TP Bến Cát vào cuộc. Ngày 2/1/2025, Lê Văn Hiền bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi đánh người. Tại cơ quan Công an, Lê Văn Hiền khai nguyên nhân dẫn đến việc đánh người là do mâu thuẫn sau khi xảy ra va chạm giao thông giữa hai xe máy.
Nguyên nhân đơn giản và lãng xẹt như vậy đã cướp đi cuộc đời một con người. Đau lòng hơn, nỗi đau ập đến với gia đình anh B. khi mùa xuân mới đã đến rất gần.
Hầu hết các vụ bạo lực giao thông xảy ra đều có sự chứng kiến của nhiều người, giữa đường hoặc nơi công cộng. Hiệu ứng đám đông lại càng khiến cho những cái đầu “nóng” vốn sẵn thói côn đồ tỏ ra mình là kẻ trên cơ, sẵn sàng xuống tay khi đối phương yếu thế hơn.
Đêm khuya ngày 31/12/2024, anh T.A.P. (30 tuổi, quê Lâm Đồng) chạy xe máy chở vợ là chị H.N.L. (28 tuổi) đi dạo phố ở khu vực phường Bến Nghé (quận 1). Lúc này, người ra đường đông đúc đón giao thừa nên bị kẹt xe, anh P. quay đầu xe để đi về. Khi anh P. quay đầu xe thì Nguyễn Văn Dũng đi xe máy chở vợ là Bùi Thị Ngọc Anh từ phía sau chạy tới. Ông Dũng không cho anh P. quay xe mà chửi anh P. và cố tình cản đầu xe, không cho anh P. quay đầu nên hai bên tranh cãi.
Lúc này, anh H.H.V. (30 tuổi, tài xế xe công nghệ) chở khách đi ngang qua nên đến can ngăn thì xảy ra xô xát với Nguyễn Văn Dũng và Bùi Thị Ngọc Anh. Khi người tài xế té ngã xuống đường, đôi nam nữ này vẫn đấm đá túi bụi vào anh.
Chứng kiến sự việc, một số người đi đường lao vào ngăn cản thì bị ông Dũng dọa đánh. Chưa hết, người đàn ông còn lao vào hành hung một phụ nữ khác và chửi “mày biết tao là ai không?” Cách đó vài mét, Bùi Thị Ngọc Anh vẫn ghì anh tài xế xe ôm công nghệ và không ngừng đấm, đạp lên đầu của anh V.
Vừa đánh người, hai đối tượng không ngừng văng tục, chửi bới nạn nhân và những người đi đường khi phát hiện bị quay clip.
Tối 1/1/2025, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 (TP Hồ Chí Minh) đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Văn Dũng (55 tuổi, ngụ quận 1) và Bùi Thị Ngọc Anh (53 tuổi, vợ Dũng) để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Bước đầu xác định nguyên nhân vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông.
Chỉ vì cái tính nóng nảy, không kiềm chế được mà vướng vào lao lý, khiến người thân phải nhục mặt, bẽ bàng. Đáng buồn hơn chính là người vợ đi cùng không khuyên can chồng mình mà còn đồng lõa, hợp sức trút giận xuống người khác bằng vũ lực. Đây đích thị là bản chất côn đồ, coi thường sức khỏe và tính mạng con người.
Ân hận muộn màng
“Xuống nắm đấm” trước người yếu thế hơn mình chỉ vì mâu thuẫn trong giao thông là hành vi cần phải lên án mạnh mẽ. Một vụ việc đáng tiếc xảy ra trước đó cũng khiến dư luận phẫn nộ. Vết thương trên mặt của cô gái trẻ vẫn chưa thể lành, cùng những tác động tâm lý khiến cô vẫn còn rất sốc khi nhớ lại khoảnh khắc bị “bạo lực” giữa đường. Theo đó, vào ngày 9/12, chị Q.T.A. (23 tuổi, ngụ quận 1) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Khánh Hội (quận 4) thì bị Bùi Thanh Khoa (sinh năm 1984, ngụ huyện Nhà Bè) điều khiển xe máy cùng chiều ép vào dải phân cách giữa đường khiến hai phương tiện va quẹt nhau. Ông Khoa chủ động dừng xe, quay lại dùng hai tay đánh liên tiếp vào mặt chị A. khiến nạn nhân té ngã vào lan can giữa đường.
Sau đó, ông Khoa dùng cùi chỏ tay trái đánh vào vùng đỉnh đầu và dùng chân phải đá vào mặt cô gái. Khi chị A. đứng dậy, Khoa tiếp tục đánh đập nạn nhân và chỉ dừng lại khi có một tài xế ô tô 16 chỗ xua tay can ngăn.
Sau khi hành hung cô gái, Khoa điều khiển xe máy rời đi. Chị A. đã đến trụ sở Công an phường 4 trình báo sự việc và đến Bệnh viện quận 4 khám vết thương. Ngay trong ngày, Công an phường 4 đã chuyển nguồn tin về tội phạm nêu trên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 4 giải quyết theo thẩm quyền. Đến tối cùng ngày, các trinh sát đưa Khoa về trụ sở để lấy lời khai.
Theo giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện quận 4, chị A. bị chấn thương bầm, sưng vùng gò má phải, bầm niêm mạc miệng vùng môi dưới. Bị đánh gây thương tích, chị A. có đơn yêu cầu giám định, xử lý hình sự đối với ông Khoa. Ngoài ra, chủ ô tô có camera ghi lại sự việc đã cung cấp dữ liệu cho cơ quan điều tra và đề nghị xử lý nghiêm hành vi côn đồ của đối tượng này.
Cơ quan Công an nhận định, hành vi của Khoa dùng tay, cùi chỏ và dùng chân tác động liên tiếp vào mặt, vùng đầu của chị A. ngay trên đường phố, gây ra thương tích cho nạn nhân đã thể hiện rõ tính hung hãn, coi thường pháp luật, có dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”.
Hành vi của Khoa được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây ra sự bức xúc trong quần chúng nhân dân nên cần phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Hiện Cơ quan CSĐT Công an Quận 4, TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Bùi Thanh Khoa về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau khi tỉnh ngộ, bị can Khoa đã tỏ ra ăn năn và nhận thức được hành vi sai trái của bản thân.
“Tôi không kiềm chế được bản thân và đánh gây thương tích cho chị A. Tôi thấy hành vi của tôi côn đồ, gây mất trật tự nơi công cộng. Tôi cảm thấy hối hận và rất mong được pháp luật khoan hồng, cho tôi có cơ hội gần lại với môi trường xã hội”, Khoa ăn năn trình bày.
Trước những vụ bạo lực giao thông xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua, luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những trường hợp va chạm chỉ là do vô ý và hậu quả để lại là không đáng kể nhưng hệ lụy do chính cách ứng xử của những người liên quan lại rất nghiêm trọng bởi gây ra thương tích, thậm chí xảy ra án mạng. Điều này cho thấy một bộ phận người tham gia giao thông ngày càng thể hiện sự côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật, thiếu kiềm chế và không chuẩn mực khi tham gia giao thông. Nếu ai cũng mang theo cái đầu “nóng” ra đường, tự nhận phần đúng về mình và tự ý trừng phạt người khác bằng nắm đấm của bản thân thì chắc chắn sẽ phải nhận tội, phải trả giá gấp nhiều lần cho hành vi côn đồ của mình.
Hiện nay, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý rất nhanh các vụ việc gây mất an ninh trật tự và việc công khai thông tin xét xử những vụ án liên quan việc đánh người khi va chạm giao thông để tạo hiệu ứng, cũng sẽ có tác dụng tích cực thay đổi hành vi ứng xử khi lỡ có va chạm trên đường.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Cao Minh Thì, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh phân tích thêm, giao thông đông đúc và thời gian chờ đợi dài trên đường là yếu tố góp phần chính làm tăng mức độ căng thẳng của tài xế. Do thiếu kiểm soát cảm xúc, những cá nhân có khả năng kiểm soát cảm xúc kém dễ có xu hướng hành xử bạo lực hơn trong những tình huống xung đột giao thông. Mặt khác, do tâm lý “quyền lực” khi lái xe. Một số người xem chiếc xe là tài sản quý giá của bản thân, nên bất kỳ va chạm nào cũng bị coi là sự xúc phạm cá nhân. Điều này dễ khiến tài xế phản ứng mạnh mẽ và mất kiểm soát. Cuối cùng, chính là ý thức thấp trong cộng đồng và văn hóa giao thông không an toàn là nguyên nhân chính khiến xung đột dễ leo thang thành bạo lực.
Tại Việt Nam, sự phổ biến của thói quen đổ lỗi thay vì bình tĩnh giải quyết càng làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Dưới góc độ tâm lý, người bị va chạm, người gây va chạm hoặc cả hai bên cùng va chạm đều có xu hướng đặt cái tôi cá nhân lên hàng đầu. Cái tôi này có thể liên quan đến vật chất, thời gian, hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe. Do đó, họ thường coi trọng bản thân hơn người đối diện. Xuất phát từ quan điểm cá nhân này, họ sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề: Yêu cầu bồi thường, tấn công đối phương, áp đảo bằng sức mạnh hoặc lý lẽ để giành phần thắng. Do đó, cần kiểm soát cái tôi để không dẫn đến các hành vi thái quá.
Đồng thời, giáo dục Luật Giao thông cần đi đôi với việc nâng cao nhận thức về văn hóa và thái độ ứng xử trong giao thông. Hai yếu tố này không thể tách rời, bởi chỉ khi người dân vừa hiểu luật vừa biết cách hành xử văn minh, môi trường giao thông mới thực sự an toàn.