Đường dây rửa tiền do các đối tượng người nước ngoài điều hành được khám phá như thế nào?

adminTháng Một 6, 2025
6 lượt xem

Các đối tượng trong vụ án.

Đường dây do các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều hành; hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài, rửa tiền thông qua mua bán ngoại tệ, tiền ảo, với số tiền đã chiếm đoạt lên đến 84 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án trên, ngày 5/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Hải Dương hoàn tất cáo trạng truy tố 5 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc).

Trong đó, 3 đối tượng gồm: Wang Pei De – Vương Bồi Đức (SN 1999); Lin Xin Ying – Lâm Hân Dĩnh (SN 2001) và Tai Ching Yy – Đới Cảnh Vũ (SN 1996, cùng quốc tịch Trung Quốc; cùng ở khu Khả Lễ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) về tội “Tàng trữ tài khoản” và “rửa tiền”. 2 đối tượng gồm Hoàng Đình Hiển (SN 1999, ở tại xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Hậu (SN 1993, ở tại xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cùng về hành vi “Mua bán tài khoản”.

Từ dấu hiệu nghi vấn

Qua công tác nắm tình hình, trước đó các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương có thông tin về một số đối tượng thường mua tài khoản của các cá nhân với số lượng lớn… Nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong việc mua bán tài khoản, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự đã báo cáo Ban giám đốc Công an tỉnh xác lập án đấu tranh. Trong quá trình điều tra, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự gặp rất nhiều khó khăn do phương thức và thủ đoạn hoạt động tinh vi của đối tượng gây án như lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội; đối tượng cầm đầu, tham gia vào đường dây là người nước ngoài… Song bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự đã điều tra, làm rõ vụ án.

Quá trình đấu tranh xác định, qua quan hệ xã hội khoảng tháng 10/2023, Trần Thị Thu Hường (SN 1987, ở tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (chị Hường lấy chồng người Đài Loan tên Lin Cheng Wei (Lâm Chính Vĩ) gặp ông Chang Kun Ming (SN 1974, quốc tịch Trung Quốc… Ngày 20/10/2023, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, ông Ming thuê của Hường chiếc xe ôtô với giá 30 nghìn Đài tệ (tiền Đài Loan)/tháng (khoảng 23 triệu đồng/tháng); đồng thời nhờ Hường thuê giúp một số căn phòng tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và nhờ thuê Nguyễn Văn Hậu (SN 1993, ở thôn Đông Trại, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) làm lái xe với giá là 10 triệu đồng/tháng.

Sau đó, ông Ming yêu cầu Hậu lái xe ôtô chở người đàn ông tự giới thiệu tên Zhi Yuan (chưa xác định được họ tên, địa chỉ); đồng thời thuê Hậu mở tài khoản ngân hàng để sử dụng nhưng Hậu không đồng ý vì biết việc mở tài khoản ngân hàng cho người khác sử dụng là vi phạm pháp luật.

Lúc này, Chí Viễn đã thỏa thuận trả cho Hậu 13 triệu đồng/tháng để anh ta mua tài khoản ngân hàng của người khác với giá tiền là 5 triệu đồng/tài khoản

Trước khoản tiền kiếm được, Hậu đồng ý. Quá trình trao đổi, Chí Viễn yêu cầu Hậu mua tài khoản tại các ngân hàng Techcombank, Vietcombank, VPBank và Vietinbank; tài khoản phải được mở thanh toán cả bằng USD và VND, hạn mức thanh toán cao nhất.

Sau đó, Hậu sử dụng tài khoản mạng xã hội của anh ta liên lạc với Hoàng Đình Hiển (SN 1999, trú tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) để mua tài khoản ngân hàng.

Để phục vụ việc liên lạc mua bán tài khoản ngân hàng, Hậu đã lập nhóm tài khoản mạng xã hội Telegram gồm có các tài khoản của Hậu, Hiển, Chí Viễn, Lâm Hân Dĩnh, Đới Cảnh Vũ và Vương Bồi Đức. Hậu yêu cầu Hiển sau khi mở, mua được tài khoản ngân hàng thì gửi thông tin số tài khoản, tên ngân hàng, mật khẩu đăng nhập, ảnh căn cước công dân của chủ tài khoản lên nhóm để Lâm Hân Dĩnh, Đới Cảnh Vũ và Vương Bồi Đức kiểm tra; sau đó chuyển sim số điện thoại đăng ký mở tài khoản và sử dụng dịch vụ Internetbanking cho Hậu, để Hậu chuyển cho Lâm Hân Dĩnh, Đới Cảnh Vũ và Vương Bồi Đức quản lý, sử dụng.

Vạch trần phương thức của các đối tượng người nước ngoài       

Quá trình đấu tranh xác định, Lâm Hân Dĩnh, Đới Cảnh Vũ và Vương Bồi Đức được người đàn ông quốc tịch Trung Quốc (không biết họ tên, địa chỉ, chưa xác định được) hoặc Trung Quốc (Đài Loan) thuê đến ở tại phòng 802 chung cư Green Pearl, khu Khả Lễ, phường Võ Cường với số tiền là 31 triệu đồng /tháng, (tính đến ngày 12/4/2024 chưa được người thuê thanh toán, trả tiền), để nhận tiền Đô la Mỹ từ tài khoản ngân hàng nước ngoài chuyển đến; chuyển sang tiền Việt Nam; rồi chuyển tiền để mua tiền điện tử kỹ thuật số, với mục đích rửa tiền… Lâm Hân Dĩnh, Đới Cảnh Vũ và Vương Bồi Đức đều nhận thức được tiền Đô la Mỹ chuyển đến là tiền do phạm tội mà có, nhưng không biết cụ thể là phạm tội gì.

Quá trình điều tra còn làm rõ, Chí Viễn còn nhờ Hậu liên hệ với Trần Quốc Tuấn (SN 1995, ở tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) để mua tiền điện tử kỹ thuật số (USDT) của anh Trần Mạnh Đức (SN 1995, ở khu Xuân Cảm, phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) chuyển USDT vào ví điện tử mà Chí Viễn yêu cầu để có thể rút tiền ở nước ngoài.

Với phương thức như trên, từ khoảng tháng 12/2023 đến ngày 12/4/2024, Hiển đã mở 2 tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank, thanh toán bằng USD (Đô la Mỹ) và VND (Việt Nam đồng) và mua tài khoản ngân hàng của nhiều người rồi bán lại cho Hậu 133 tài khoản ngân hàng. Sau đó, Hậu giao cho Vương Bồi Đức, Đới Cảnh Vũ và Lâm Hân Dĩnh quản lý, sử dụng. Về phần các đối tượng người nước ngoài, sau khi nhận được sim, số điện thoại đăng ký mở tài khoản ngân hàng và sử dụng dịch vụ Internetbanking, Vương Bồi Đức, Đới Cảnh Vũ và Lâm Hân Dĩnh lắp sim vào điện thoại di động để quản lý, sử dụng; đã nhận 6.586.548,19 (Đô la Mỹ) từ các ngân hàng nước ngoài chuyển đến tài khoản thanh toán bằng Đô la Mỹ, chuyển qua tài khoản của cùng chủ tài khoản, thanh toán bằng tiền Việt Nam là hơn 162 tỷ đồng để sử dụng.

Cụ thể, phương thức của các đối tượng như sau: Hậu lập nhóm mạng xã hội Telegram gồm có tài khoản của Hậu, anh Tuấn, anh Đức, Chí Viễn, Vương Bồi Đức, Đới Cảnh Vũ và Lâm Hân Dĩnh để liên lạc với nhau về việc mua, bán tiền điện tử kỹ thuật số (USDT). Sau khi tiền Đô la Mỹ do phạm tội mà có được chuyển đến tài khoản ngân hàng thanh toán bằng tiền Đô la Mỹ, do Vương Bồi Đức Đới Cảnh Vũ và Lâm Hân Dĩnh quản lý, sử dụng thì Vương Bồi Đức, Đới Cảnh Vũ và Lâm Hân Dĩnh chuyển tiền đến tài khoản thanh toán bằng Việt Nam đồng; thông báo qua mạng xã hội Telegram cho Chí Viễn biết để liên lạc, thỏa thuận giá mua, bán USDT với anh Đức thì Vương Bồi Đức, Đới Cảnh Vũ và Lâm Hân Dĩnh sẽ chuyển tiền Việt Nam đồng đến các tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của anh Đức và anh Tuấn. Sau đó, USDT sẽ được chuyển đến ví điện tử theo yêu cầu của Chí Viễn.

Từ việc kiểm tra, xác minh các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu của tội phạm các tài khoản ngân hàng của 2 khách hàng Nguyễn Văn Hậu và Hoàng Đình Chuyền (SN 1994, ở tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), ngày 12/4/2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, phát hiện, tiến hành điều tra làm rõ nội dung vụ án như trên.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *