Giá thịt lợn bắt đầu tăng mạnh trước Tết

adminTháng mười hai 31, 2024
6 lượt xem

Thời điểm cuối năm, giá thịt lợn tăng mạnh nhưng sức mua tại chợ chậm.

Trong 1 tuần qua, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống, dân sinh đã bắt đầu tăng khoảng 10.000 đồng/kg tuỳ loại. Theo các tiểu thương, giá nhập lợn hơi, lợn móc hàm đang tăng từng ngày.

Theo ghi nhận của PV tại một số chợ ở khu vực Hà Đông, Mỹ Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai ngày 30/12, thịt lợn bày bán khá nhiều song giá đều tăng trung bình 10.000 đồng/kg. Thịt lợn đầy đủ, giá tăng hơn nhưng sức tiêu thụ chậm lại, nhiều hàng thịt vẫn còn rất nhiều. “Thịt lợn móc hàm nhập vào mỗi ngày đều tăng, nay đã lấy tới 94.000-95.000 đồng/kg móc hàm nên bán ra phải tăng. Thịt ba chỉ, chân giò, sườn non có giá 140.000-150.000 đồng/kg”, chị Phương – tiểu thương bán thịt ở Hà Đông cho hay.

Chị Thu Trang ở Mỹ Đình cho biết, những ngày qua đi chợ trong khu dân cư, giá thịt lợn tăng hơn trước, như hôm nay thịt lợn có giá trung bình 140.000-150.000 đồng/kg. Thịt bày bán nhiều nhưng người mua thưa vắng. “Giá thịt tăng dịp Tết sẽ kéo theo giò chả cũng tăng. Điều này làm người tiêu dùng lại phải cân nhắc, tính toán kỹ chi tiêu”, chị Trang cho hay.

Giá lợn hơi tăng kéo theo giá móc hàm tăng, tới tay người tiêu dùng cũng tăng tương ứng. Theo ghi nhận giá lợn hơi ngày 30/12 toàn quốc tiếp tục đi ngang, duy trì giao dịch trong khoảng 64.000 – 69.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc không ghi nhận biến động trong phiên sáng nay. Hiện tại, thị trường phía Bắc đang giữ giao dịch trong khoảng 67.000 – 69.000 đồng/kg.

Trong đó, Hà Nội là địa phương duy nhất giao dịch tại ngưỡng 69.000 đồng/kg. Đây hiện cũng là mức giá cao nhất cả nước. Tại miền Trung – Tây Nguyên ghi nhận giá ổn định trong khoảng 65.000 – 68.000 đồng/kg. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Khánh Hoà vẫn là những địa phương có giá thu mua thấp nhất 65.000 đồng/kg. Thị trường lợn hơi miền Nam không ghi nhận sự điều chỉnh giá, thu mua trong khoảng 64.000 – 68.000 đồng/kg. Theo đó, Kiên Giang, Tiền Giang và Trà Vinh là những tỉnh thu mua thấp nhất, với giá 64.000 đồng/kg. Những địa phương khác trong khu vực mua bán chênh lệch tại các mức 65.000 – 68.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, từ đầu tháng 12, giá lợn hơi bắt đầu tăng, những ngày cuối năm, giá lợn hơi tăng từng ngày. Theo ước tính so với cuối 2023, mức chênh lệch hiện tại là 30%. Lý giải về nguyên nhân giá lợn hơi tăng cao, chị Nguyễn Huyền tiểu thương bán thịt ở Hà Đông cho rằng, mọi năm gần Tết mới tăng nhưng năm nay giá thịt lợn tăng từ sớm, đến nay cũng tăng được 20 ngày, giá nhập tăng mạnh theo từng ngày. Thịt lợn giá tăng cao một phần ảnh hưởng do đợt lũ lụt, việc tái đàn không theo kịp nhu cầu của thị trường, cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi phức tạp đã tác động đến tâm lý của người chăn nuôi. Nên khi đi nhập hàng vẫn có nhưng ít hơn và đắt hơn nên bán ra cho người tiêu dùng cũng tăng. Ở khu vực Hà Đông giá vẫn “mềm” hơn các khu vực khác, nhưng bán cũng chậm hơn.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 30/12, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, giá thịt lợn ngoài thị trường biến động tăng mạnh song giá bán ở siêu thị vẫn giữ mức ổn định. Hiện, siêu thị chưa nhận được thông báo tăng giá của nhà cung cấp. Trước đó, siêu thị và nhà cung cấp đã làm việc với nhau thống nhất về giá, và cung ứng đủ nguồn cung, đảm bảo giá cả ổn định để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện tại, ngành Công Thương Hà Nội đã dự trữ 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo… Hệ thống bán lẻ quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội như Co.op Mart, AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng đã ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động ban hành các kế hoạch liên quan. Sở căn cứ vào nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân; trong đó, một số nhóm hàng chính được quan tâm là gạo, thịt lợn, thịt bò, rau, củ, quả… Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống phân phối hàng hóa bố trí điểm bán truyền thống kết hợp với lưu động, nhất là ở vùng sâu.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng cao là do nhu cầu cuối năm, cận Tết Nguyên đán lượng tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh, đặc biệt tại các thành phố lớn. Các đơn vị sản xuất thực phẩm đẩy mạnh thu mua nguyên liệu sản xuất sản phẩm chế biến phục vụ người dân trong dịp tết. Cùng với đó, xu hướng giảm đàn ở một số doanh nghiệp lớn, dẫn đến nguồn cung lợn đủ trọng lượng xuất chuồng bị thiếu hụt.

Theo Sở Tài chính TP HCM, do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp cuối năm đã tăng trong khi nguồn lợn đủ trọng lượng xuất chuồng thiếu hụt đã dẫn đến biến động giá thịt lợn trên thị trường trong thời gian qua.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *