Giảm bớt áp lực cho học sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập

adminTháng 5 5, 2025
1 lượt xem

Năm học 2025-2026, Hà Nội sẽ công bố điểm thi và điểm chuẩn trong cùng một ngày. (Ảnh minh họa)

Từ năm học 2025-2026, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội sẽ có một số giải pháp điều chỉnh, cải tiến ở một số khâu trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập như: Công bố đồng thời điểm thi và điểm chuẩn trúng tuyển; tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm nâng tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 từ 60-64%; yêu cầu tất cả các trường THPT trên địa bàn phải tuyển sinh trực tuyến để chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ xét tuyển.

Những giải pháp này đã thể hiện nỗ lực lớn của ngành Giáo dục Thủ đô song vẫn cần tiếp tục đổi mới, cải tiến hơn nữa để giảm bớt áp lực cho học sinh trong kỳ thi vào lớp 10 công lập.

Nhiều điều chỉnh, cải tiến phù hợp

Một trong những điều chỉnh đáng chú ý trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026 là Hà Nội sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh và điểm chuẩn xét tuyển lớp 10 của từng trường vào cùng ngày, chậm nhất là ngày 6/7.

Việc công bố hai dữ liệu gồm điểm thi và điểm chuẩn trong cùng một ngày giúp giảm áp lực chờ đợi của học sinh, gia đình học sinh; chấm dứt tình trạng nhiều năm nay, học sinh và phụ huynh thường mất cả tuần “ngồi trên lửa” chờ công bố điểm chuẩn trúng tuyển sau khi đã có điểm thi vào lớp 10 công lập. Đây được xem là một nỗ lực đáng ghi nhận của ngành Giáo dục Thủ đô khi Hà Nội là một trong 2 địa phương có số lượng thí sinh thi vào lớp 10 đông nhất cả nước.

Điều chỉnh thứ hai là Hà Nội đã quyết định tăng số chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026 so với năm học trước. Với việc thành phố tăng khoảng 3.000 chỉ tiêu chung vào lớp 10 công lập so với năm học 2024-2025, hầu hết các trường THPT công lập trên địa bàn đều tăng số chỗ học lớp 10 so với năm ngoái, phổ biến thêm 45-90 chỉ tiêu, tương đương 1-2 lớp; một số trường cá biệt có thể tăng tới trên 135 chỉ tiêu, tương đương khoảng 3-4 lớp, trong số này có rất nhiều trường top đầu như THPT Việt Đức, THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, THPT Kim Liên, THPT Yên Hòa, THPT Xuân Đỉnh, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Mỹ Đình.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, với việc tăng hàng nghìn chỉ tiêu trên toàn thành phố, tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội năm nay sẽ nằm ở mức trên 64%, cao hơn 3-4% so với các năm học trước. Đây là nỗ lực lớn của thành phố, của ngành Giáo dục Thủ đô trong việc tạo điều kiện cho học sinh có thêm cơ hội vào lớp 10 công lập, từ đó góp phần giảm bớt áp lực cho nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn.

Điều chỉnh thứ ba là Hà Nội tiếp tục yêu cầu tất cả các trường THPT trên địa bàn, bao gồm trường công lập và dân lập đều phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tổ chức tuyển sinh trực tuyến nhằm không để xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh cho con vào lớp 10 từng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngoài ra, năm nay Hà Nội tiếp tục công bố tỷ lệ “chọi” vào lớp 10 công lập trên địa bàn. Căn cứ số lượng học sinh đăng ký dự tuyển và chỉ tiêu được giao, học sinh có thể biết được tỷ lệ “chọi” vào lớp 10 của từng trường THPT công lập năm học 2025-2026. Tuy nhiên, thời gian công bố tỷ lệ “chọi” năm nay có thể được đẩy lên sớm hơn so với năm trước, chậm nhất vào ngày 15/5.

Đề xuất cho phép học sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, mỗi học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng (NV) vào trường công lập, trong đó có 2 trường thuộc khu vực tuyển sinh ở các quận được chỉ định và một trường ở địa bàn khác. Nếu học sinh trúng tuyển NV1 không được xét NV2, NV3.

Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, với mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các NV hiện nay cùng với việc Hà Nội quy định không cho phép học sinh điều chỉnh NV xét tuyển sau khi đã đăng ký, học sinh rất dễ rơi vào nguy cơ trượt hết các NV nếu chiến thuật lựa chọn, đặt thứ tự NV không hợp lý và thiếu một chút may mắn do tỷ lệ “chọi” vào các trường THPT có sự biến động theo từng năm, rất khó lường.

Trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực tìm các giải pháp nhằm giảm bớt áp lực cho  học sinh trong kỳ thi vào lớp 10, nhiều phụ huynh và giáo viên tiếp tục đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội nên xem xét tính đến việc cho học sinh được phép đổi NV sau khi các trường công bố số lượng học sinh đăng ký hoặc sau khi thí sinh hoàn thành bài thi vào lớp 10 như cách mà một số địa phương đang làm để giảm bớt áp lực, căng thẳng cho học sinh.

Ngay cả trong xét tuyển đại học, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, tăng cường đổi mới trong cách thức xét tuyển bằng cách cho phép học sinh được thay đổi, điều chỉnh NV đã đăng ký nhằm tạo thuận lợi hơn cho các em. Và cách làm này đã hạn chế được tối đa tình trạng học sinh dù có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng vẫn trượt đại học như đã từng xảy ra ở các năm trước đó.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên của tổ chức giáo dục FPT cho rằng, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành nên nghiên cứu, điều chỉnh quy chế tuyển sinh vào lớp 10 để trao quyền chủ động hơn cho thí sinh, giảm áp lực, giảm tỉ lệ thí sinh “điểm cao mà vẫn trượt”.

Cách thức đăng ký NV trước và không thay đổi NV sau khi biết điểm như hiện nay đang thể hiện sự bất cập, một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực tuyển sinh vào 10, khiến việc đăng ký NV vào lớp 10 càng trở nên may rủi, nhiều thí sinh điểm cao có nguy cơ trượt công lập.

“Với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin như hiện nay, Hà Nội hoàn toàn có thể để học sinh được điều chỉnh NV sau khi thi xong và đăng ký NV vẫn theo phân khu vực như hiện tại. Lúc này phụ huynh và học sinh sẽ chủ động hơn rất nhiều, có cơ sở để đặt NV cũng như có các phương án dự phòng, thí sinh ước tính được khả năng đỗ, trượt tốt hơn. Nếu tốt hơn nữa, Hà Nội có thể công bố phổ điểm thi 3 môn để từ đó phụ huynh, học sinh có cái nhìn chính xác hơn, căn cứ tốt hơn cho việc đặt NV”, thầy Đinh Đức Hiền chia sẻ.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *