Nhiều giáo viên xếp hàng dài, thậm chí đi nhiều lần để đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm có hiệu lực.
Xếp hàng nhiều lần vẫn khó đăng ký
Ghi nhận của PV Lao Động, trong buổi sáng ngày 17.2, tại một số bộ phận một cửa của UBND các quận trên địa bàn Hà Nội, có rất đông giáo viên đến đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm sau khi thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực.
Đến bộ phận một cửa tại UBND quận Nam Từ Liêm từ 9h, chị Ngô Thị Dung – giáo viên dạy thêm môn tiếng Anh – không thể làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh về lĩnh vực giáo dục vì giới hạn số lượng hồ sơ được tiếp nhận trong buổi sáng.
“Mỗi người đến đăng ký đều phải lấy số thứ tự tại quầy. Tôi là giáo viên trường tư đến đăng ký kinh doanh dạy thêm và nhận số 29 tại quầy số 6. Họ đưa cho tôi giấy đề nghị đăng ký kinh doanh để kê khai. Khi nào được tiếp nhận hồ sơ sẽ nộp giấy đề nghị và căn cước công dân.
Tuy nhiên, các chuyên viên tại đây thông báo rằng trong buổi sáng chỉ tiếp nhận giải quyết hồ sơ đến phiếu số thứ tự 20. Buổi chiều nay tôi có ca dạy nên tôi đành đi về và chờ một buổi khác đến sớm hơn” – chị Dung cho hay.
Chị Nguyễn Lan Chi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã đến đây lần thứ hai để đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm nhưng chỉ lấy được phiếu số thứ tự, không đến lượt được tiếp nhận hồ sơ, phải bỏ về.
“Tôi vừa lấy phiếu số thứ tự 32 thì được biết họ chỉ nhận giải quyết đến người xếp số 20. Mọi người xung quanh đều nói chiều đến sớm sẽ phải lấy lại số thứ tự. Đây là lần thứ hai tôi đến bộ phận một cửa của UBND quận Nam Từ Liêm nhưng vẫn chưa được làm thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm.
Tôi là giáo viên trường tư thục nên có lẽ các giấy tờ, thủ tục sẽ bớt phức tạp hơn. Trước đó, một giáo viên trường công đến đăng ký kinh doanh nhưng đã phải rút hồ sơ do không nắm rõ thông tư” – chị Chi nói.
Chị Chi chia sẻ, theo quy định, các thầy cô giảng dạy tại trường công lập không được phép quản lý hoặc điều hành hoạt động dạy thêm bên ngoài. Do đó, nếu muốn đăng ký kinh doanh, họ buộc phải nhờ người khác đứng tên mới hợp lệ.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên viên tại đây cho biết, sau ngày 14.2, khi Thông tư 29 chính thức có hiệu lực, rất đông người dân đã đến đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm.
“Nếu đến từ đầu giờ sáng, người dân sẽ không phải chờ đợi quá lâu. Tuy nhiên, khung giờ các giáo viên tập trung đông nhất là 10 – 11 giờ. Số lượng giáo viên, gia sư dồn về một khoảng thời gian quá đông nên bộ phận một cửa không thể tiếp nhận hết hồ sơ” – chuyên viên tại quầy chia sẻ.
Thấy mệt vì….thủ tục cần nhiều giấy tờ
Là gia sư sư phạm, có nhu cầu thành lập mới hộ kinh doanh, địa điểm kinh doanh, anh Phạm Văn Tuấn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đến UBND quận Cầu Giấy kê khai, hoàn thiện giấy đề nghị hộ đăng ký kinh doanh từ ngày 10.2. Sau 1 tuần, anh Tuấn nhận được thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Đây là lần thứ hai anh Tuấn phải đến UBND quận Cầu Giấy để sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh của mình. “Vì thủ tục cần nhiều giấy tờ và các lưu ý đi kèm nên tôi phải sửa nhiều lần, dẫn đến mất nhiều thời gian khiến đơn chưa hợp lệ” – anh Tuấn chia sẻ.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Thông tư 29 có 8 điểm mới so với các quy định hiện hành. Trong đó yêu cầu tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh. Đây là lí do những ngày qua, nhiều giáo viên xếp hàng dài tại các bộ phận một cửa của UBND các quận trên địa bàn Hà Nội.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Đọc bài gốc tại đây.