Lực lượng an ninh Ấn Độ và Pakistan gác tại cửa khẩu biên giới Attari – Wagha. Ảnh: ANI
Quan hệ Ấn Độ – Pakistan, hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, từ lâu đã lâm vào trạng thái bế tắc. Dù duy trì được một lệnh ngừng bắn mong manh, hai bên vẫn kẹt trong vòng xoáy căng thẳng, thiếu lòng tin và đối đầu trên nhiều mặt trận.
Ba “nút thắt” chính – tranh chấp Kashmir, chia sẻ tài nguyên nước, và hợp tác chống khủng bố – là những rào cản lớn nhất ngăn cản hai nước trở lại bàn đàm phán. Nhưng đồng thời, chính các nút thắt này cũng có thể trở thành điểm khởi đầu cho một lộ trình tháo gỡ, nếu được xử lý một cách khéo léo, có phối hợp, và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng khu vực và quốc tế.
Kashmir, biểu tượng của mọi tranh chấp, vẫn là tâm điểm xung đột suốt hàng thập niên. Với Ấn Độ, đây là vấn đề nội bộ, không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Với Pakistan, giải pháp phải dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), bảo đảm quyền tự quyết cho người dân Kashmir.
Nhà phân tích chính trị và chiến lược thuộc Trung tâm Nam Á tại Hội đồng Đại Tây Dương Shuja Nawaz nhấn mạnh: “Tiếng nói của người Kashmir cần được đưa vào trung tâm các cuộc đàm phán. Nếu không có sự đồng thuận từ họ, mọi giải pháp đều chỉ là hình thức”.
Trong khi đó, Elizabeth Threlkeld, Giám đốc Chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, bổ sung: “Kashmir là một vấn đề phức tạp vượt khỏi phạm vi song phương, với nhiều yếu tố địa chính trị và lịch sử đan xen. Việc các bên có yêu sách lãnh thổ và lợi ích chiến lược khác nhau khiến mọi nỗ lực hòa giải càng trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận tổng thể, thận trọng và lâu dài”.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Farzana Shaikh tới từ Viện Chatham House nhận định: “Vấn đề Kashmir không chỉ nằm ở ranh giới, mà còn phản ánh những chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội hai nước, từ chính trị, tôn giáo cho đến vấn đề dân tộc. Mọi giải pháp bền vững sẽ đòi hỏi không chỉ đàm phán giữa chính phủ hai bên, mà còn cả sự đồng thuận nội bộ và sự tham gia của các bên liên quan trong nước”.
Hiệp ước sông Indus năm 1960, từng được coi là biểu tượng của ngoại giao nước, nay lại trở thành nguồn căng thẳng mới. Sau vụ tấn công Pahalgam, Ấn Độ đơn phương đình chỉ hiệp ước, khiến Pakistan phản đối kịch liệt, cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế.
Chuyên gia Elizabeth Threlkeld cảnh báo: “Mặc dù hiện tại Ấn Độ thiếu hạ tầng để kiểm soát dòng chảy một cách đáng kể, nhưng điều này có thể sớm thay đổi. Và khi nguồn nước tự nhiên giảm đi, nguy cơ thao túng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn”. Biến đổi khí hậu càng làm mọi thứ thêm khó khăn.
Nhà phân tích Shuja Nawaz nhấn mạnh: “Các sông băng Himalaya đang tan chảy với tốc độ báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nước của cả hai nước. Đây không còn là vấn đề song phương, mà là một thách thức toàn cầu đòi hỏi sự can thiệp của quốc tế”.
Trên mặt trận an ninh, hợp tác chống khủng bố gần như tê liệt vì sự thiếu lòng tin. Ấn Độ cáo buộc Pakistan dung dưỡng các nhóm khủng bố xuyên biên giới, trong khi Islamabad phủ nhận và thậm chí yêu cầu điều tra độc lập.
Giám đốc Viện SOAS Nam Á Subir Sinha nhận định: “Ấn Độ tin rằng, họ đã cung cấp đủ hồ sơ; Pakistan lại cho rằng bằng chứng ấy không đủ thuyết phục. Sự thiếu vắng một cơ chế xác minh chung đã biến mọi nỗ lực thành bế tắc”.
Trước thực trạng ấy, các chuyên gia quốc tế đề xuất lộ trình tháo gỡ dựa trên ba tầng: song phương, khu vực và quốc tế. Ở tầng song phương, việc duy trì đối thoại cấp cao, tái kích hoạt Ủy ban Thủy lợi chung, mở rộng hợp tác thủy văn, và thành lập nhóm điều tra chống khủng bố chung được coi là các bước đi then chốt.
Nhà phân tích Shuja Nawaz khuyến nghị: “Hai bên cần ngừng biến các hiệp định thành công cụ chính trị và thay vào đó coi chúng là nền tảng xây dựng lòng tin”.
Trên bình diện khu vực, vai trò của Trung Quốc và Nga trở nên nổi bật. Bắc Kinh, với lợi ích ở Aksai Chin và quan hệ đồng minh với Pakistan, có thể dùng ảnh hưởng để khuyến khích Islamabad kiềm chế. Moscow, duy trì quan hệ thân thiện với cả hai bên, có thể làm trung gian cho các cuộc đàm phán ngoại giao. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nơi cả Ấn Độ và Pakistan đều là thành viên, được đánh giá là “diễn đàn mềm” giúp hai nước duy trì tiếp xúc không chính thức, giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm.
Trên bình diện quốc tế, vai trò của LHQ và Mỹ là không thể thiếu. Tổng Thư ký LHQ đã nhiều lần kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao hòa bình. Các cơ quan LHQ như UNESCO, WHO, UNDP có thể cung cấp viện trợ kỹ thuật cho các dự án quản lý nước, cảnh báo lũ, thích ứng biến đổi khí hậu. Mỹ, từng đóng vai trò trung gian của Hiệp ước Indus, có thể khởi xướng các sáng kiến hòa bình, đồng thời sử dụng đòn bẩy viện trợ kinh tế, quốc phòng, hỗ trợ phát triển để thúc đẩy hai bên hợp tác.
Chuyên gia Elizabeth Threlkeld Threlkeld nhấn mạnh: “Đây không chỉ là chuyện của hai nước. Một cuộc khủng hoảng ở Nam Á có thể gây tác động dây chuyền toàn cầu, từ an ninh năng lượng, dòng vốn đầu tư, cho đến xu thế liên minh địa chính trị”.
Ngoài ra, các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Khí hậu Xanh có thể góp phần hiện thực hóa các dự án chống hạn hán, kiểm soát lũ, thích ứng khí hậu – những lĩnh vực mà cả hai nước đều không thể tự xử lý. Các tổ chức phòng chống khủng bố quốc tế như Interpol, Ủy ban chống khủng bố của LHQ có thể đóng vai trò tư vấn kỹ thuật, giúp hai nước xác minh danh sách phần tử khủng bố, truy vết dòng tiền tài trợ khủng bố, nâng cao năng lực điều tra.
Theo nhiều nhà quan sát, xung đột Ấn Độ – Pakistan không thể nhìn đơn giản như một cuộc cạnh tranh quyền lực khu vực. Nó là phép thử của lòng tin chiến lược, là “tấm gương soi” cho cả cộng đồng quốc tế về khả năng tháo gỡ mâu thuẫn lâu dài thông qua đối thoại. Nếu hai quốc gia hạt nhân này có thể dần hòa giải, nó sẽ trở thành hình mẫu quan trọng cho các điểm nóng khác trên thế giới.
Chuyên gia Farzana Shaikh nhận định: “Không ai mong đợi một hiệp định hòa bình ngay lập tức, nhưng việc tái lập các kênh đối thoại, duy trì các biện pháp xây dựng lòng tin, và từng bước hợp tác ở những lĩnh vực phi nhạy cảm có thể tạo ra hiệu ứng domino tích cực”.
Ngoài ra, giới phân tích cảnh báo rằng nếu không hành động sớm, các thách thức toàn cầu – từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng nước, khủng bố xuyên biên giới – sẽ nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát, không chỉ đối với Nam Á mà còn đối với an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Bài học rút ra là: trong một thế giới ràng buộc lẫn nhau, không có tranh chấp nào là “riêng” hay “đóng kín” mãi mãi
Nhìn về Nam Á, điều đọng lại không chỉ là một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai quốc gia, mà là một câu hỏi lớn hơn: liệu thế giới có thể học cách tháo gỡ các xung đột lâu đời bằng ngoại giao, kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn?
Quan hệ Ấn Độ – Pakistan, xét cho cùng, không phải câu chuyện riêng của New Delhi hay Islamabad, mà là một mảnh ghép của bức tranh toàn cầu. Giải pháp cho những nút thắt ở Nam Á cũng chính là bài học cho cả nhân loại: không có hòa bình nào bền vững nếu thiếu đối thoại, không có ổn định nào thật sự nếu thiếu niềm tin. Và quan trọng nhất, không có giải pháp nào thành công nếu chỉ dựa vào một phía, mà không có nỗ lực chung từ tất cả các bên liên quan.