Bắt giữ một đối tượng lừa đảo mua bán dụng cụ Pickleball.
Trong vài năm trở lại đây, Pickleball – môn thể thao kết hợp giữa quần vợt, bóng bàn và cầu lông – đã trở thành cơn sốt trong giới trẻ và người trung niên. Ban đầu, nó được ca ngợi là môn thể thao lành mạnh, dễ chơi và phù hợp với nhiều độ tuổi. Tuy nhiên, khi trào lưu này bùng nổ tại Việt Nam, các hệ lụy tiêu cực bắt đầu xuất hiện, từ việc khoe mẽ trên mạng xã hội đến việc “xẻ thịt” đất nông nghiệp, đất dự án làm sân chơi, thậm chí còn bị nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo.
“Xẻ thịt” đất nông nghiệp, đất dự án làm sân chơi
Pickleball thịnh hành ở Mỹ từ lâu, xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2018 nhưng đến nay trào lưu này mới nở rộ. Được mô tả là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi, dễ tiếp cận, Pickleball là sự kết hợp của bóng bàn, tennis và cầu lông và không yêu cầu không gian quá lớn. Nhiều người cho rằng đây là bộ môn thể thao nhẹ nhàng, không mất nhiều sức nhưng vẫn có thể giúp người chơi đốt cháy calo, rèn luyện thân thể. Không thể phủ nhận lợi ích về sức khỏe và tinh thần, thế nhưng trên thực tế, Pickleball đang là bộ môn gây ra nhiều hệ lụy nhất.
Cùng với sự phổ biến của Pickleball, nhu cầu về sân chơi cũng tăng vọt. Một số cá nhân và tổ chức đã nhanh chóng tận dụng cơn sốt này để xây dựng sân bãi. Tuy nhiên, thay vì tuân thủ quy hoạch, không ít sân chơi được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất dự án, gây xáo trộn đời sống cộng đồng. Tại một số địa phương, người dân phản ánh việc đất trồng trọt, đất dự án bỏ không bao năm bị “xẻ thịt” để làm sân Pickleball gây bức xúc dư luận.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá cho thuê sân từ 100.000 đồng – 300.000 đồng mỗi giờ tùy thuộc vào sân trong nhà hay ngoài trời và tùy từng khung giờ. Việc cho thuê sân Pickleball thu được nguồn lợi lớn, thế nhưng với những sân Pickleball mọc trên đất nông nghiệp hay đất dự án khiến dư luận đặt câu hỏi, nguồn lợi chảy về túi ai.
Đơn cử như ở Cầu Giấy, sau nhiều năm bỏ trống, không được triển khai xây dựng dự án, hiện nay lô đất C/D13 thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được sử dụng làm trung tâm Pickleball. Lô đất C/D13 có diện tích hơn 7.200m2, có mặt tiền nằm trên mặt đường Thành Thái, kéo từ đường Trương Công Giai đến đường Khúc Thừa Dụ, mặt sau là ngõ 102 đường Khúc Thừa Dụ.
Lô đất này được giới thiệu là nơi triển khai dự án chung cư Five Star Residence Cầu Giấy, do Công ty CP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (Công ty CIRI) thuộc Tập đoàn GFS làm chủ đầu tư. Nhiều năm qua, lô đất C/D13 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn là bãi đất trống, chưa có dấu vết xây dựng triển khai dự án, cổng vào đóng kín, xung quanh được rào kín tôn, đồng thời có hệ thống camera giám sát dày đặc bảo vệ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một phần lô đất phía đường Trương Công Giai đang được sử dụng làm sân Pickleball với đầy đủ trang thiết bị. Trước đó, từ tháng 8/2024 thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Quý Hải, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết phía bên chủ đầu tư đã nghiêm túc tháo dỡ và dừng hoạt động. Tuy nhiên ghi nhận của phóng viên ANTG, tối 10/12/2024, 8 sân Pickleball vẫn hoạt động hết công suất.
Liên hệ với ông Nguyễn Quý Hải, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng, phóng viên không nhận được câu trả lời. Ngay sau khi phóng viên ANTG phản ánh tới UBND phường thì sân Pickleball này thận trọng hơn. Cửa thường để hé, có người canh chừng, chỉ mở khi có xe ôtô và người chơi ra vào. Trên hội nhóm “Pickleball Hà Nội”, nhiều thành viên vẫn rao cho thuê sân này, hoặc tìm người chơi cùng trong khung giờ cố định.
Một lô đất khác tại ngõ 4 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội cũng được tận dụng làm sân Pickleball. Theo quản lý sân này, giá thuê sân ban ngày sẽ là 100.000 đồng/giờ, từ 5h chiều đến tối lên đến 180.000 đồng/1 giờ và đã kín lịch khung giờ buổi tối.
Tương tự trên địa bàn phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, loạt sân Pickleball “mọc như nấm sau mưa” trên đất dự án. Tại cuối ngõ 182 Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1 cũng xuất hiện tổ hợp sân tennis cùng pickleball với hàng chục sân được xây dựng và đưa vào hoạt động công khai. Hay nhiều diện tích đất do Công ty Cổ phần Dược Trung ương Mediplantex quản lý, sử dụng thuộc phường Mỹ Đình 1 đã biến thành tổ hợp sân Pickleball, sân bóng đá cỏ nhân tạo.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ ban hành các quyết định thanh tra đất đai, xây dựng tại Hà Nội, Hải Phòng. Nội dung thanh tra chủ yếu tập trung vào việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng tại 2 địa phương này. Theo Quyết định, Đoàn thanh tra với 15 thành viên đến từ các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn một số quận, huyện thuộc Thành phố Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ; Quy hoạch và quản lý, sử dụng đất 20% làm nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Đáng chú ý, trong đó thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với lô đất C/D13 thuộc Khu đô thị mới cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Không hiểu vì sao, lô đất này vẫn tồn tại tình trạng làm sân Pickleball nhiều tháng liền dù báo chí đã phản ánh.
Trước “cơn bão Pickleball”, nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức tháo dỡ những công trình trái phép này. Điển hình là huyện Thanh Trì khi ngày 11/11/2024, tại hội nghị rà soát, xử lý vi phạm san lấp, đổ thải, vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Tân Triều, Thanh Liệt, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Toàn đã giao UBND hai xã trên khẩn trương giải quyết dứt điểm các vi phạm, yêu cầu hoàn trả mặt bằng, khôi phục lại hiện trạng của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích làm sân luyện tập Pickleball trên địa bàn.
Tương tự như UBND quận Nam Từ Liêm cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với một trường hợp người dân tự ý san lấp khu đất nông nghiệp rộng hàng trăm mét vuông tại khu vực Tổ dân phố số 15 Tân Mỹ phường Mỹ Đình 1, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm. Theo một cán bộ UBND phường Mỹ Đình 1, hiện cá nhân này đã nộp phạt và phường cũng đang đôn đốc tháo dỡ hệ thống khung cột thép đã dựng trước đó.
Mảnh đất màu mỡ cho tội phạm lừa đảo
Cơn sốt Pickleball cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động lừa đảo. Các trang mạng xã hội ngập tràn những lời quảng cáo mua dụng cụ chơi với giá rẻ bất ngờ, nhưng thực chất lại là hàng kém chất lượng hoặc không giao hàng. Một số nơi còn lợi dụng danh nghĩa tổ chức đào tạo các khóa học Pickleball lừa tiền rồi biến mất.
Mới đây, Công an Hà Nội đã phát đi khuyến cáo người dân cảnh giác khi đăng ký tham gia các lớp học Pickleball được quảng cáo trên mạng xã hội. Theo cơ quan Công an, thời gian gần đây, cùng với sự nổi lên của bộ môn thể thao Pickleball, trên mạng xã hội cũng xuất hiện các tài khoản Facebook giả mạo “Liên đoàn Pickleball Việt Nam” đăng tải quảng cáo các trung tâm dạy chơi môn thể thao này nhằm lôi kéo người tham gia.
Khi người dân đăng ký tham gia khóa học, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng tải ứng dụng Telegram để được các “chuyên viên” hướng dẫn làm một số nhiệm vụ xác nhận đồ dùng thể thao và giảm học phí. Sau một số nhiệm vụ có giá trị thấp, khách hàng được hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ có giá trị cao. Lúc này, các đối tượng lấy nhiều lý do sai cú pháp, bị hại cần thực hiện lại nhiều lần hoặc chuyển tiền để được rút hết số tiền đã chuyển.
Khi số tiền chuyển vào lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, các đối tượng sẽ ngắt kết nối, xóa nhóm trò chuyện. Với chiêu trò này, các đối tượng đã lừa đảo được một người phụ nữ ở Hà Nội số tiền lên đến 400 triệu đồng.
Trước đó, Công an thị xã Điện Bàn, Quảng Nam cũng đã bắt giữ đối tượng Lê Văn Hoàng Vũ (18 tuổi, trú thị xã Điện Bàn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, Vũ đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook và Zalo như “Vũ Lê”, “Thiên Tôn Smash”, “Lê Bá Tôn” để đăng bài trên các nhóm giao lưu, trao đổi hoặc sửa chữa vợt thể thao (Pickleball và cầu lông). Vũ giả vờ sở hữu các mẫu vợt cao cấp (thực tế không có) và đăng tin trao đổi vợt với những người khác.
Sau khi đạt được thỏa thuận, Vũ cung cấp địa chỉ nhận hàng, nhận vợt từ nạn nhân nhưng không gửi lại vợt như đã cam kết. Để tạo lòng tin, Vũ còn tạo các hóa đơn vận chuyển giả nhằm đánh lừa nạn nhân rằng mình đã gửi hàng, sau khi chiếm đoạt được các cây vợt, Vũ bán lại trên các nền tảng mạng xã hội, thu lợi bất chính.
Cũng từ cơn sốt Pickleball, các sản phẩm như vợt, bóng Pickleball nhập lậu từ Trung Quốc cũng tràn lan trên thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dùng. Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra đồng loạt 4 cơ sở kinh doanh dụng cụ thể thao trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với cả 4 cơ sở, tạm giữ tổng cộng 103 cây vợt Pickleball và 100 quả bóng Pickleball không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 100 triệu đồng.
Cuối tháng 10/2024, Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng phối hợp với Công an tỉnh tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh shop Pickleball, địa chỉ khu 2A, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, phát hiện và tạm giữ 3.337 chiếc vợt, bóng và dụng cụ Pickleball nhập lậu. Bên cạnh đó có 393 chiếc vợt, bóng, túi đựng vợt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Shop này thường bán hàng online qua tài khoản Facebook “Shop Pickleball – Hạ Long”. Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện Hộ kinh doanh Shop Pickleball không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Pickleball, nếu được quản lý và phát triển đúng cách, sẽ trở thành một môn thể thao bổ ích và phổ biến. Để tránh những hệ lụy tiêu cực, cần có các biện pháp cụ thể. Thứ nhất, cần tăng cường quản lý quy hoạch đất đai, chính quyền địa phương cần giám sát việc xây dựng sân chơi, tránh lấn chiếm đất nông nghiệp. Theo đó Chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã nêu rõ: Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định. Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục”.
Thứ 2, đẩy mạnh giáo dục thể thao thay vì chạy theo trào lưu, cần nâng cao nhận thức về giá trị thể thao thực sự của Pickleball. Thứ 3, kiểm soát thị trường, cần có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo và buôn lậu liên quan đến dụng cụ Pickleball.