Kinh tế địa phương khởi sắc từ mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc

adminTháng 5 5, 2025
2 lượt xem

Đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi thông xe tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển giữa các tỉnh miền Trung và cả nước.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã kết thúc. Theo đánh giá từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, năm nay tình hình trật tự ATGT đã được cải thiện. Tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng ùn tắc tại nhiều địa phương cũng đã được kiềm chế.

Có được tín hiệu vui  này, một phần là nhờ sự khẩn trương hoàn thiện các tuyến đường cao tốc, giúp người dân lưu thông được thông thoáng, an toàn hơn.

Nhiều nơi làm việc xuyên lễ vì cao tốc

Trước khi nghỉ lễ, Bộ Xây dựng đã đưa 5 dự án giao thông trọng điểm với tổng chiều dài 278km vào khánh thành, thông xe nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo đó, có 4 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông (giai đoạn 2021-2025) và 1 dự án đường bộ cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Như vậy, tính đến nay, trên toàn quốc có 2.249km đường cao tốc được hoàn thành. Dự kiến thông xe dịp 30/9 năm nay sẽ thêm khoảng 278km, nâng tổng số lên khoảng 2.527km. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, nếu đúng tiến độ, mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước có hơn 3.000km đường cao tốc hiện hữu trong tầm tay.

Với tâm thế khẩn trương, cùng chạy đua với thời gian sớm đưa công trình về đích, trong dịp lễ vừa qua, trên nhiều công trình giao thông trọng điểm, cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc xuyên lễ. Ông Trần Văn Chuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng cho hay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, đơn vị thi công đã tổ chức 182 mũi thi công, huy động 2.000 kỹ sư, nhân công và hơn 1.000 thiết bị. Với quyết tâm cao độ, các nhà thầu đang bứt tốc tiến tới các mục tiêu thông tuyến lớp bê tông nhựa cuối năm 2025, khối lượng công việc còn nhiều nên cán bộ, người lao động xác định bám trụ công trường, làm việc xuyên lễ, tập trung tối đa nguồn lực để thi công nhằm đáp ứng tiến độ thông tuyến dự án vào cuối năm nay.

Tương tự, ông Lê Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn xây dựng Miền Trung cho hay,  đơn vị đã duy trì trên tất cả các công trường gần 500 cán bộ kỹ sư, kỹ thuật, lái máy và nhân công cùng 300 đầu máy, thiết bị tại Dự án cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong, Gói thầu 9-XL, Dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu để triển khai thi công xuyên lễ với quyết tâm cao nhất nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ, công trình đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, đưa dự án về đích đúng hẹn.

Ông Hải chia sẻ thêm: “Các hạng mục thi công trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 gồm đẩy nhanh công tác thi công nền đường, đắp đất gia tải phạm vi xử lý nền đất yếu; bản mặt cầu, hầm chui dân sinh, đúc cấu kiện giải phân cách… Ước tính giá trị hoàn thành trong thời gian nghỉ lễ của các dự án khoảng rơi vào khoảng 30 tỷ đồng,”. Bên cạnh đó, với số lượng thiết bị và công nhân được huy động 100% quân số, đáp ứng tiến độ yêu cầu thi công của dự án và tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết mùa khô năm nay, lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 cho biết người lao động thi công xuyên lễ sẽ được hưởng đãi ngộ chế độ tính lương 300% so với lương ngày thường theo Luật Lao động hiện hành.

Đường mở lối cho kinh tế địa phương khởi sắc

Nhìn lại 4 năm qua, nhiều tuyến cao tốc Bắc – Nam vượt sông hồ, xuyên núi, xuyên rừng, đi qua những vùng đất hoang sơ được khánh thành đưa vào khai thác, mở không gian phát triển đô thị mới, làm thay đổi nhiều vùng đất. Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), giai đoạn 2001-2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc.

Trong giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết đại hội Đảng XI, được cụ thể hóa tại Nghị quyết 13-NQ/TW xác định hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, là điểm nghẽn của quá trình phát triển; đồng thời xác định đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Giai đoạn này đã đưa vào khai thác thêm 1.074km, nâng tổng số chiều dài đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163km.

Theo Cục Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, dự kiến trong năm 2025, có khoảng 1.188km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án/dự án thành phần sẽ hoàn thành, gồm 17 dự án (tổng chiều dài 889km) do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, 11 dự án (299km) do địa phương làm cơ quan chủ quản. Riêng tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, theo quy hoạch, tuyến có tổng chiều dài 2.055km (chiếm 22% tổng chiều dài mạng lưới cao tốc). Điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại thành phố Cà Mau, quy mô từ 6 đến 12 làn xe.

Đến nay, toàn tuyến đã đưa vào khai thác 1.206km, đang thi công 834km (hoàn thành năm 2025, trừ đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43km). Trong đó, dự án đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần chiều dài 654km, quy mô 2-6 làn xe, đã hoàn thành toàn bộ và đưa vào khai thác. Riêng đoạn Cao Bồ-Mai Sơn đang được mở rộng từ 4 lên 6 làn xe (hoàn thành năm 2026), đoạn Cam Lộ-La Sơn đang được mở rộng từ 2 lên 4 làn xe hoàn chỉnh (hoàn thành năm 2026). Dự án đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 gồm 12 dự án thành phần, dài 721km, quy mô 4 làn xe hạn chế, đang triển khai thi công, hoàn thành năm 2025.

Năm 2025 hứa hẹn ghi dấu mốc quan trọng cho ngành giao thông với mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc. Những cung đường cao tốc xuyên núi, xuyên rừng, dọc bờ biển hay băng qua những vùng đất khô cằn của đất nước đang dần hiện ra, nối liền một dải Nam – Bắc, nối cả niềm tin và khát vọng của người dân Việt Nam từ mũi Cà Mau tới địa đầu phía Bắc của Tổ quốc.

Hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian qua, các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư, mở rộng đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường. Đường bộ cao tốc mở ra đến đâu tạo không gian phát triển kinh tế-xã hội đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả; rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải; tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *