Kỳ 2: Công nghệ, dữ liệu – cầu nối cho khát vọng đoàn tụ

adminTháng 4 15, 2025
4 lượt xem

Công tác thu thập mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ chưa tìm được phần mộ được triển khai nhanh chóng, chặt chẽ, chính xác với sự hỗ trợ của dữ liệu, công nghệ.

Những ngày này, Công an tỉnh Hà Nam đang âm thầm nhưng gấp gáp chạy đua bước vào hành trình thu thập dữ liệu ADN với trái tim tri ân và tinh thần “vì nhân dân phục vụ”…

Trong đôi mắt những cán bộ Công an xã ngày ngày đi thu mẫu ADN, là ánh nhìn chan chứa hy vọng của biết bao thân nhân các gia đình liệt sĩ. Trong từng dòng dữ liệu được nhập vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là cả một kho ký ức đang chờ được đánh thức. Dữ liệu tưởng chừng chỉ là những dãy số vô tri bỗng hóa thành nhịp cầu nối liền cho khát vọng đoàn tụ, để những người mẹ, người vợ, người con… sau bao năm đợi chờ, có thể thì thầm gọi đúng tên người thân yêu của mình.

Dữ liệu – tiếng nói kết nối quá khứ và hiện tại

Chiến tranh đã đi qua nửa thế kỷ, nhưng có những điều không thể bị xóa nhòa bởi thời gian. Ở mảnh đất đẹp như tranh vẽ như Hà Nam với nhiều khu công nghiệp, đô thị sầm uất đang phát triển mạnh mẽ, nơi những cánh đồng vẫn xanh theo mùa, nơi từng dòng sông vẫn lặng lẽ trôi qua năm tháng, những nỗi đau của một thời khói lửa vẫn lặng thầm sống cùng ký ức của hàng nghìn gia đình. Những bia mộ liệt sĩ khắc dòng chữ “Chưa biết tên” vẫn hiện diện nơi nghĩa trang quê nhà, như một dấu lặng đầy day dứt giữa bản hùng ca chưa khép.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đánh giá, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, liên quan đến nhiều bộ, ngành, đơn vị. Để hành trình ý nghĩa này đơm hoa thơm trái ngọt ngoài sự nỗ lực cố gắng của các cấp chính quyền, ban, bộ, ngành, lực lượng Công an, còn cần sự chung tay, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tạo thêm nguồn lực bởi chi phí cho công tác thu thập, giám định ADN rất lớn. Nếu chúng ta không làm sớm, làm nhanh thì khi thân nhân của các anh hùng liệt sĩ mất đi, chúng ta không còn nguồn ADN để so sánh. Càng làm nhanh thì chúng ta càng có nhiều cơ hội để tìm được mộ các liệt sĩ. Những người mẹ, người cha, người thân của các liệt sĩ không có gì mong mỏi hơn là trước khi mất đi đều nguyện vọng tha thiết nhất xác định được danh tính, đưa được hài cốt của người thân mình về với đất mẹ.

Giữa thời đại của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, hành trình đi tìm tên cho những người đã khuất không còn dừng lại ở ký ức hay niềm tin. Nó đang được nối dài bằng những tiến bộ khoa học, bằng dữ liệu gen, bằng sự kết nối giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu và hơn cả, bằng một khát vọng đoàn tụ sâu thẳm, thiêng liêng từ hàng nghìn con người. Trong đôi mắt những cán bộ Công an xã ngày ngày đi thu mẫu ADN, là ánh nhìn chan chứa hy vọng. Trong từng dòng dữ liệu được nhập vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là cả một kho ký ức đang chờ được đánh thức, là nhịp cầu nối liền giữa hai thế giới, để những người mẹ, người vợ, người con… sau bao năm đợi chờ, có thể thì thầm gọi đúng tên người thân yêu của mình.

Thắp nén nhang thơm, đặt những bông hoa trên ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên tại Nghĩa trang TP Phủ Lý, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đứng lặng người, xúc động, tâm sự, “Việc xác minh danh tính liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà là một lời hứa với lịch sử. Mỗi cái tên tìm lại được, là một nén nhang thắp sáng cho đạo lý uống nước nhớ nguồn, dẫn lối cho tương lai”. Hành trình ấy, hành trình từ dữ liệu đến tình người giờ đây không còn là một nỗ lực riêng lẻ. Đó là sự đồng lòng từ Trung ương đến địa phương, là quyết tâm của Bộ Công an, là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam và trên hết, là sự đồng hành, tin tưởng của nhân dân cũng như nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân quê nhà. Những con người bình dị, sống ở những vùng quê yên ả, nay lại trở thành những nhân chứng của một công cuộc nhân văn chưa từng có tiền lệ: trả lại tên cho những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc, bằng trái tim, công nghệ và lòng biết ơn không bao giờ vơi cạn.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Trong lòng những người lính Công an thời bình, dữ liệu không còn là một khái niệm kỹ thuật, nó trở thành trách nhiệm, là lời hứa với quá khứ và là khát vọng đoàn tụ của hiện tại. Nền tảng cho hành trình đặc biệt này chính là Đề án 06 của Chính phủ, điểm sáng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó Bộ Công an được giao trọng trách chủ trì xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Tại trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam, ánh đèn làm việc vẫn sáng xuyên đêm. Những cán bộ kỹ thuật ngồi trước màn hình, cặm cụi rà soát từng dòng dữ liệu, từ nơi thường trú xưa cũ, giấy khai sinh cách đây hơn nửa thế kỷ, đến những mối quan hệ huyết thống còn sót lại trong hệ thống. Có những cái tên gần như đã mờ dần trong trí nhớ gia đình, nhưng giờ đây lại hiện lên rõ nét, mở ra những tia hy vọng bất ngờ.

Thượng tá Trịnh Minh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam, chia sẻ trong một phút lặng người giữa guồng quay của công việc: “Từ một cái tên, một địa chỉ đã cũ, hệ thống có thể truy vết mối quan hệ cha – con, ông – cháu, tìm ra được người thân còn sống. Nhờ đó, việc lấy mẫu ADN không còn diễn ra rời rạc như trước, mà đi vào đúng người, đúng nơi, đúng thời điểm. Tuy nhiên, việc lấy mẫu ADN cũng rất vất vả, đòi hỏi  phải chính xác tuyệt đối, bởi không ít gia đình thân nhân liệt sĩ hiện nay không ở tại quê nhà, họ đi làm ăn xa hoặc nhiều thân nhân hiện tuổi đời cao, sức khỏe yếu, bất kể lúc nào cũng có thể rời xa chúng ta”.

Kỳ 2: Công nghệ, dữ liệu - cầu nối cho khát vọng đoàn tụ -0
Công tác thu thập mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ chưa tìm được phần mộ được triển khai nhanh chóng, chặt chẽ, chính xác với sự hỗ trợ của dữ liệu, công nghệ.

Trung tá Nguyễn Thị Lệ Thúy, Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam tâm sự: Có thể với người ngoài cuộc, đó chỉ là một thao tác tra cứu. Nhưng với những gia đình đã chờ đợi mấy chục năm để có một câu trả lời thì mỗi thông tin, mỗi cuộc gọi, mỗi mẫu máu được lấy về, là cả một hồi hộp vỡ òa. Nó là cơ hội cuối cùng để tìm lại người thân. Là ngọn gió thổi bừng hy vọng cho những trái tim đã héo mòn vì đợi chờ. Công nghệ, khi được vận dụng đúng, không chỉ giúp quản lý hiệu quả. Nó trở thành người bạn đồng hành của lòng trắc ẩn, của khát vọng hồi sinh ký ức. Nó giúp lực lượng Công an rút ngắn thời gian, tránh sai sót, tăng độ chính xác, và quan trọng hơn hết xây chắc niềm tin, phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

Những tiếng nói đồng hành giữa kỷ nguyên số

Những ngày này, Thiếu úy Lương Văn Toàn và Thiếu Nguyễn Thanh Bình, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam cùng cán bộ Công an xã đi về các xóm nghèo, vào từng ngõ nhỏ để lấy mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ, luôn mang theo mình danh sách được trích xuất từ Cơ sở dữ liệu dân cư nơi lưu giữ đầy đủ thông tin của từng hộ, từng nhân khẩu. Mỗi dòng tên được đọc lên, mỗi năm sinh được xác thực lại, đều là một bước tiến gần hơn tới sự thật. Mỗi mẫu ADN được thu về, là thêm một chìa khóa mở cánh cửa hy vọng cho những cuộc đoàn tụ bị ngắt quãng bởi chiến tranh.

Ở Hà Nam, dữ liệu không chỉ quản lý con người mà là phụng sự con người. Và ở đâu đó, giữa những hàng bia đá lạnh lùng ở nghĩa trang liệt sĩ, có lẽ những người lính năm xưa cũng đang lặng lẽ mỉm cười bởi giờ đây, thế hệ hậu sinh đã biết cách để gọi họ về bằng chính cái tên thiêng liêng mà họ từng mang trong cuộc đời… Chính tinh thần ấy đã được hun đúc trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị một định hướng lớn về hiện đại hóa lực lượng Công an về chuyển đổi số vì nhân dân phục vụ. Và từ những văn bản tưởng chừng khô khan, một cánh cửa đã mở ra nơi dữ liệu trở thành ngôn ngữ của lòng nhân, kết nối giữa hôm nay và quá khứ, giữa người sống và người đã khuất.

Nhờ nền tảng số của Đề án 06 và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng và chỉ đạo, hàng vạn mảnh ghép thông tin từng rời rạc từ sổ hộ tịch, lịch sử cư trú đến những tờ khai cũ kỹ lưu truyền qua nhiều thế hệ nay được số hóa, rà soát, liên kết lại thành một hệ sinh thái dữ liệu liền mạch. Từ đó, mở ra cánh cửa để xác minh danh tính liệt sĩ bằng công nghệ ADN một hành trình vừa lặng lẽ, vừa thiêng liêng. Trên hành trình ấy, người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị đồng hành cùng lực lượng Công an để sớm tìm lại danh tính cho các liệt sĩ.

Là một doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực và có uy tín, trách nhiệm cao, Công ty Hà Phương trong những năm qua là “mẹ đỡ” cho hàng chục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, là người khách thân thương, quen thuộc với những gói quà nặng lòng tri ân của nhiều gia đình thân nhân các anh hùng liệt sĩ mỗi dịp Tết đến xuân về, hay các ngày lễ kỷ niệm lớn.

Trong tâm trạng xúc động, bà Phạm Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hà Phương đánh giá, hành trình này không chỉ là một phần trong chương trình chuyển đổi số. Nó còn là một hành trình đạo lý, nơi cán bộ Công an trở thành nhịp cầu của quá khứ và hiện tại, mang theo trong tim mình không chỉ nhiệm vụ, mà còn là sự biết ơn. Chúng tôi hay bất cứ người dân nào được sống trong hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay đều nhận thức được trách nhiệm của mình đóng góp với cộng đồng, tri ân trước những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong hành trình này, đặc biệt khi cả đất nước chúng ta đang kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất non sông.

Cũng giống như Công ty Hà Phương, là doanh nghiệp góp phần đồng hành cùng các đoàn công tác đi thu thập mẫu ADN thân nhân các anh hùng liệt sĩ quê nhà, trong tâm trạng xúc động và niềm tự hào những ngày tháng Tư lịch sử này, ông Đoàn Quý Anh, Giám đốc Công ty Vina 68 tâm sự: Truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây tốt đẹp của dân tộc ta đang được tỏa nắng, nở hoa bằng hành trình thu thập dữ liệu ADN của Công an tỉnh Hà Nam. Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, không chỉ chúng tôi mà cộng đồng doanh nghiệp cũng xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đồng hành cùng cơ quan chức năng, chung tay góp phần sức nhỏ bé vào công cuộc tìm kiếm, xác định danh tính các anh hùng liệt sĩ quê nhà, để thực hiện một nghĩa cử đẹp đẽ nhất đi tìm “trả lại tên cho người đã ngã xuống vì Tổ quốc”.

Ở Hà Nam hôm nay, hành trình ấy vẫn tiếp diễn, thầm lặng nhưng bền bỉ. Những bước chân Công an xã vẫn bám làng, bám dân. Những cán bộ kỹ thuật vẫn miệt mài đối chiếu từng dòng hồ sơ. Lãnh đạo tỉnh vẫn dành những cuộc họp riêng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ. Tất cả không phải vì thành tích, mà vì một điều giản dị để quá khứ không bị lãng quên. Và đó cũng chính là lời hứa của những người đang sống gửi đến quá khứ: “Chúng tôi sẽ không để tên của ai bị lãng quên. Sẽ có một ngày sớm thôi, trên bia mộ từng ghi dòng chữ “Chưa biết tên”, người thân của các anh hùng liệt sĩ có thể cúi đầu thì thầm gọi đúng tên bằng tất cả yêu thương chưa bao giờ nguôi…” – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy xúc động chia sẻ. (còn nữa)

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *