Mức thưởng Tết 2025 cao nhất tại Hà Nội là 331 triệu đồng. Ảnh: CTV
Mặc dù còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn đang gặp khó khăn khiến thưởng Tết cho người lao động chưa được “xôm” nhưng đánh giá chung, thưởng Tết năm nay có nhiều tích cực.
Cận Tết, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đều đã công bố phương án thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho người lao động. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thưởng Tết Nguyên đán 2025 tăng 13% so với năm trước. Mặc dù còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn đang gặp khó khăn khiến thưởng Tết cho người lao động chưa được “xôm” nhưng đánh giá chung, thưởng Tết năm nay có nhiều tích cực.
Sau một năm vất vả làm việc, chị Nguyễn Thị Diễm My (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) phấn khởi khi vừa nhận được khoản tiền thưởng Tết năm nay là tháng lương thứ 13, cộng thêm 30 triệu tiền thưởng doanh thu. Làm việc tại một công ty luật chuyên về tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, năm nay cũng là năm chị được nhận tiền thưởng doanh thu trở lại kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra.
“Mấy năm dịch COVID-19 diễn ra, cộng thêm nửa cuối năm 2023 tình hình khó khăn nên công ty cũng chỉ túc tắc duy trì, thưởng Tết Âm lịch chỉ có 1 tháng lương cơ bản. Sang năm 2024, mọi việc đã thuận lợi hơn, doanh thu cũng tốt dần nên cuối năm bên cạnh tháng lương thứ 13, mỗi nhân viên được thưởng thêm 30 triệu tiền doanh thu. Anh chị em trong công ty ai cũng phấn khởi bởi có thêm khoản thưởng doanh thu, mỗi gia đình có thêm một khoản để chi tiêu trong dịp Tết”, chị My chia sẻ.
Trong khi đó, ở góc độ của doanh nghiệp, ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Linh Hân (đơn vị chuyên hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản) cũng phấn khởi cho hay, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty năm 2024 vượt hơn 150% kế hoạch. Chính vì thế, để động viên người lao động, công ty đã quyết định thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động với mức 2,5 tháng lương/người.
“Giai đoạn cuối năm 2023 và hết quý I/2024 quả thực là khó khăn khi thiếu đơn hàng. Chúng tôi phải cố gắng xoay xở để duy trì việc làm cho gần 2.000 lao động. Khó khăn qua đi, đơn hàng dần ổn định, người lao động có thêm việc làm, thậm chí thời gian tăng ca cũng nhiều hơn. Hiện đơn hàng chúng tôi cũng đã có đến giữa quý II/2025. Để động viên người lao động, cũng là lời cảm ơn của công ty khi người lao động đã đồng hành với công ty những giai đoạn khó khăn, công ty quyết định thưởng Tết Âm lịch năm nay là 2,5 tháng lương/người. Tiền thưởng Tết cũng đã được chuyển đến tay người lao động gần 1 tuần nay để tạo không khí vui vẻ, động lực cho anh chị em công nhân trong sản xuất”, ông Hùng cho biết.
Thưởng Tết Âm lịch năm nay có nhiều tích cực hơn so với năm trước, tuy nhiên, bên cạnh những người được thưởng Tết cao ở những đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt thì không ít người lao động có mức thưởng thấp bởi doanh nghiệp chưa hết khó khăn. Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Dương lịch 2025 bình quân là 1,46 triệu đồng/người, bằng 79% năm 2024 (1,85 triệu đồng/người).
Về thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (6,85 triệu đồng/người). Theo lý giải của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thưởng Tết Dương lịch năm 2025 thấp hơn (chỉ bằng 79% so với năm 2024) là do Tết Dương lịch năm nay gần Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung thưởng cho Tết Nguyên đán, trong đó, công ty TNHH do Nhà nước nắm 100% vốn thưởng bình quân 1,95 triệu đồng/người, doanh nghiệp dân doanh là 1,13 triệu đồng/người và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,01 triệu đồng/người. Bình quân thưởng Tết Nguyên đán ở công ty TNHH do Nhà nước nắm 100% vốn, thưởng bình quân 1,66 triệu đồng/người, doanh nghiệp dân doanh thưởng 6,76 triệu/người và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thưởng 8,24 triệu/người.
Chuyên gia lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, bức tranh thưởng Tết Âm lịch 2025 tăng 13% so với năm trước cho thấy các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, kinh doanh sau quãng thời gian bị ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đơn hàng. Trong đó, một số lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ thông tin hay lĩnh vực sản xuất như dệt may, da giày đã nhanh chóng ổn định và có sự tăng trưởng khá ấn tượng trong năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ngành vẫn gặp những khó khăn nhất định như dịch vụ, du lịch, bất động sản. Cùng với đó, một số ngành sản xuất cũng gặp phải tình trạng hàng hóa dư thừa khiến hoạt động kinh doanh chưa tốt nên mức thưởng Tết cho người lao động không cao. “Dù thế nào thì các doanh nghiệp cũng vẫn cố gắng xoay xở để có thưởng Tết cho người lao động. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đều rất quan tâm chăm lo phúc lợi cho người lao động. Đây cũng là cách để giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam đang là nơi hấp dẫn, thu hút nguồn vốn FDI lớn. Do đó, sẽ có những sự cạnh tranh trong thu hút nhân lực. Chúng ta đều thấy thời gian qua, tại không ít địa phương, đặc biệt ở các trung tâm công nghiệp phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu lao động. Có thể nói, hiện nay tình trạng khan hiếm lao động đã xảy ra và điều này đã dẫn đến cạnh tranh trong tuyển dụng lao động. Người sử dụng lao động hiện nay đang phải thực hiện tốt các chế độ phúc lợi cho người lao động để giữ chân họ. Lương thưởng cũng là một trong những động lực để người lao động làm tốt công việc”, ông Huân nhận định.