Ngoài hệ thống thu gom nước thải hai bên, sông Tô Lịch sẽ được bổ cập nước từ sông Hồng.
TP Hà Nội đang ráo riết triển khai dự án cải tạo, bổ cập nước sông Tô Lịch từ sông Hồng nhưng đề án của Hà Nội đang nhận được ý kiến nhiều chiều từ các Bộ và chuyên gia đầu ngành về thuỷ lợi cho rằng, đề án chưa khả thi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án khác
Ngày 7/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Trong văn bản gửi Thủ tướng, Hà Nội cho rằng việc sớm khôi phục dòng sông Tô Lịch là đảm bảo cảnh quan, khắc phục ô nhiễm môi trường được xác định là nhiệm vụ cấp bách của Thủ đô.
Vì vậy, UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép TP xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, và cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9/2025.
Tại hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng vùng đồng bằng sông Hồng và công bố quy hoạch Hà Nội diễn ra ngày 14/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính duyệt gấp dự án thì mới có thể triển khai, kịp đưa nước sông Hồng về sông Tô Lịch vào tháng 9/2025.
Dù vậy, cho ý kiến về phương án bổ cập nước sông Tô Lịch từ sông Hồng của Hà Nội, cả Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đều cho rằng, phương án này chưa khả thi, cần làm rõ nhiều nội dung.
Tại văn bản góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, với phương án đầu tư như đề xuất của Hà Nội thì mới chỉ bổ cập bằng lượng nước thải được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển) đang nghiên cứu phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực.
Cụ thể phương án của Viện Khoa học Thủy lợi là lấy nước khu vực thượng lưu bãi đá sông Hồng, quận Tây Hồ, cách cầu Nhật Tân khoảng 1,5km tại vị trí giữa hai kè mỏ hàn chỉnh trị sông do Bộ Giao thông vận tải xây dựng từ năm 1992 đến 1997. Các hạng mục ngoài bãi sông còn có hồ lắng tự nhiên 10 ha, kênh dẫn, trạm bơm khai thác với công suất trạm 18m3/s.
Nước sông được dẫn qua đê vào Hồ Tây, sau đó theo kênh đến cửa cống vào sông Tô Lịch, dài khoảng 4km. Trên sông Tô Lịch có một đập dâng tại hạ lưu cầu Quang để dâng mực nước, tạo dòng chảy, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông, giao thông thủy. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án trên gần 500 tỷ đồng, kinh phí vận hành hàng năm khoảng 25 tỷ đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét phương án của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có cùng tổng mức đầu tư dự kiến và thời gian thi công như phương án đề xuất của Hà Nội, nhưng lượng nước bổ cập có thể được tối đa là 18m3/s. Như vậy, sơ bộ với phương án của Viện Khoa học Thủy lợi có thể đáp ứng được mục tiêu phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy của sông Tô Lịch.
Đề nghị TP Hà Nội làm rõ nhiều vấn đề
Tương tự, tại văn bản góp ý về phương án làm sống lại sông Tô Lịch, Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội làm rõ sự phù hợp của phương án đề xuất với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt; đồng thời làm rõ sự phù hợp của phương án đề xuất với điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Tô Lịch sẽ được cải tạo, xây dựng tuyến mương nối với sông Nhuệ từ khu vực trạm bơm Cổ Nhuế đến đầu sông Tô Lịch với lưu lượng 5m3/s.
Về quy mô, công suất của trạm bơm, Hà Nội đề xuất đầu tư xây dựng trạm bơm chìm công suất 3-5m3/s để bơm bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ nội dung, quy mô công suất bổ cập cho sông Tô Lịch và bổ cập cho hồ Tây đảm bảo công suất thiết kế của trạm bơm.
Về vị trí đặt trạm bơm, Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn vị trí đặt trạm bơm dưới chân cầu Nhật Tân và việc vận hành trạm bơm bổ cập nước chủ yếu thực hiện vào mùa nước kiệt thì có ảnh hưởng như thế nào đến các công trình lân cận, đặc biệt là cầu Nhật Tân.
Ngoài ra Bộ Xây dựng cho biết, tuyến ống truyền tải nước có đường kính D1200 chạy dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công, khu vực này khá nhiều công trình hạ tầng nên khả năng tuyến ống sẽ phải thiết kế đi sâu để tránh xung đột với công trình hạ tầng hiện trạng khác. Do đó, đề nghị Hà Nội nên xem xét đến vật liệu ống đáp ứng điều kiện thi công, khả năng chịu tải và ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.
Theo GS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam, so sánh tương quan giữa phương án của Hà Nội đưa ra và phương án của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phương án của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ra khả thi hơn.
Đối với phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho rằng: Đây là phương án có ý tưởng rất sáng tạo và khá khả thi. “Khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án này tôi cũng rất bất ngờ và thấy hợp lý. Tôi cũng rất thích phương án này”, ông Học cho biết.
Theo ông Học, phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực chất là làm ống ngầm nhưng lại cho chảy hở nên chỉ cần đạt vận tốc 0,7m3/s, đường ống lớn nhưng cột nước bơm không cần cao. Khi nước vào tạo thành kênh hở tạo nên cảnh quan rất đẹp cho thành phố.
Tuy nhiên, ông Học cho rằng, trong phương án của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lại giữ lưu lượng nước đạt 5m3/s, tối đa đạt 20m3/s có thể gây lãng phí. Bởi lúc đó, chúng ta phải làm trạm bơm, hệ thống cống rất lớn sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực, kinh phí.
Theo ông Học, nên để mức lưu lượng cố định khoảng từ 5m3/s và tối đa 10m3/s có thể giúp giảm kinh phí xuống rất nhiều (có thể giảm được 1/3 so với mức kinh phí đưa ra để thực hiện phương án trên là gần 500 tỷ đồng) mà vẫn đảm bảo được yêu cầu, các tiêu chí đã đề ra nhằm cải tạo, phục hồi được sông Tô Lịch.