Nhóm đối tượng lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia sa lưới

adminTháng Một 7, 2025
5 lượt xem

Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa khởi tố 7 bị can để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Sau khi dụ dỗ bị hại chuyển tiền vào tài khoản ảo, các đối tượng lừa đảo nhanh chóng sử dụng tài khoản ngân hàng do các công ty đứng tên chuyển số tiền trên sang nhóm rửa tiền. Từ đây, nguồn tiền thật được chuyển thành tiền ảo, rồi lại chuyển lòng vòng qua nhiều bước để “cắt đuôi”, sau đó chuyển về ví điện tử để rút tiền thật…

Thời điểm Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa phá án, khi kiểm tra tài khoản cho thấy, bọn chúng đã thực hiện giao dịch rửa tiền hơn 1.600 tỷ đồng.

Giả danh facebook

Cuối tháng 9/2024, chị Thu ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá gọi điện cho người anh họ tên là Quý đang sinh sống ở Đài Loan, nhờ tìm mối đưa hai vợ chồng chị Thu sang bên đó làm việc. Sau đó, anh Quý giới thiệu bạn tên là Long (facebook Nguyễn Gia Long) giúp đỡ chị Thu, Long lại giới thiệu bạn của mình tên là Trung (facebook Huỳnh Văn Trung) cho chị Thu. Sau khi liên lạc với Trung qua facebook Huỳnh Văn Trung và qua số điện thoại đặt vấn đề sang Đài Loan tìm việc và được Trung đồng ý giúp đỡ.

Để việc “xuất ngoại” thuận lợi, từ ngày 30/9/2024, vợ chồng chị Thu đã nhiều lần chuyển tiền cho Trung với tổng số tiền 255.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi đã chiếm đoạt được số tiền lớn từ bị hại, đối tượng Trung chặn mọi liên lạc với chị Thu. Quá trình điều tra, Công an huyện Như Xuân xác định, chị Thu gọi điện nhờ anh Quý nhưng anh Quý không biết rằng tài khoản facebook Nguyễn Gia Long đã bị giả mạo để lừa đảo.

Thượng tá Mai Anh Tiến – Trưởng Công an huyện Như Xuân, cho biết: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan điều tra đã nghiên cứu và nhận định đây là vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, có thủ đoạn tinh vi, bài bản. Bọn chúng đã lập ra các trang facebook giả danh những cá nhân, tổ chức có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để lừa đảo, khiến bị hại nhầm lẫn khi nhắn tin tương tác rồi gửi tiền vào các tài khoản đứng tên các công ty mà chúng đưa ra… Thượng tá Mai Anh Tiến cho biết thêm, qua xác minh, đối tượng mà nhóm lừa đảo hướng đến trong chuyên án này là những người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo.

Là người trực tiếp tham gia chuyên án, Thiếu tá Nguyễn Văn Ty – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp, Công an huyện Như Xuân, cho biết: Đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng sẽ gặp rất nhiều trở ngại, hoạt động của bọn chúng chỉ diễn ra trên không gian mạng, giao dịch xong là xoá dấu vết, các nhóm của chúng thậm chí không cần gặp nhau, vẫn liên lạc, trao đổi qua các tài khoản ảo để thực hiện hoàn thành hành vi. Với chuyên án này, Công an huyện Như Xuân thành lập hai tổ công tác, một tổ vào các tỉnh phía Nam xác minh, điều tra nhóm đối tượng cư trú ở Campuchia; tổ thứ hai ra các tỉnh phía Bắc truy tìm dấu vết các đối tượng đang ở Việt Nam móc nối rửa tiền.

Sau gần một tháng nghiên cứu, trinh sát, ngày 6/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Như Xuân đã có đủ tài liệu, hồ sơ tiến hành bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo, gồm 4 đối tượng: Giang Đình Lộc (SN 1998), ở Ngũ Hùng, Thanh Miện, Hải Dương; Lê Văn Long (SN 1988), ở thôn Trúc Khê, Đồng Lạc, Nam Sách, Hải Dương; Nguyễn Trường Thanh (SN 1989), ở thôn Cụ Trì, Ngũ Hùng, Thanh Miện, Hải Dương và Phạm Phương Đông (SN 1998), ở thôn La Ngoại, Ngũ Hùng, Thanh Miện, Hải Dương. Đồng thời, một tổ công tác khác được lệnh bắt giữ 3 đối tượng rửa tiền, gồm: Hoàng Mạnh Linh (SN 1998), ở Đức Giang, Long Biên, Hà Nội; Vũ Thị Như Quỳnh (SN 1991), ở Thanh Miện, Hải Dương (thường xuyên hoạt động ở Campuchia) và Đoàn Xuân Long (SN 1991), ở Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai báo, từ tháng 8/2024, nhóm đối tượng lừa đảo rủ nhau thuê nhà bên Campuchia, mua sắm trang thiết bị là các số điện thoại rác (không chính chủ), mua và lập các trang facebook có tên: “Huỳnh Văn Trung”, “Nguyễn Gia Long”, thuê chạy quảng cáo… Đồng thời, bọn chúng móc nối, liên kết với các nhóm, đầu mối rửa tiền ở Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn tinh vi

Theo Thượng tá Mai Anh Tiến, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn cùng với xu thế phát triển của xã hội. Gần đây, ngành ngân hàng yêu cầu sinh trắc khuôn mặt khi chuyển số tiền trên 10.000.000 đồng, các đối tượng tội phạm đã thành lập, mua các tài khoản ngân hàng do các công ty (công ty ma – PV) đứng tên để chuyển được số tiền lớn mà không cần phải sinh trắc khuôn mặt. Theo xác định của cơ quan Công an, chỉ với số tiền 5.000.000 đồng, các đối tượng có thể mua được pháp nhân của một công ty, có số tài khoản giao dịch với số tiền lớn mà không cần phải sinh trắc khuôn mặt.

Là đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo, Giang Đình Lộc tạo ra nhóm telegram sau đó thuê các đối tượng Lê Văn Long, Nguyễn Trường Thanh và Phạm Phương Đông giúp sức. Đồng thời, Lộc mua các tài khoản facebook và chạy các quảng cáo “Tìm việc làm”, “Tuyển lao động xuất khẩu”….  Sau đó Lộc giao Long, Thanh và Đông quản lý các tài khoản facebook, tìm kiếm những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Khi có người nhắn tin vào mục messenger các tài khoản facebook để hỏi, xin tư vấn đi xuất khẩu lao động thì Long, Thanh, Đông sẽ trực tiếp nói chuyện với bị hại, chúng nói dối là đang làm việc ở Đài Loan. Tiếp đó, các đối tượng sẽ đề nghị bị hại kết bạn facebook để tư vấn công việc, lương và các chế độ đãi ngộ khác.

Khi bị hại đồng ý, các đối tượng sẽ gửi một bảng thông tin cho khách hàng, đề nghị điền thông tin theo mẫu rồi chuyển lại cho chúng. Một lúc sau, các đối tượng sẽ gọi lại bằng facebook thông báo cho bị hại “gia chủ bên Đài Loan đồng ý nhận người làm việc”. Lúc này Long, Thanh và Đông sẽ chuyển hết các thông tin, facebook của bị hại cho Giang Đình Lộc để Lộc trực tiếp tư vấn (lừa) bị hại.

Tiếp đó, Lộc gọi qua facebook của bị hại để tư vấn, sau khi biết chắc bị hại đồng ý (cắn câu), Lộc yêu cầu bị hại chuyển tiền cọc vào tài khoản công ty. Sau đó hai đến ba ngày, Lộc đề nghị bị hại tiếp tục chuyển cọc tiền visa, tiền chống trốn, cho đến khi bị hại đóng hết số tiền còn lại…. Khi nhận được các khoản tiền đầy đủ như thoả thuận ban đầu, Lộc sẽ chặn facebook và cắt đứt mọi liên lạc với bị hại.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, trước đó, Giang Đình Lộc thông qua một tài khoản telegram có tên là Camelia, sử dụng tài khoản nhận tiền là TCB: 866817101998 mang tên Hoang Manh Linh để hỏi về cách rửa tiền thông qua tiền ảo. Qua Camelia giới thiệu, Lộc được mời vào nhóm telegram có tên là “NHÓM $$$”, nhóm này có các tài khoản telegram có tên: “USD”, “Cris”, “SH”, “…R3”, các thành viên trong nhóm (trừ Lộc) giao tiếp với nhau bằng tiếng Trung. Sau đó, chủ tài khoản “USD” giao tiếp với Lộc, “USD” đưa ra giá tiền ảo quy đổi và tài khoản doanh nghiệp nhận tiền để Lộc chuyển cho các bị hại. Khi bị hại nghe theo lời Lộc chuyển tiền vào, Lộc chụp màn hình chuyển khoản báo lên nhóm rửa tiền. Tiếp đó, “USD”” sẽ quy đổi số tiền mà bị hại của Lộc chuyển vào, từ đây Lộc rút tiền thật từ tiền ảo qua ứng dụng Binance.

Hiện nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 7 đối tượng trên để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” quy định tại Điều 174 và 324 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng có liên quan.

Qua vụ việc trên, Công an huyện Như Xuân khuyến cáo, hiện nay tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hết sức phức tạp. Do vậy, người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không nghe, tin theo lời dụ dỗ qua mạng của người lạ, tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *