Những con số ấn tượng sau 1,5 tháng áp dụng Nghị định 168

adminTháng 2 18, 2025
11 lượt xem

Tất cả các số liệu thống kê về vi phạm, xử phạt, tai nạn đều giảm mạnh sau 1,5 tháng Nghị định 168 có hiệu lực.

Giảm số vụ tai nạn

Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực từ 1.1.2025.

Sau khi Nghị định 168 đi vào thực tế đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức, hành vi tham gia giao thông và tình hình Trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, sau 1,5 tháng áp dụng Nghị định 168, vi phạm TTATGT trên đường bộ giảm mạnh.

Theo đó, từ 1.1 – 15.2.2025, lực lượng CSGT toàn thành phố đã xử lý 24.080 trường hợp vi phạm, giảm 18.160 trường hợp so với giai đoạn liền kề trước đó (giảm 42,9%).

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tước 1.050 giấy phép lái xe , trừ điểm giấy phép lái xe đối với 2.714 trường hợp.

Có những ca làm việc không phát hiện trường hợp vi phạm nồng độ cồn nào. Ảnh: Tô Thế

Đáng chú ý, các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), như nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, chở quá tải trọng, vượt đèn đỏ đều ghi nhận giảm đáng kể.

Theo đó, từ 1.1 – 15.2.2025, vi phạm nồng độ cồn giảm 36,8% so với giai đoạn liền kề trước đó; lỗi tốc độ giảm 27,6%; vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông giảm 58,4%; chở quá tải trọng giảm 54%…

Với việc quyết liệt xử lý, cũng như tăng cường tuyên truyền, vi phạm về mũ bảo hiểm cũng đã giảm gần một nửa so với giai đoạn liền kề trước. Theo đó, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm giảm từ hơn 14.000 trường hợp xuống còn 7.417 trường hợp.

Về tình hình TNGT, từ 1.1 – 15.2.2025, toàn thành phố xảy ra 133 vụ, làm 83 người chết, 92 người bị thương.

So với giai đoạn liền kề (16.11.2024 – 31.12.2024), giảm 56 vụ, giảm 17 người chết và giảm 40 người bị thương.

Sự quyết liệt của lực lượng chức năng và sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân tạo nên những kết quả tích cực trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Tô Thế

Những con số ấn tượng trên đã nói lên những chuyển biến tích cực khi Nghị định 168 đi vào cuộc sống.

Để có kết quả đó, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan chức năng, còn có sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tiếp tục quan tâm đến hạ tầng giao thông

Chia sẻ với PV báo Lao Động về những hiệu quả bước đầu của Nghị định 168, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, để nói ý thức của người tham gia giao thông đã thay đổi hoàn toàn thì chưa đúng. Tuy nhiên, tâm thế tự giác chấp hành luật lệ giao thông là điều thấy rõ nhất.

“Từ tâm lý sợ bị xử phạt, dần dần sẽ thành sự tự giác rồi chuyển đổi nhận thức theo hướng tích cực và cuối cùng mới hình thành văn hóa giao thông văn minh. Nghị định 168 đang góp phần tạo nên điều đó. Chúng ta cần cả một quá trình tạo dựng, chứ không thể trong ngày một ngày hai”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến trên, KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, cũng như quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn, bước đầu khi áp dụng cũng gặp nhiều khó khăn, nhận nhiều ý kiến trái chiều bởi mức phạt nặng.

Tuy nhiên đến hiện tại có thể thấy, vi phạm nồng độ cồn đã giảm rõ rệt. Nghị định 168 mới đi vào thực tế trong một thời gian ngắn, vì vậy cần có thêm thời gian để người dân thích nghi.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, bên cạnh điều chỉnh mức xử phạt còn cần tăng cường môi trường đối thoại, áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình thực thi công vụ của lực lượng chức năng để người vi phạm “tâm phục khẩu phục” khi bị xử lý.

Đồng bộ hạ tầng giao thông góp phần giảm ùn tắc, tai nạn. Ảnh: Tô Thế

Các chuyên gia cũng cho hay, cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông, đây là yếu tố góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn.

“Để giải quyết dứt điểm ùn tắc thì cần cả một quá trình dài hơi, nhưng chúng ta cần có những giải pháp tình thế.

Đơn giản như việc thời gian vừa qua nhiều cụm đèn giao thông bị lỗi, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nếu có công nghệ hỗ trợ, thông báo kịp thời đến đơn vị quản lý và nhanh chóng có sự khắc phục thì sẽ đảm bảo được an toàn giao thông”, KTS Trần Huy Ánh đánh giá.

Đọc bài gốc tại đây.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *