Mỗi năm chỉ họp 10 ngày (từ 20 tháng Chạp đến 30 Tết), chợ đồ cổ Hàng Lược là nét văn hóa riêng của người Tràng An.
“Tháng Chạp Hàng Mã, tháng Giêng chợ Viềng”, câu ca đã ăn sâu vào tâm trí biết bao thế hệ người Hà Nội. Không ai biết chính xác chợ được thành lập từ bao giờ, chỉ biết rằng nó xuất phát từ việc những gia đình khá giả ở Hà Nội, khi gặp lúc thất cơ lỡ vận, vẫn muốn chuẩn bị mâm cơm cúng các cụ vào cuối năm. Vì vậy, họ đành mang đồ ‘gia bảo’ ra bán.
Đây có lẽ là lý do hợp lý nhất khiến “chợ” chỉ được họp từ 20 tháng Chạp trở đi. Nơi họp chợ cũng liền kề với “chợ” hoa Hàng Lược – Cống Chéo. Tồn tại qua nhiều năm, chợ được duy trì cho tới ngày nay tại các phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Rươi, Hàng Đồng thuộc khu phố cổ của Hà Nội.
Theo ông Hoàng Văn Thư, trú tại 73 Nghi Tàm (Hà Nội), những năm gần đây, khi đời sống đã có phần được cải thiện, cái cảnh phải rứt ruột bán lư hương, đỉnh đồng, hoành phi câu đối… để lấy tiền ăn Tết đã không còn. Nhưng người dân Hà Thành vẫn giữ lệ họp chợ vào những ngày cuối năm để nhớ một thời và cũng là cơ hội để những người yêu cổ vật gặp bạn bè có dịp “ôn cố tri tân”.
Có lẽ vì vậy, không hẹn mà nên, cứ từ ngày 20 tháng Chạp, dân chơi đồ cổ, đồ xưa từ nhiều nơi như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định… lại đổ về nơi đây để họp chợ.
Không giống như phiên chợ Viềng (Nam Định), chợ đồ cổ Hàng Mã thu hút những người bán và mua đều là dân ‘sành’, hoặc có ít nhiều hiểu biết về giá trị đồ vật. Họ gặp nhau như những người bạn, cùng giao lưu, bàn luận, sẻ chia, và trao đổi những món đồ cổ mà mình có.
Nhẹ nhàng, lịch sự trong từng lời ăn, tiếng nói giữa người bán và người mua cũng làm nên một nét đặc sắc trong phiên chợ đặc biệt giữa lòng Thủ đô. Có lẽ đó là lý do để nhiều người Hà Nội dù đã ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn tìm về đây vào mỗi dịp cuối năm.
Trong khoảng chục ngày của phiên chợ, cả thế giới đồ cổ hiện ra trên con phố hàng Mã, từ những đồ cổ có niên đại lâu năm có giá tiền triệu, chục triệu đồng đến những đồ chỉ có niên đại vài chục năm, đồ giả cổ đều được bày ở trên vỉa hè.
Theo anh Vũ Đức Hào (tại Phan Đình Phùng, TP Nam Định), giá của các món đồ này cũng khác nhau, nếu là món đồ cổ thực sự, thuộc hàng “độc” thì giá sẽ rất đắt, còn những thứ đồ tầm thường, giả cổ, có nhiều thì giá sẽ mềm mại hơn.
“Nhưng đôi khi người bán cũng rất ngẫu hứng với người mua, nếu mà gặp đúng được tâm giao, tri âm thì có thể bán với cái mức “như biếu không nhau mà thôi”, anh Hào cho biết.
Những năm gần đây, do thời gian và một số yếu tố khác chi phối nên các đồ bày bán ở đây không hoàn toàn là đồ cổ. Nhưng không vì vậy mà chợ đồ cổ trên phố Hàng Mã mất đi giá trị.
Mỗi dịp cuối năm, giữa cái ồn ã, nhộn nhịp của không khí Tết, của cuộc sống đông đúc, giữa lòng phố cổ Thủ đô, những người “sành” đồ cổ vẫn về đây hội ngộ, tỉ mẩn xem xét, ngắm nghía và bàn luận với nhau một cách nhẹ nhàng, lịch sự như những người bạn tri âm về món đồ đã “vang bóng một thời”.