Mỗi khi Tết đến, Giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan, chủ nhân Bảo tàng gốm cổ sông Hương lại tổ chức lễ dựng nêu đón năm mới tại Lan Viên Cố Tích, với mong muốn lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Lễ dựng nêu đón Tết đặc biệt ở Lan Viên Cố Tích
Sáng 28 tháng Chạp, dù trời chuyển lạnh và mưa, nhiều người là bạn bè, thân hữu của Giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan vẫn tề tựu về khu nhà vườn Lan Viên Cố Tích, đồng thời là Bảo tàng gốm cổ Sông Hương (phường Kim Long, quận Phú Xuân, thành phố Huế) để dự lễ dựng nêu đón năm mới cùng gia chủ.
Giáo sư Kim Lan cho biết, bà đã duy trì tổ chức lễ dựng nêu dịp Tết Nguyên đán từ 4 năm trở lại đây. Trong lễ dựng nêu, ngoài lễ cúng, gia chủ và các vị khách quý còn tham gia đối đáp thơ, văn, câu đối mừng xuân, thưởng trà, bánh.
Lễ dựng nêu năm nay còn có ý nghĩa đặc biệt đối với nữ Giáo sư khi có những người con đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài về Huế ăn Tết cùng mẹ.
“Hình ảnh cây nêu đã in sâu trong trí nhớ của tôi từ thuở bé. Chính vì thế, khi còn học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi ước ao sẽ có lần trở về dựng cây nêu mừng Tết trong vườn nhà, nơi chôn rau cắt rốt của mình”, bà Lan chia sẻ.
Giáo sư Thái Kim Lan cho biết, lễ dựng nêu hay còn gọi là Thướng tiêu là một tập tục có nguồn gốc xa xưa, bắt nguồn từ nếp sống gắn với nền văn minh nông nghiệp của người Việt.
Khi Tết đến, người Việt Nam sẽ chặt cây tre cao nhất vườn để làm nêu, dựng ở đình, chùa làng và các ngõ xóm, trước sân nhà. Hình ảnh cây nêu vươn cao như báo tin vui Tết đã đến, xuân về, lạnh giá đã qua, nắng ấm và trăm hoa đua nở.
“Cây nêu có lẽ là tấm thiệp xuân đầu tiên trước khi người Việt có thiệp Tết bằng giấy bút. Đó là tấm thiệp sống động nhất. Khi trên đường về quê nhà, từ xa chúng ta đã nhìn thấy những cây nêu phất phơ trong gió xuân cùng âm thanh rộn rã phát ra từ chiếc chuông được buộc trên ngọn tre. Cảnh tượng ấy thật an bình, nhàn nhã trong dịp Tết đến xuân về”, nữ Giáo sư giải thích.
Nét đẹp truyền thống của người Việt Nam
Giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan cho rằng, dựng nêu còn có một ý nghĩa sâu xa khác, chạm đến tâm linh. Theo truyền thuyết, ngày xưa trong những ngôi làng của người Việt, quỷ dữ sa tăng hay đến quấy phá, cướp bóc sản vật. Một lần Đức Phật đã ra tay giúp đỡ, đánh đuổi quỷ dữ rồi đưa tấm áo cà sa của mình cho dân làng, dặn treo trên ngọn tre. Khi quỷ đến thấy tấm áo Phật thì sợ hãi bỏ đi.
“Từ đó, tục dựng nêu bắt đầu với niềm ước mong được sống yên ổn, hòa bình, an lạc của người dân”, Giáo sư Thái Kim Lan chia sẻ.
Nữ Giáo sư cho biết thêm, khi dựng nêu, người dân thường làm nghi lễ giữa trời đất để nguyện cầu an lành, phúc lộc đến cho mọi nhà, mọi người. Bên cạnh đó, người dựng nêu có thể làm những câu đối hay bài thơ trên giải phướn, treo lên ngọn nêu trước khi dựng với lòng tin được che chở bình an và vui sống hạnh phúc.
Ngoài ra, cây nêu còn là biểu tượng của sự may mắn, nên mọi người trong gia đình, bạn bè, người thân sẽ cùng nhau dựng nêu, chạm nêu và tấm vải phướn. Cây nêu là biểu tượng của mùa xuân, bắt đầu một năm mới với tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Ngày nay, tục dựng nêu đón Tết cũng được người dân ở nhiều làng quê thuộc thành phố Huế duy trì. Đặc biệt tại Đại nội Huế, lễ dựng nêu cung đình triều Nguyễn đã được phục dựng, với đầy đủ các nghi thức. Nghi lễ này diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan di sản.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lễ dựng nêu đón Tết trong Hoàng cung Huế có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc. Khi làm lễ cúng dựng nêu hoàng cung, bắt buộc phải có món bánh chưng, trong khi truyền thống của người Huế là bánh tét.
Giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan cũng cho rằng, tập tục dựng nêu ăn Tết không phải đến từ triều đình nhà Nguyễn hay tầng lớp vua chúa mà chính là từ nhân dân.