Tinh gọn, mạnh – phải làm ngay và làm hiệu quả

adminTháng mười hai 10, 2024
158 lượt xem

Nhiều năm qua, những sự kiện chính trị lớn của đất nước được đông đảo người dân quan tâm, nhất là dịp diễn ra Đại hội Đảng và các kỳ họp Trung ương có liên quan đến công tác nhân sự lãnh đạo cấp cao…

Trong vài tháng qua, nhiều cuộc hội nghị, những thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các bài viết, bài nói của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm được cán bộ, nhân dân cả nước dành sự quan tâm sâu sắc, vì liên quan đến vận mệnh, cơ hội phát triển của đất nước và của chính mỗi người dân. Song, điều quan trọng hơn, chúng ta đều nhận thấy từ quyết nghị, chủ trương, thông điệp đến thực tế vận hành bộ máy nhà nước và đời sống xã hội cũng diễn tiến nhanh chóng theo nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” và nỗ lực làm một cách hiệu quả…

Từ những thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian gần đây, có thể nhận thấy những vấn đề cốt lõi, cấp bách cần tập trung thực hiện quyết liệt để sớm đạt được các mục tiêu phát triển giàu mạnh, văn minh, đứng vào hàng ngũ quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

1. Phải nhẹ mới bay cao được

Đó là câu nói đơn giản nhưng rất “trực quan sinh động” của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Hưng Yên ngày 2/12 vừa qua.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, đặc biệt từ năm 1986 đến nay, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của đất nước được hoàn thiện, theo mô hình Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Theo mỗi giai đoạn và yêu cầu nhiệm vụ của đất nước, có sự thay đổi, điều chỉnh, song có thể khẳng định, hiện nay tổ chức bộ máy quá cồng kềnh, trùng giẫm, biên chế nhân sự quá lớn… dẫn đến hệ lụy “gần 70% ngân sách dùng để trả lương”!

Như vậy, Việt Nam chỉ dành được khoảng 30% ngân sách chi cho phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội… Trong khi đó, đa phần các nước trên thế giới con số chi trả lương thấp hơn nhiều và họ dành được 50%, thậm chí 60% chi cho phát triển.

Đông nhưng không mạnh là thực tế ở nhiều nơi vì sự trùng giẫm chức năng, nhiệm vụ. Trong một cơ quan, một tổ chức, nếu một việc được giao cho nhiều người, nhiều đầu mối thì rất dễ nảy sinh tình trạng nhòm ngó, đùn đẩy lẫn nhau; dễ làm, khó đẩy cho người khác. Thực tế, khi giao dịch, làm việc với các cơ quan chức năng, không ít người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải cảnh công chức, nhân viên công quyền hoạnh họe, sách nhiễu, gây khó khăn vì nhiều lý do. Thay vì tận tình nghiên cứu, hướng dẫn công dân bổ sung những thủ tục, giấy tờ, tài liệu cần thiết, có những “công bộc” rất trịch thượng, hống hách hoặc thờ ơ cho đến khi người dân “hiểu ý” dúi phong bì thì mới được giải quyết!

Từng có chuyện người dân đến làm thủ tục đăng kí kết hôn, nhưng công chức một phường lần khân đủ kiểu để câu giờ, đến lúc cặp uyên ương sát nút ngày cưới không thể chờ được nữa đành phải “bôi trơn” vài trăm ngàn. Đây là số tiền nhỏ với người khá giả nhưng lại lớn với người nghèo, người có thu nhập thấp khoảng 5-8 triệu đồng/tháng; đồng thời, nó để lại “vết hằn” và sự ức chế thay vì những kỉ niệm đẹp của cặp đôi khi quyết định tạo dựng tổ ấm.

Chuyện cưới xin đã vậy, chuyện khai tử cũng có những ví dụ buồn. Vài năm trước, một cán bộ cấp phường ở Hà Nội bị tố “ngâm tôm” giấy tờ người dân đến khai tử cho người đã mất, để có đủ thủ tục lo việc tang ma. Từ sáng đến trưa, trưa lại đến chiều vẫn chỉ nhận được câu trả lời: “Sếp đang đi họp” – sếp ở đây là chủ tịch phường (hoặc phó chủ tịch)… Đến khi không thể chịu được nữa, người dân làm bung bét câu chuyện này và cơ quan chức năng vào cuộc thì xác định rõ tố cáo của người dân là có cơ sở. Dù kết cục được giải quyết và nhân viên của phường đó bị sa thải nhưng đó là ví dụ về hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở chưa cao, tình trạng nhũng nhiễu còn phức tạp.

Đó là vài ví dụ về đời sống người dân, còn chuyện doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng không thiếu những “nghịch cảnh” khi rơi vào ma trận của thủ tục hành chính và phẩm chất yếu kém của nhân viên công quyền, khi đến làm những thủ tục cần thiết để xúc tiến đầu tư, khởi nghiệp.

Bên cạnh thực trạng nêu trên, tình trạng chồng chéo, đông – thừa người trong nội tại một số cơ quan nhà nước cũng đẻ ra muôn vàn hệ lụy cho Nhà nước và chính cơ quan đó. Đến nay, có lẽ chưa có một đề tài khoa học hoặc báo cáo nào đủ dũng khí đánh giá, kết luận một cách công tâm rằng cơ quan mình thừa hay không, thừa 10% hay 20%, thậm chí 30% biên chế; mà chỉ là những nhận xét bên lề hoặc lúc “trà dư, tửu hậu”. Nhưng, có một sự thật mà chính Tổng Bí thư Tô Lâm đã cảnh báo, yêu cầu phải chấm dứt ngay: “Không để cơ quan nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho những người yếu kém”.

Trong thực tế, những người yếu kém hoặc “những người thừa” trong cơ quan nhà nước thường là các vị trí trung gian, chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, kết quả làm việc cũng khó định lượng, đánh giá cụ thể. Chính vì vậy, họ có nhiều thời gian rỗi và dễ kết lại thành ê-kíp để bảo vệ quyền lợi của nhóm mình, quay ra gây khó khăn cho cơ quan, cho những người làm việc chăm chỉ, tích cực. Họ thường nhân danh cán bộ công chức, người lao động cần được bảo vệ quyền lợi chính đáng, lợi dụng quy chế dân chủ ở cơ sở để duy trì “nơi trú ẩn an toàn”. Cơ quan cũng không dễ kỉ luật, sa thải được nhóm này, thậm chí phải chùn tay, sợ động chạm tới người “có thần có thế”. Đôi khi, nhóm “trung gian nịnh thần” này còn lấn lướt, tác oai tác quái, gây nhiều khó khăn cho tập thể và làm giảm ý chí phấn đấu của những người tích cực, tử tế.

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa” là phương châm từ thượng cổ. Trong việc dùng binh, cha ông ta cũng thấm nhuần “Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông”… Chính vì vậy, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy không thể chậm trễ hơn được nữa.

2. Để lỡ thời cơ là có lỗi với Tổ quốc, nhân dân

Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sáng 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Thời cơ lúc này đến với chúng ta. Chúng ta thấy quá trình phát triển đất nước rất lớn, rất vĩ đại. Nhưng, đúng là nhìn lại thấy chưa được, còn nhiều việc phải làm tốt hơn nữa. Nhìn sang anh em, bạn bè thế giới phát triển, đi nhanh quá. Mình cứ đi túc tắc, bình thản, vui sướng trên các kết quả như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ngủ quên trên vòng nguyệt quế là không được. Chúng ta chỉ dừng lại, đi chậm là họ đi nhanh hơn chúng ta. Người ta có tiềm lực, đi nhanh hơn, ứng dụng được tiến bộ của thời đại, khoa học, công nghệ… sẽ bỏ xa chúng ta với khoảng cách rất xa. Như thế mình luôn luôn bị tụt hậu. Thành ra, hơn lúc nào hết, phải tập trung vươn mình, chạy thật nhanh để đuổi kịp với thế giới”.

Đến thời điểm này, chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và cũng sắp tròn 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới. Thành tựu đạt được trong những năm qua rất đáng tự hào, cơ đồ đất nước thêm vững chãi, tầm và thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Song, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, cũng với khoảng thời gian 30-40 năm trong điều kiện hòa bình, một số nước có thể hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, gia nhập hàng ngũ các nước phát triển.
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sáng 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích và nhận được sự đồng tình, đồng thuận rất cao của cử tri khi ông phân tích: “Để đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, Trung ương đã vạch ra một số nhiệm vụ rất cấp bách và chỉ đạo rất tập trung, nhất quán. Chúng ta không thể chậm trễ được nữa, bởi đây là thời cơ và để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước, với nhân dân”.

Cùng với tinh gọn, cải cách bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, đã có những quyết sách được Trung ương nghiên cứu, thống nhất thực hiện như dự án đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân; mục tiêu là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, nâng cao năng suất lao động. Yêu cầu phát triển kinh tế ở mức 2 con số là rất khó, nhưng phải đặt quyết tâm thực hiện bằng được.
Đồng thời, việc chống tham nhũng, tiêu cực vẫn không chùng lại, không có vùng cấm; công tác phòng, chống lãng phí được nâng lên một yêu cầu mới, nhận thức nó nguy hiểm, tai hại không kém gì tham nhũng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo… Lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản phát triển kinh tế – xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước

Luận bàn về thời cơ, chúng ta đều nhớ tới câu nói nổi tiếng của Bác Hồ vào mùa thu năm 1945: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Đến mùa xuân năm 1975, trước sự phát triển của chiến trường và điều kiện thuận lợi trong nước, quốc tế, với phương châm “thần tốc, táo bạo”, chúng ta cũng hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, thay vì trong năm 1976 theo mục tiêu ban đầu đề ra cuối năm 1974.

Hiện nay là thời điểm chín muồi để thực hiện một cuộc cách mạng, cuộc ĐỔI MỚI lần 2. Tư tưởng đã thông, lòng người đã đồng thì phải quyết tâm làm và làm cho kỳ được.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *