ĐBQH Nguyễn Thanh Sang.
Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Đề cập việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên được bố trí là Trưởng Công an (hoặc Phó Trưởng Công an) cấp xã, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Sang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta sắp sửa thực hiện chính quyền 2 cấp, chỉ có cấp tỉnh và cấp xã, riêng Bộ Công an từ ngày 1/3/2025 đã bỏ Công an cấp huyện. Lực lượng Công an cấp huyện gồm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT; Đội trưởng, Phó đội trưởng; điều tra viên. Theo Báo cáo giải trình của Bộ Công an, sẽ bố trí tại các xã từ 6-7 Điều tra viên trong tổng biên chế Công an cấp xã. “Tôi thấy sự bố trí này là phù hợp, bởi lẽ bây giờ từ xã lên tỉnh, nếu các tỉnh xa thì đi cả ngày, mà sự việc xảy ra thì phải nhanh, ngay và hiệu quả”, ông nhấn mạnh.
Nếu trước đây, Công an xã chỉ giữ nhiệm vụ bảo vệ hiện trường thì nay còn được tăng cường điều tra viên, Công an xã chủ trì, dưới sự kiểm sát của VKS. Quy định này là cần thiết, bởi lẽ một sự việc xảy ra không thể đợi ở trên xuống được, mà phải có lực lượng chuyên nghiệp. Vấn đề ở đây là theo dõi, chỉ đạo nghiệp vụ, tăng cường đối với những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Theo đại biểu, hiện nay giao điều tra viên cấp xã thực hiện các việc nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, tức là khung hình phạt tới 7 năm tù. Với lực lượng dự kiến của Bộ Công an trong báo cáo, đây là lực lượng chuyên nghiệp từ Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh và cấp huyện tăng cường thì sẽ thực hiện được, vì nhiều việc cần triển khai lấy lời khai, thực hiện các biện pháp tố tụng ngay.
Một lực lượng chuyên nghiệp, họ thực hiện thẩm quyền của Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công, uỷ quyền nên họ có quyền khởi tố điều tra và thực hiện các biện pháp tố tụng theo quy định. “Việc này đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền trong tình hình mới. Hồ sơ vụ án hình sự thì độ mật trở lên, không thể cái gì cũng qua công nghệ thông tin được, mà báo cáo thì cần có tài liệu. Vấn đề là tăng cường lực lượng và đảm bảo yêu cầu của Cơ quan điều tra”, ông lý giải.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở, và việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho điều tra viên là Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp xã, bởi việc này phù hợp với định hướng, đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, bà cho rằng, việc giao thêm thẩm quyền cho Công an cấp xã phải đi đôi với việc xác định rõ các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn, pháp lý tối thiểu đối với các Điều tra viên này. “Không chỉ đơn thuần là bố trí Điều tra viên từ cấp tỉnh về, mà còn cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, đặc biệt là các kỹ năng điều tra cơ bản, thu thập và đánh giá chứng cứ”, đại biểu dẫn chứng.
Đồng thời, nữ đại biểu đề nghị cơ chế kiểm soát quyền lực phải được đặc biệt chú trọng. BLTTHS cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên, trực tiếp của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng VKS có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của Công an cấp xã. Phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định về trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm.
“Việc đảm bảo đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí hoạt động cho Công an cấp xã để họ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là điều kiện tiên quyết”, bà bổ sung.