Việt Nam đang nỗ lực chớp lấy thời cơ và vận hội mới để xây dựng đất nước giàu mạnh.
Nửa thế kỷ có lẽ chỉ như cái chớp mắt trong vũ trụ bao la vô định nhưng với lịch sử của mỗi quốc gia thì đó là một hành trình dài. Với Việt Nam, ngày 30/4 tròn 50 năm trước là dấu mốc khép lại cuộc kháng chiến hào hùng, hoàn thành sự nghiệp thống nhất, giang sơn thu về một mối để bước vào kỷ nguyên mới. Và từ đó, vượt qua bao thăng trầm và thử thách ngặt nghèo, dân tộc Việt Nam ngày càng trưởng thành, cơ đồ đất nước ngày càng thêm vững chãi – như mong ước “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”…
Sự trưởng thành của một dân tộc
Dù dưới góc nhìn nào, đã là con cháu Lạc Hồng thì mọi người dân đều mong muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Mỗi người dân Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, với tư duy khoa học, khách quan thì không thể không nhìn nhận, trong 50 năm qua, đất nước ta đã có sự vươn mình, trỗi dậy mạnh mẽ trong một thế giới biến chuyển rất nhanh chóng.
Từ năm 1858 – 1945, khi người Pháp bắt đầu cuộc xâm chiếm Việt Nam, đất nước ta phải trải qua nhiều thời kỳ bị chia cắt, xâu xé bởi những thế lực ngoại bang. Vị thế mỗi con người và cả dân tộc bị xếp vào hàng thuộc địa, nhược tiểu; nội trị, ngoại giao đều do ngoại bang áp đặt và hầu như thế giới chỉ biết đến dải đất hình chữ S xinh đẹp bên bờ biển Đông là xứ “Đông Dương thuộc Pháp”. Dòng xoáy của lịch sử xâm chiếm thuộc địa – với sự vượt trội về sức mạnh quân sự, kinh tế và trình độ phát triển tưởng như mãi nhấn chìm dân tộc Việt Nam trong vòng kim cô Pháp thuộc. Song nhờ tinh thần dân tộc và truyền thống đoàn kết, nhờ con đường phục hưng đúng đắn, đất nước ta đã thoát khỏi cái vòng kim cô oan nghiệt đó, như đã thoát khỏi 1.000 năm Bắc thuộc trước đây.
Rồi cũng chính dòng xoáy của thời đại, của chủ nghĩa thực dân, những mâu thuẫn Đông – Tây và Chiến tranh Lạnh đã cuốn một dân tộc yêu chuộng hòa bình vào mấy cuộc chiến tranh tàn bạo từ sau năm 1945. Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận và vượt qua những thử thách hiểm nghèo để đi tới mùa Xuân thống nhất đất nước năm 1975. Tiếp sau thời điểm này, đất nước ta lại phải kinh qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc và chỉ hoàn toàn im tiếng súng từ cuối những năm 1980. Khi có chiến tranh thì dân không thể yên ổn làm ăn, sinh sống và nước khó tránh khỏi bị áp đặt ý đồ của các thế lực bên ngoài nhằm phục vụ lợi ích của họ.
Thấm thía như vậy để chúng ta tự hào với ngày hôm nay, khi mà đất nước hoàn toàn được hòa bình, thống nhất, độc lập. Chưa bao giờ trong lịch sử mấy ngàn năm, dân tộc Việt Nam đạt được vị thế như hiện nay: Có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó có quan hệ ở tầm đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước khác. Việt Nam là người bạn tin cậy, trách nhiệm với cộng đồng, tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả vào nhiều diễn đàn, nhiều tổ chức quốc tế, kể cả giữ gìn hòa bình, cứu nạn trong thảm họa thiên tai ở nhiều nơi trên thế giới.
Đó là cơ sở, là điều kiện hàng đầu để giữ được hòa bình, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đó cũng là vị thế, là uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì vậy, ngay khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố quyết định áp thuế với thế giới vào ngày 3/4/2025, với vị thế của một quốc gia độc lập có uy tín, một đối tác bình đẳng và tin cậy, Tổng Bí thư Tô Lâm là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump để tìm giải pháp phù hợp về thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cuộc điện đàm này – như chia sẻ của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim: “Malaysia và nhiều nước trong khu vực hoan nghênh và đánh giá cao Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đồng thời bày tỏ nhất trí và ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề này”.
Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump diễn ra chỉ hơn 1 ngày sau khi ông Trump công bố mức thuế mới với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, là hình thức ngoại giao rất linh hoạt, hiệu quả để đối thoại trực tiếp, minh bạch và thiết thực. Hình thức đối thoại này chỉ có được giữa những quốc gia coi nhau là đối tác tin cậy và bình đẳng, cũng như mối quan hệ tốt đẹp và uy tín cá nhân giữa các nhà lãnh đạo.
Đó cũng là một minh chứng sinh động về vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nâng tầm vị thế đất nước trong kỷ nguyên mới
Trong những ngày giữa tháng Tư lịch sử này, Việt Nam đón một vị khách đặc biệt đến thăm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là lần thứ tư ông thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, trước đó, chưa từng có nguyên thủ quốc gia nào của Trung Quốc đến thăm Việt Nam 4 lần.

Trong bài đăng trên Báo Nhân dân ngày 14/4/2025, có tiêu đề: “Cùng chung chí hướng, chung tay tiến lên phía trước – Kế thừa quá khứ, viết tiếp trang mới tương lai”, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình viết: “Đây là lần thứ tư tôi đặt chân lên mảnh đất tươi đẹp này từ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tôi mong cùng với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam chia sẻ tình hữu nghị, cùng bàn bạc hợp tác, đưa ra tầm nhìn mới cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc -Việt Nam có ý nghĩa chiến lược trong thời đại mới… Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Chúng ta sẽ làm sâu sắc toàn diện xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung – Việt có ý nghĩa chiến lược, đóng góp tích cực cho hòa bình ổn định và phát triển phồn vinh của châu Á và thế giới…”.
Ngay trước chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam, Trung Quốc vừa tổ chức “Hội nghị Trung ương về công tác láng giềng”. Qua đó nhấn mạnh tầm nhìn về xây dựng “5 ngôi nhà lớn” (hòa bình, an ninh, thịnh vượng, tươi đẹp, hữu nghị) với láng giềng theo phương châm hòa mục với láng giềng, yên ổn cùng láng giềng, làm giàu với láng giềng và thân thiện, chân thành, cùng có lợi, bao trùm. Trên tinh thần đó, trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hà Nội chiều 14/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định “Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, luôn ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”.

Có thể khẳng định, mối quan hệ hữu nghị, tình cảm và sự tin cậy giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, cũng như cá nhân các nhà lãnh đạo hai nước ngày càng được củng cố, phát triển. Đó là điều kiện cực kỳ thuận lợi để giữ gìn hòa bình, tập trung xây dựng đất nước theo phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng.
Cũng trong năm 2025, dự kiến có nhiều chuyến thăm chính thức của nguyên thủ các nước đến Việt Nam, sẽ tiếp thêm dòng chủ đạo hữu nghị, hòa bình và phát triển giữa Việt Nam và cộng đồng thế giới.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) vừa thành công tốt đẹp, với hàng loạt quyết sách về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, địa giới hành chính; những mục tiêu yêu cầu phát tiển kinh tế tư nhân, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Với quyết tâm mới, với nguồn cảm hứng “thần tốc”, “táo bạo” của mùa Xuân Ất Mão nửa thế kỷ trước, nhất định đất nước ta sẽ phát triển lên một tầm vóc mới, thỏa ước vọng xây dựng nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, giàu mạnh và văn minh.