2025, năm khởi đầu của Kỷ nguyên mới và chúng ta rất cần hình dung một diện mạo cụ thể cho Kỷ nguyên mới ấy. Bởi chỉ có hình dung cụ thể mới góp phần xây dựng những kế hoạch cụ thể và hành động cụ thể mà thôi.
Kỷ nguyên, phương tiện và thông điệp
Tàu cao tốc nối Bắc – Nam chạy êm ru, vượt quãng đường dài 500 km chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, đưa một thương nhân từ thủ đô đến một thành phố cảng là một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu quốc gia để bàn bạc công việc vào buổi sáng. Họp xong vào giữa trưa, ông lại lên tàu và trở về với gia đình kịp bữa tối.
Bạn có thể sốc khi biết rằng đấy là những gì đã diễn ra vào năm… 1964, ở Nhật Bản. Ngày 1/10 năm ấy, chuyến Shinkansen đầu tiên khởi hành từ Tokyo đến Osaka đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố hàng đầu Nhật Bản này từ 16 tiếng xuống chỉ còn… 3 tiếng.
Vào năm 1889, việc di chuyển qua 4 hòn đảo chính của Nhật Bản, với quãng đường trải dài 3.000km, là vô cùng khó khăn, có thể kéo dài vài ngày. Nhưng Shinkansen đã san phẳng hoàn toàn những khoảng cách địa lý này, và mở ra một kỷ nguyên mới xứ Phù tang.
Thập niên 1960 ấy đánh dấu một giai đoạn lột xác của kinh tế Nhật Bản từ cảnh điêu tàn sau Thế chiến thứ II: sản xuất công nghiệp giảm xuống còn 27,6% mức trước chiến tranh vào năm 1946, nhưng đã phục hồi vào năm 1951 và đạt 350% vào năm 1960. Các từ “tăng”, “tăng trưởng” và “khởi sắc” cũng xuất hiện tràn ngập trong các báo cáo tóm tắt của niên giám Kinh tế Nhật Bản từ 1967 đến 1971.
Quyết tâm thay đổi diện mạo quốc gia được cụ thể hóa bằng một công trình có tầm vóc hàng thập kỷ, thậm chí là cả trăm năm. Một công trình có thể thay đổi hoàn toàn chất lượng sống của người dân, trao cho họ một lịch trình mới, và thậm chí là cuộc sống mới. Chiều 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, 443/454 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đã tán thành thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, sơ bộ tổng vốn đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, hoàn thành năm 2035. Dự án này được nhắc đến lần đầu từ năm… 2010, và sau rất nhiều khó khăn, chúng ta mới có hy vọng sẽ được ngồi lên tàu cao tốc sau 10 năm nữa, tính từ thời điểm 2024.
Trong cùng cái năm mà chuyến tàu Shinkansen đầu tiên của Nhật Bản đi vào hoạt động, triết gia người Canada Marshall McLuhan đã gói gọn nghiên cứu nổi tiếng của ông trong một câu ngắn: “Phương tiện là thông điệp”.
Theo McLuhan, thì cách thức chúng ta tiếp nhận thông tin (tức phương tiện) thậm chí còn quan trọng hơn nội dung của thông tin đó (thông điệp). McLuhan lấy ví dụ về sự phổ biến của tivi ở Mỹ trong thập niên 1960: với ông, tivi là một “phương tiện” làm cho con người tiêu thụ thông tin một cách thụ động. Bản thân chiếc tivi định hình một đời sống giải trí kiểu mới của con người, chứ không chỉ là nội dung phát trên đó. Hiểu rộng ra, McLuhan cho rằng phương tiện chính là thứ tái cấu trúc lại đời sống con người. Rất thú vị khi liên tưởng lý thuyết này với cuộc lột xác của nước Nhật trong thập niên 1960, khi Shinkansen xuất hiện.
Quay lại với Việt Nam: từ năm 1992-1997, tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta luôn duy trì ở mức 8,08%-9,54%, điều chưa từng xảy ra trước đó. Và trong thời gian này, chúng ta cũng có một công trình có tầm vóc vượt thời gian: đường dây tải điện 500kv Bắc – Nam có chiều dài gần 1.500km.
Ngày 5/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ đưa ra quyết định khởi công xây dựng công trình, mà còn hạ quyết tâm sẽ hoàn thành nó trong 2 năm. Ông nói: “Tôi muốn nói tuyên bố khởi công ở đây là khóa sổ để không nói “làm với không làm” nữa mà chỉ có thể là làm sao thật nhanh. Đó là vấn đề đặt ra với chúng ta”. Đấy được xem như một trong những quyết định đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước: tạo ra một “phương tiện” để làm thay đổi cốt lõi chất lượng sống của người dân, từ đó tái cấu trúc lại kinh tế và xã hội, theo những cách hoàn toàn mới. Và cụ thể hóa thông điệp thành một phương tiện như thế đòi hỏi rất nhiều sự quyết tâm, dạng khai sơn phá thạch.
Thông điệp kỷ nguyên vươn mình đã có rồi, giờ đây chúng ta cần một phương tiện thật mạnh mẽ và có tốc độ cao. Và nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thì vấn đề ở đây không còn là “làm hay không làm nữa” mà chỉ có thể là “làm sao thật nhanh”.
Phạm An
Kỷ nguyên mới và công bằng xã hội
Khẳng định về một Kỷ nguyên mới bằng quyết tâm hành động đã cho thấy chúng ta sẵn sàng bước vào một công cuộc cải cách mạnh mẽ để xây dựng một tương lai vững chắc hơn, tốt đẹp hơn. Và trong tiến trình hành động ấy, cũng cần phải xác định rõ những cái cũ nào đã lỗi thời, những tồn đọng lâu dài nào cần phải được xử lý triệt để ngõ hầu trong Kỷ nguyên mới ấy, toàn xã hội sẽ chung sức, dồn lực cho công cuộc phát triển hướng tới phồn thịnh.
Nhìn lại lịch sử hiện đại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy có những năm dấu mốc rất lớn của dân tộc. Đó là những năm 1945, 1954, 1975 và 1986, năm của đổi mới. Năm 2025 này cũng đang được kỳ vọng là một năm dấu mốc lớn của Việt Nam khi những quyết tâm xây dựng một kỷ nguyên mới đã được Đảng đặt ra. Nhưng trước khi bước vào chặng đường xây dựng một kỷ nguyên mới như thế, rất cần phải nhìn vào cái gọi là kỷ nguyên cũ để nhận diện những điểm yếu dứt khoát phải bị triệt tiêu khi chúng đang là trở lực lớn của phát triển.
Để chuẩn bị cho xây dựng Kỷ nguyên mới, phát súng lệnh đầu tiên có thể được kể đến chính là “Tinh – Gọn – Mạnh” với chương trình hành động cụ thể, có thời hạn cụ thể, chính là tổ chức lại, sắp xếp lại, cơ cấu lại bộ máy để từ đó tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế. Quá trình tinh gọn lại một hệ thống luôn luôn đòi hỏi phải có những hy sinh cả chung lẫn riêng. Trong đó, việc giải quyết đội ngũ dôi dư đang ngốn nhiều ngân sách hàng năm là một trong những hy sinh đáng nhắc tới. Sẽ phải chi rất nhiều tiền để giải quyết chế độ cho những cá nhân dôi dư, nhằm tránh những hệ luỵ sau này đồng thời khiến cho những ai buộc phải bước ra khỏi bộ máy sẽ tâm phục khẩu phục và cũng giúp họ thanh thản hơn trong một bước ngoặt thay đổi lớn của cuộc đời.
Ở tiến trình này, có một câu hỏi mà chúng tôi, trên cương vị những người phục vụ độc giả, luôn nhận được từ các độc giả của mình. Đó chính là câu hỏi “Liệu những nhân viên hợp đồng không thời hạn có được hưởng các chế độ hỗ trợ tương xứng giống y như những công chức trong đơn vị nếu chúng tôi về hưu trước niên hạn hay không?”. Thật khó trả lời họ vì bản thân những người cầm bút không phải là những nhà hoạch định chính sách và cũng chỉ chờ đợi các quyết sách cuối cùng từ Chính phủ mà thôi. Nhưng chúng tôi đều hiểu rõ, đã quá nhiều năm, hai chữ “biên chế” vẫn có một giá trị đặc biệt về chế độ so với những cá nhân thuộc diện lao động hợp đồng ở lĩnh vực công.
Hai cá nhân có xuất phát điểm về trình độ, năng lực, kinh nghiệm ngang nhau, tuổi tác bằng nhau, số năm lao động như nhau nhưng vẫn sẽ nhận được đãi ngộ khác nhau trong bộ máy công nếu như 1 người là biên chế và người còn lại là hợp đồng. Đó là mới chỉ nói đến một so sánh lý tưởng, tức là cả hai không khác biệt nhau bất kỳ một chút gì trong lao động. Người trong biên chế, ngoài đãi ngộ vật chất đã hơn hẳn, còn có cơ hội được thăng tiến trong bộ máy trong khi lao động hợp đồng suy cho cùng chỉ là một dạng “nhà thầu cá nhân” nhưng theo một quy ước lao động chung, không được quyền đặt ra yêu cầu về đãi ngộ nào. Còn ở ngoài đời thật, chuyện lao động hợp đồng luôn phải gánh việc của rất nhiều biên chế vô tích sự thì phổ biến vô cùng. Chính điều này đã luôn là trở lực lớn cho phát triển và thêm vào đó, nó còn tạo ra những bất bình đẳng xã hội mà nhiều khi có thể dẫn tới các phản ứng tiêu cực.
Kỷ nguyên mới cần phải đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ khai tử các bất bình đẳng xã hội đang tồn tại mà câu chuyện ở trên chỉ là một ví dụ nhỏ bé vô cùng. Chúng ta đã trải qua nhiều năm phát triển rất nhanh, rất mạnh trong đô thị hóa. Từ đó, đã bắt đầu có các đô thị có mặt bằng đời sống khá tương đồng với hai trung tâm của nước nhà là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai mươi năm trước, chúng ta có thể nhìn rõ cách biệt giữa Đà Nẵng với hai đô thị trung tâm này là lớn như thế nào. Nhưng ở ngày hôm nay, các thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang… đã không còn cách biệt quá xa với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nữa.
Điều kiện tiếp cận thế giới coi như đã ngang bằng, khi mà Internet đã xóa đi khoảng cách và các đường bay quốc tế cũng dễ tiếp cận hơn với cư dân ở các đô thị ấy. Nhưng nếu so sánh giữa các đô thị kể trên với nhiều địa phương khác trong cả nước, chúng ta vẫn còn thấy quá nhiều các khác biệt. Chính vì khác biệt đến cách biệt quá xa như vậy đã luôn tạo ra những làn sóng di dân đổ xô về các đại đô thị, khiến các đô thị ngày một phồn vinh hơn trong khi các địa phương ngày một khó vươn mình hơn bởi thiếu vắng nhân tài.
Việc một cá nhân lựa chọn nơi mình lập nghiệp là quyền không thể xâm phạm và cũng là nhu cầu tất yếu mà thôi. Và ở bất kỳ quốc gia nào cũng có chuyện dân chúng có xu hướng đổ về các đô thị trung tâm, để lại các làng quê bình lặng phía sau. Nhưng cơ bản, chênh lệch về các nhu cầu cơ bản giữa các trung tâm và những thị tứ xa xôi là không tồn tại, hoặc rất không đáng kể. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Giáo dục, y tế, văn hóa là các lĩnh vực mà khoảng cách giữa đô thị và nông thôn là cực lớn. Tình trạng bệnh nhân đổ xô về các bệnh viện tuyến trên chính là biểu hiện rõ nhất của khoảng cách này. Nói chung, cơ hội ở nơi này luôn khác ở nơi kia nhưng cơ hội để tồn tại thì không nên có cách biệt lớn. Chính các cách biệt lớn ấy mới tạo ra cảm thức về sự mất công bằng và từ cảm thức ấy, nhiều ẩn ức có thể nảy sinh.
Như vậy, xét cả về địa lý lẫn cách vận hành, bất bình đẳng đã tồn tại quá lâu, tồn tại đến mức người dân đã buộc phải quen với chúng. Nhưng sức chịu đựng là có hạn. Và như nói ở trên, một khi ẩn ức dồn nén đủ lâu, nếu gặp được những ẩn ức tương đồng, rất có khả năng chúng cộng hưởng với nhau trở thành ức chế tập thể, một mối nguy rất lớn đối với sự ổn định của một quốc gia, một xã hội.
Chúng ta từng trải qua một thời bao cấp khó khăn kinh hoàng nhưng rõ ràng, cái ẩn ức thời bao cấp không lớn như thời kinh tế thị trường hiện nay. Cơ bản, trong mắt những người dân khó khăn thời bao cấp, hình ảnh khác biệt giữa người nghèo với người giàu cũng không khiến họ bị xúc phạm như hôm nay. Cái khác biệt ở thời bao cấp giữa giàu với nghèo chỉ nằm ở chỗ cái mà người giàu có là cái mà hiếm người trong xã hội Việt Nam không có. Còn hôm nay, khác biệt ấy nằm ở chỗ cái mà người giàu có trong tay toàn là những thứ xa xỉ tột cùng mà ngay cả những người trung lưu ở các quốc gia giàu có, phát triển trên thế giới cũng chỉ biết ước mơ. Những điếu cigar trị giá cả ngàn USD, những chiếc túi hàng hiệu giới hạn chỉ đếm trên đầu ngón tay mà những người giàu có bậc nhất trên thế giới mới có…
Rất nhiều các biểu hiện bề ngoài đó đã tạo ra ức chế về bất bình đẳng xã hội. Ức chế đó càng lớn hơn khi bản thân những người sở hữu các vật giá trị kia lại là quan chức. Điều đó càng làm hằn nặng thêm dấu vết bất công mà dứt khoát, ở Kỷ nguyên mới này, chúng ta phải chấm dứt.
Kỷ nguyên mới cần phải gắn liền với văn hóa mới. Đó phải là một văn hóa công bằng giữa lao động với hưởng thụ. Không thể để tiếp tục tồn tại nhiều cá nhân ăn bám vào bộ máy công chức hiện thời, làm giàu bất chính lên từ đó, thăng tiến lên ở đó và tiêu dùng xa xỉ một cách ngạo nghễ trong khi những người xứng đáng hơn mình về năng lực, nỗ lực, thái độ lại không được cấp một tấm vé để phụng sự cho bộ máy. Quyền lợi, nghĩa vụ phải cân bằng với nhau và từ đó, tạo dựng nên một nền tảng văn hóa trong xã hội là “ta sẽ được hưởng xứng đáng với những gì ta mang lại”.
Khi sự bất công bằng được triệt tiêu dần, niềm tin sẽ được gầy dựng vững chắc hơn. Từ niềm tin vững chắc vào tính công bằng ấy, con người ta nhận ra cơ hội không chỉ tồn tại ở nơi phồn hoa đô hội mà ngay ở trên mảnh đất xa xôi nhất của đất nước cũng vẫn có những cơ hội tương tự. Để từ đó, những người có ý chí ở lại xây dựng quê nhà sẽ vững tâm hơn và nhờ họ, các địa phương cũng sẽ phát triển nhanh hơn để bắt kịp các đô thị ở những mặt bằng cơ bản nhất là giáo dục, y tế và văn hóa.
Không xóa hết được bất công bằng, không thể nào xây dựng được một kỷ nguyên mới thực sự như Đảng đã đặt ra, và mong mỏi. Và đợt thực hành tốt nhất cho việc tạo dựng niềm tin vào công bằng xã hội chính là đợt gạn lọc lại nhân sự bộ máy hiện nay, với mục tiêu cần phải đặt ra là “trao cơ hội cho những người xứng đáng”.