Nhiều địa phương đã có mức thưởng Tết Dương lịch lên đến 80 triệu đồng và thưởng Tết Nguyên đán lên đến gần 110 triệu đồng.
Theo báo cáo tình hình thực hiện chính sách lao động, tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết, đến nay, có 46 doanh nghiệp gửi báo cáo lương, thưởng Tết với 2.561 lao động.
Trong đó, có 38 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và 39 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch. 8 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và 7 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch.
Về thưởng Tết Dương lịch qua khảo sát, mức thưởng cao nhất là 3 triệu đồng/người; mức thưởng thấp nhất là 250.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 109,6 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Với báo cáo của 118/500 doanh nghiệp được khảo sát, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho hay, có 70/118 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Dương lịch năm 2025 cho 10.233 người lao động với mức thưởng bình quân là 1,65 triệu đồng/người.
Trong đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 80 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng.
Bên cạnh đó, 93/118 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cho 13.240 người lao động với mức thưởng bình quân là 6,13 triệu đồng/người. Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 94 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng.
Với 5.000 công nhân, lao động, đại diện Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam (Bắc Ninh) cho biết, công ty luôn cố gắng duy trì thưởng Tết cho người lao động. Đây là phúc lợi không thể thiếu mỗi dịp cuối năm để động viên người lao động gắn bó với công ty hơn nữa.
Năm nay, công ty vẫn duy trì mức thưởng Tết Âm lịch là 1 tháng lương cơ bản. Ngoài cam kết thưởng, công ty này đang trả lương trên 8 triệu đồng/người, 9-12 triệu đồng/nhân viên có trình độ từ cao đẳng trở lên kèm phúc lợi, đãi ngộ khác.
Theo Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, đến nay chưa có đơn vị nào công bố thưởng Tết.
Bên cạnh tiếp tục theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng về lương, thưởng của người lao động dịp cuối năm, đơn vị này cũng tập trung chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, động viên kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đề nghị doanh nghiệp thông tin sớm về kế hoạch trả lương, nâng lương/trợ cấp và hỗ trợ lao động qua việc tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu xe…
Mới đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị trên chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức Công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận.
Đồng thời, các đơn vị xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 theo Điều 104 Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.
Cụ thể, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm, chỉ đạo việc khảo sát, nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết năm 2025.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, ban hành kế hoạch thưởng Tết 2025, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12. Hiện nay, nhiều địa phương bắt đầu gửi báo cáo tổng hợp về tình hình lương, thưởng về cơ quan này.