Đại tá, Anh Hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi năm 13 tuổi.
Đó là những vần thơ được Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phan Thị Ngọc Tươi thốt lên khi giặc hùng hổ bẻ gãy tay bà trước mặt những đồng đội cùng bị bắt trong trận đánh, sau đó bà còn dùng máu mình viết lên tường nhà tù để cổ vũ đồng đội, đồng chí giữ vững chí khí cách mạng. Chỉ trong vòng 4 năm, từ 1969-1972, bà đã tham gia 10 trận đánh…
1. Theo lời kể của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi, sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống cách mạng bên dòng sông Hàm Luông, xã Sơn Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre thì cha là liệt sĩ Phan Trung Thành, hy sinh năm 1968, trong một trận chống càn; mẹ là bà Sáu Lực, một thành viên trong “Đội quân tóc dài”; anh trai cũng hy sinh trong chiến đấu.
Căm phẫn tột độ khi nhìn thấy hình ảnh những tên giặc Mỹ tàn sát dân làng, đặc biệt là lúc chúng chĩa súng vào ngực người cha thân yêu bóp cò, nên vào đầu năm 1969, khi mới tròn 13 tuổi, biết đơn vị Trinh sát vũ trang An ninh Bến Tre tách ra thành lập đơn vị F90 (sau đó đổi tên là T30), bà xin các chú, các anh, chị cho tham gia chiến đấu để trả thù cho nhân dân và cho cha.
Thấy Phan Thị Ngọc Tươi còn nhỏ tuổi, sợ không chịu nổi áp lực của bom đạn và sự ác ôn của giặc, lúc đầu, ông Phạm Văn Ty (là chỉ huy) cùng những chú, bác, anh, chị có chút e ngại, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện cấp tốc, với tinh thần miệt mài học tập không kể ngày đêm, bà đã nắm vững các kỹ, chiến thuật chiến đấu, sử dụng thành thạo vũ khí, bom mìn… nên đồng ý nhận. Kể từ đó, bà chính thức trở thành chiến sĩ của đơn vị T30 an ninh tỉnh Bến Tre có nhiệm vụ tìm diệt những tên ác ôn, những đồn bốt địch gây nhiều nợ máu với nhân dân, tạo điều kiện cho cách mạng phát triển. Đơn vị lúc đầu chỉ có hơn chục đồng chí nhưng đã nhanh chóng phát triển lên thành 40 và sau khi huấn luyện, lập tức nhận trọng trách đưa chiến trường vào lòng địch.
Vừa nhận trọng trách, đơn vị của Phan Thị Ngọc Tươi nhận tin một tốp 5 tên an ninh quân đội Việt Nam Cộng hòa đang tụ tập ăn uống tại một địa điểm ở thị trấn Mỏ Cày, trong đó có tên đại úy chỉ huy rất ác ôn, từng bắn chết nhiều chiến sĩ của ta và tra tấn dân lao động một cách vô cớ khi cho rằng họ che giấu cán bộ cách mạng. Đám lính này luôn có sự đề phòng rất cao và sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ ai mà chúng nghi ngờ là theo dõi nên việc tiếp cận hết sức nguy hiểm, nếu không tính toán kỹ lưỡng có thể mất mạng ngay khi chưa kịp hành động gì.

Tuy nhiên, với sự mưu trí của mình, Phan Thị Ngọc Tươi âm thầm tiếp cận rồi dùng lựu đạn tiêu diệt gọn, không cho tên nào thoát. Phát hiện bị đánh úp, bọn giặc lùng sục khắp nơi hòng tìm ra người thực hiện vụ nổ lựu đạn, nhưng chúng không thu được gì bởi bà cùng đồng đội đã nhanh chóng trở về đơn vị mà không để lọt bất cứ manh mối nào.
Một tháng sau trận đánh làm lung lay tinh thần địch, đơn vị của Phan Thị Ngọc Tươi lại phát hiện âm mưu của một nhóm cố vấn Mỹ chuẩn bị gây tội ác tại khu vực sân bay Tân Thành nên bà xin chỉ huy cho đi trinh sát, nắm tình hình để lên phương án tấn công trước khi chúng kịp hành động. Sau khi nắm rõ địa hình, địa vật, quy luật hoạt động, thời gian cùng địa điểm dịch chuyển của địch, bà cùng đồng đội tiến hành tổng hợp, phân tích thông tin thu thập được một cách chớp nhoáng và ra quyết định cài mìn hẹn giờ để vừa bảo toàn tính mạng của các thành viên trong đơn vị, vừa đảm bảo hiệu quả chiến đấu cao.
Sự tính toán hợp lý của bà cùng đồng đội đã đúng khi vào thời điểm 3 tên cố vấn Mỹ di chuyển đến điểm đã định cũng là thời gian mìn hẹn giờ được kích nổ khiến tất cả đều bị tiêu diệt. Không để cho địch kịp hoàn hồn, một tuần sau đó, vào lúc 18 giờ ngày 4/4/1969, khi phát hiện chúng chuẩn bị thực hiện trận càn lớn, bà lập tức nhận nhiệm vụ mang mìn vào tận sân bay diệt tiếp 7 tên giặc lái khiến kế hoạch của địch hoàn toàn đổ vỡ, đám giặc lái khác thì hoang mang lo sợ, không dám bén mảng đến khu vực sân đậu máy bay.
Liên tiếp những năm 1970-1971, sau Mậu Thân 1968, Mỹ – ngụy điên cuồng đánh phá, gây cho ta nhiều tổn thất, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không để địch có thêm thời gian tàn sát dân lành và những chiến sĩ cách mạng, cấp trên giao cho đơn vị T30 phải thực hiện ngay nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình để xây dựng phương án tập trung đánh vào lực lượng giang thuyền và trung tâm chiến tranh tâm lý của địch.
Do đã thông thạo từng xóm, ấp, từng tấc đất của quê hương nên ngay sau khi nhận mệnh lệnh từ chỉ huy Phạm Văn Ty, Phan Thị Ngọc Tươi cùng đồng đội chỉ mất vài ngày nghiên cứu cách đánh địch, xây dựng phương án hữu hiệu nhất và đến ngày 12/11/1970, bà trực tiếp chỉ huy một tổ trinh sát đánh sập chốt cảnh sát trên bộ, sau đó 4 ngày lại thay đổi chiến thuật bằng cách dùng mìn hẹn giờ diệt 5 tên lính giang thuyền. Chưa dừng lại, cuối năm 1970, bà chỉ huy các đồng đội cài mìn hẹn giờ, đánh sập một góc trụ sở ty thông tin chiêu hồi, tiêu diệt 3 tên và làm 2 tên bị thương…
Những trận đánh này đã khiến cơ quan đầu não của Mỹ – ngụy ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long kinh hồn, bạt vía, chúng khiếp sợ đến nỗi suốt thời gian sau đó chỉ cho máy bay mang bom và pháo kích tấn công chớp nhoáng chứ không dám tổ chức một trận càn nào trên bộ.

2. Với hàng loạt chiến công, cuối năm 1971, bà được cấp trên cùng đồng đội tôn vinh là Dũng sĩ diệt Mỹ, sau đó được bố trí ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quốc. Nhưng, vì không thể bỏ đồng đội lúc chiến trận, hơn nữa còn phải xây dựng chiến thuật tấn công tiêu diệt trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa, nơi bọn cảnh sát Việt Nam Cộng hòa dùng để tra tấn dã man các chiến sĩ cách mạng và cả những người dân bị chúng cho là nuôi giấu bộ đội ta nên bà kiên quyết xin không đi để được ở lại tham gia chiến đấu.
Cũng theo lời kể của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi, trong hàng loạt trận đánh thì lớn nhất, nguy hiểm nhất là trận đánh vào trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa. Đây là nơi địch tra tấn, đánh đập, khai thác đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta bị chúng bắt được, phục vụ cho việc đánh phá vùng giải phóng và kế hoạch bình định cấp tốc nên có thể nói trận chiến này không chỉ là đánh vào cơ quan đầu não của kẻ địch mà còn tiêu diệt một trung tâm tội ác, một sản phẩm chỉ có dưới chế độ đàn áp của Mỹ – ngụy và trực tiếp chia lửa với chiến trường, mục tiêu quan trọng số một phải tiêu diệt lúc bấy giờ. Cũng cần nhắc lại rằng, trung tâm này được địch bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, bố trí tuần tra, canh gác suốt ngày đêm, không một phút lơi lỏng nên đánh trung tâm này là xác định việc hy sinh tại chỗ là rất cao.
Sau thời gian điều tra, nghiên cứu, lập bản đồ chi tiết chuyển về cứ học tập, lập trận giả để tập luyện nhuần nhuyễn kỹ, chiến thuật, xây dựng chi tiết phương án tác chiến, đêm 12/6/1972, các chiến sĩ (6 nam, 2 nữ) chia làm 3 mũi, đột nhập mục tiêu. Phan Thị Ngọc Tươi được phân công trực tiếp chỉ huy trận đánh, kiêm chỉ huy một mũi chủ lực là tiểu đội 3. Các chiến sĩ cũng nhận được lệnh bí mật cài bộc phá, mìn hẹn giờ tại các khu vực trọng yếu, súng, lựu đạn, thủ pháo do các chiến sĩ trực tiếp mang trên người để tấn công trực diện.
Đến 20 giờ, khi công tác chuẩn bị đã chu toàn, chỉ huy phát pháo lệnh vang lên và hàng loạt tiếng nổ của các loại vũ khí vang rền biến cả trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa chìm trong biển lửa, khói bụi mịt mù. Chỉ trong vài phút, nhiệm vụ đánh trung tâm thẩm vấn đã hoàn thành, nhưng khi các mũi giáp công chưa kịp rút thì địch đã bao vây tứ phía. Để giảm thiểu tổn thất, Phan Thị Ngọc Tươi cùng tiểu đội 3 ở lại thu hút địch về phía mình nhằm đánh lạc hướng, cho 2 tiểu đội còn lại rút lui.
Khi đạn dược trong tay các chiến sĩ đã cạn kiệt, biết không thể thoát được, nếu kéo dài tình trạng chiến đấu mất cân xứng như vậy sẽ gây tổn thất lớn, Phan Thị Ngọc Tươi ra lệnh cho đồng đội rút lui, còn bà và một chiến sĩ nữa tên là Tám Chiến ở lại chặn đường. Trong tay bà lúc đó chỉ còn quả thủ pháo cuối cùng, nhưng trước tình thế một mất một còn, bà quyết định rút chốt quăng về phía địch rồi dùng tay vơ vét những viên đá ném tiếp. Giằng co được chốc lát thì nhóm địch hét lớn: “Nó hết đạn rồi, bắt sống…”. Khi cả bọn hùa nhau nhào tới, bà lập tức đưa chân đạp phăng ông Tám Chiến ra xa để tránh khỏi họng súng đen ngòm của địch, còn bà chụp 2 quả lựu đạn giắt ở thắt lưng ông Chiến, nắm chặt trong tay rồi luồn giấu vào áo.
Vừa thực hiện xong động tác thì đám lính nhào vào đấm đá tới tấp và quật bà ngã sấp xuống đất, tiếp đến, 2 tên lính lực lưỡng nắm hai chân bà kéo ngược trên đường. Kéo lê chán chê, chúng dừng lại, nắm tóc bà dựng ngược dậy mà không biết trong thời gian lê lết trên đường, bà tranh thủ dùng răng rút chốt cả 2 quả lựu đạn nên vừa đứng lên, bà vung tay ném về phía chúng rồi thừa lúc chúng dạt ra né đạn thì chạy, nhưng do sức lực đã cạn nên chỉ được vài bước, bà ngã khuỵu. Bọn địch như những con quỷ khát máu lao đến tiếp tục đá đấm tới tấp cho đến khi thấy bà không còn phản ứng thì nắm chân lôi vào Bộ chỉ huy Cảnh sát quốc gia.

Những ngày sau đó, địch thực hiện nhiều cuộc thẩm vấn kèm theo là những trận đòn roi tra tấn khiến toàn thân Phan Thị Ngọc Tươi chỗ nào cũng bê bết máu. Không khai thác được gì thì địch lại dùng nhục hình, tấn công cả những khu vực nhạy cảm, xuống nước ngon ngọt dụ dỗ, nhưng liên tục nhiều lần như vậy vẫn không có kết quả gì. Không thể làm lung lay ý chí kiên trung bất khuất của người chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi, giặc hùng hổ bẻ tay bà trước mặt đồng đội, nhưng bà vẫn thản nhiên như không hề đau đớn gì.
Trong thời khắc ấy, bà thốt lên hai câu thơ, sau đó bà lấy máu mình viết lên tường xà lim của nhà tù để cổ vũ anh em giữ vững chí khí cách mạng: “Xương ta gãy để nối liền Nam Bắc/ Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành”.